Giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng phương án cho nhân viên làm việc tại nhà (work from home) để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng.
Khi làm việc tại nhà, nhiều người thoải mái hơn vì được tiết kiệm thời gian đi lại, không tiếp xúc với nhiều người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, làm việc tại nhà cũng có nhiều điều hạn chế. Bạn ít vận động hoặc khó tập trung hơn trong công việc. Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu suất của bạn.
Làm thế nào để luôn “giữ vững phong độ” và đảm bảo hiệu suất khi làm việc tại nhà? Thứ áp dụng 9 cách dưới đây, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt.
1. Tuân thủ lịch trình và giữ “bản sắc riêng” của mình khi làm việc tại nhà
Nếu như trước đây, bạn chưa từng có nhiều thời gian làm việc tại nhà, có thể bạn sẽ thấy khó khăn để làm quen với điều đó trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, bạn hãy xem như đây là cơ hội để tập luyện một kỹ năng mới. Điều quan trọng đầu tiên là bạn hãy đưa ra một lịch trình cụ thể cho bản thân và tuân thủ nghiêm túc theo lịch trình đó. Hãy cố gắng không ngủ dậy muộn hơn hoặc ăn sáng chậm chạp hơn so với những ngày đi đến văn phòng làm việc.
Với một số người, họ chỉ có thể làm việc tốt hơn khi được ở trong không gian gọn gàng, yên tĩnh. Khả năng tập trung của họ cũng sẽ giảm đi nếu xung quanh có quá nhiều tiếng ồn. Tuy nhiên, một số người khác sẽ làm việc tốt hơn nếu được nghe nhạc. Một số người lại không hề giảm sút mức độ tập trung bất chấp không gian xung quanh bừa bộn hay có nhiều tạp âm.
Mỗi người là một cá thể độc lập và có những đặc tính khác nhau. Lúc này, bạn hãy để ý xem mình thuộc kiểu đối tượng nào và hãy thoải mái là chính mình để làm việc.
2. Phân chia khu vực khi làm việc tại nhà
Bạn hãy cố gắng “khoanh vùng” nơi làm việc của mình trong một khu vực cụ thể để công việc của bạn không làm ảnh hưởng đến các thành viên khác trong nhà. Đây cũng là việc giúp bạn tăng khả năng tập trung làm việc.
Tốc độ xử lý công việc của bạn sẽ cao hơn nếu như trên bàn làm việc của bạn không bị lẫn lộn với các vật dụng khác như remote, chén đĩa đựng thức ăn…
3. Tự “cách ly” bản thân trong suốt thời gian làm việc
Nếu bạn là người không thể tập trung làm việc khi xung quanh có quá nhiều tiếng ồn, hãy tạm thời “cách ly” bản thân với bên ngoài. Để làm việc này, bạn có thể đóng cửa, miễn tiếp hàng xóm hoặc đeo nút bịt tai chặn tiếng ồn.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các loại âm thanh nhẹ nhàng như tiếng nước chảy, tiếng sáo hoặc tiếng sóng biển có thể làm dịu não của bạn, kích thích sự tập trung và điều hòa nhịp tim, huyết áp. Vì thế, bạn có thể mở các âm thanh này với âm lượng vừa phải để vừa nghe, vừa xử lý công việc.
4. Luôn ưu tiên thời gian cho công việc
Khi làm việc tại nhà, có nhiều khả năng bạn sẽ bị phân tâm bởi những yếu tố hoặc việc cá nhân khác. Nếu bạn cảm thấy thật khó để bỏ qua những món ăn hấp dẫn trong tủ lạnh hoặc việc nhà còn dang dở như nấu ăn, giặt đồ, hút bụi, chăm cây cảnh…, hãy trấn tĩnh lại, hít một hơi thật sâu rồi thở ra nhẹ nhàng và tự nhắc nhở bản thân rằng “mình cần phải ưu tiên cho công việc”.
Những việc cá nhân khác, hãy xử lý khi đã hết giờ làm hoặc trong những lúc bạn thư giãn giữa giờ.
5. Xác định “ranh giới” cho bản thân
Hãy rạch ròi trong việc xác định ranh giới di chuyển của bản thân khi làm việc tại nhà. Bạn hãy xem khu vực làm việc của mình là văn phòng ở công ty, nếu không có trường hợp khẩn cấp nào xảy ra, bạn không nên di chuyển ra khỏi nơi làm việc để đảm bảo yếu tố tập trung.
Một điều cần thiết khác là cố gắng “giờ nào việc nấy”. Khi làm việc ở nhà, bạn hãy cố gắng hoàn thành các hạng mục công việc trong 8 tiếng như khi đang ở văn phòng công ty.
6. Cho bản thân thư giãn, vận động nhẹ nhàng
Theo tạp chí Forbes, khi quá tập trung làm việc, có thể bạn sẽ quên để bản thân mình thư giãn hoặc vận động nhẹ nhàng. Khi đó, cơ thể sẽ mệt mỏi dần. Đầu óc của bạn cũng sẽ mụ mị và kém linh hoạt hơn.
Điều cần thiết lúc này là hãy rời màn hình máy tính trong vài phút, ra ngoài hưởng gió trời hoặc tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng rồi quay lại phòng làm việc.
Bạn cũng có thể thư giãn bằng cách tránh xa các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính để tham gia vào câu chuyện của cả nhà sau khi hết giờ làm việc. Đây cũng là cách bạn “sạc pin” lại cho thể chất và trí não của bạn.
7. Ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài
Nếu bạn đang sống trong gia đình đông người hoặc ở cùng một hay vài người khác, hãy chia sẻ với họ về khoảng thời gian làm việc tại nhà của bạn.
Bạn có thể nói rõ cho họ biết rằng trong suốt thời gian làm việc của mình, bạn không muốn bị các yếu tố khác làm phân tâm hoặc gián đoạn vì bạn bè ghé thăm hoặc tán gẫu tại phòng làm việc. Nếu không, tiến độ công việc của bạn sẽ bị chậm trễ hoặc chất lượng công việc bị giảm sút.
8. Đảm bảo sự kết nối với đồng nghiệp trong suốt thời gian làm việc
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự kết nối hoặc khả năng tương tác của bạn với đồng nghiệp là đường truyền Internet.
Để tránh chất lượng công việc bị ảnh hưởng do Internet, bạn hãy tự kiểm tra các thiết bị kết nối tại nhà. Trường hợp bạn không thể tự khắc phục sự cố, hãy nhờ đến dịch vụ của nhà cung cấp.
9. Luôn giữ thái độ nghiêm túc trong lúc làm việc tại nhà
Khi làm việc tại nhà, bạn thấy mình thoải mái hơn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể làm việc khi đang nằm hoặc đang ở một tư thế nào đó không giống với tác phong ở văn phòng.
Dù nó khiến bạn cảm thấy không gò bó nhưng đôi khi những tư thế làm việc không đúng chuẩn này sẽ góp phần vào việc làm giảm sút hiệu suất của bạn. Nếu có thể, hãy chuẩn bị cho mình một bộ bàn ghế thích hợp để luôn duy trì tư thế làm việc đúng.
Phương Đài
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/lam-viec-tai-nha-mua-dich-9-cach-de-ban-quan-ly-nang-suat-cong-viec-a68454.html