Quảng cáo phản cảm, nhãn hiệu nước tăng lực hổ vằn nhận ‘bão’ chỉ trích

Thời gian gần đây, sau khi một video quảng cáo về nước tăng lực liên tục được phát sóng trên truyền hình vào khung giờ vàng đã vấp phải rất nhiều phản ứng dữ dội từ người dân cũng như những người làm công tác giáo dục, văn hóa bởi nội dung phản cảm.

Đoạn quảng cáo có thời lượng 45 giây, cảnh quay là ngôi nhà của một cặp vợ chồng trẻ với trang phục đồng bào dân tộc ít người. Nội dung xoay quanh câu hỏi của người vợ: "Mình đi đâu đấy", với những câu trả lời của người chồng là "lên núi, lên nóc nhà", người vợ sẽ đưa nước tăng lực với slogan: "Mình uống đi cho khỏe". Điều đáng nói, đoạn cuối của quảng cáo, khi người chồng nói "lên giường ngủ", người vợ vẫn với câu slogan: "Mình uống đi cho khỏe". Biểu cảm trên khuôn mặt của hai vợ chồng này cùng những câu thoại khiến người xem cho rằng câu chuyện giường chiếu trong đoạn quảng cáo này được trưng ra một cách phản cảm.

Trên một diễn đàn mạng xã hội sau khi đăng tải đoạn video quảng cáo này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm, bàn tán của cư dân mạng. Đa số mọi người đều bày tỏ thái độ bức xúc trước cách quảng cáo phản cảm của nhãn hàng này. Họ cho rằng đây là quảng cáo nhảm, vừa không có nội dung lại dung tục nhằm gây chú ý.

Thậm chí, nhiều phụ huynh còn tỏ ra lo lắng vì quảng cáo được phát ở khung giờ vàng, trẻ em có thể xem được, như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của con em mình. Một phụ huynh cho biết, con đang ở tuổi dậy thì nên hiểu được ẩn ý của quảng cáo và cười ma mãnh:  "Tôi thấy quảng cáo này rất nhảm nhí, dung tục. Con trai tôi đang tuổi dậy thì, khi cháu xem tôi thấy cháu hiểu ẩn ý của quảng cáo này và cười ma mãnh, tôi hiểu được ý nghĩ của cháu. Còn gái 8 tuổi của tôi lại hỏi: 'Mẹ ơi, sao đi ngủ lại còn uống nước ngọt và nói uống đi cho khỏe?'

Chia sẻ với báo chí, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh - cán bộ giảng dạy tại khoa kiến trúc và quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội cảm thấy "chịu hết nổi". Ông đã phải gọi điện thoại, gửi thư tới VTV để yêu cầu ngừng phát sóng clip quảng cáo mà ông cho là không thể chấp nhận được này.

"Như thế là không tôn trọng khán giả", ông Minh nói. Thậm chí, nếu "nâng cao quan điểm" thì ông Minh cho rằng việc clip quảng cáo này tùy tiện đưa hình ảnh cặp vợ chồng mặc trang phục vùng cao vào một quảng cáo kém chất lượng như vậy là coi thường đồng bào dân tộc ít người.

Đồng quan điểm với ông Minh, bà Hoàng Thu Thùy - một người Tày và là cây bút chuyên viết về văn hóa của các dân tộc ít người, cũng lên tiếng phản đối gay gắt với clip quảng cáo này. Bà nhận thấy clip này cho thấy sự coi thường với đồng bào các dân tộc ít người. Việc diễn viên sử dụng trang phục văn công chứ không phải riêng trang phục của dân tộc ít người nào ở Việt Nam nên có thể coi clip này coi thường tất cả các đồng bào dân tộc ít người nói chung.

Trước đó, cũng trên sóng truyền hình, một đoạn quảng cáo về nước tăng lực khác cũng gây tranh cãi gay gắt về việc sử dụng ngôn từ không phù hợp văn hoá người Việt. Từ câu thoại trong đoạn quảng cáo cũng khiến nhiều phụ huynh phản ánh vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng người xem ở tuổi vị thành niên, thậm chí, trẻ nhỏ cũng có thể bắt chước theo... Với rất nhiều quảng cáo mới xuất hiện trên truyền hình mỗi ngày, thiết nghĩ nên có sự kiểm duyệt kĩ càng hơn trước khi phát sóng rộng rãi.

Vũ Anh (t/h)

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/quang-cao-phan-cam-nhan-hieu-nuoc-tang-luc-ho-van-nhan-bao-chi-trich-a68203.html