3 mẫu nghi mắc Covid-19 bằng xét nghiệm nhanh ở Hà Nội đều âm tính

Các mẫu nghi mắc Covid-19 qua xét nghiêm nhanh tại Hà Nội ngày 31/3 đều đã cho kết quả âm tính.

Ngày 1/4, Bộ Y tế cho biết 3 mẫu dương tính với virus gây bệnh Covid-19 lấy tại khu vực xét nghiệm nhanh thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, từ những người có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Đây là kết quả khi thực hiện xét nghiệm lại với 3 mẫu bệnh phẩm nói trên bằng kỹ thuật Realtime PCR - phương pháp chẩn đoán SARS-CoV-2 tại các phòng xét nghiệm.

Loại xét nghiệm nhanh bằng máu đang được thực hiện ngoài cộng đồng ở Hà Nội được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Các trường hợp dương tính sau test nhanh sẽ được xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR với bộ xét nghiệm do Việt Nam sản xuất (cho kết quả sau 2 đến 2,5 giờ độ chính xác đạt 100%.

3 mau nghi mac Covid-19 bang xet nghiem nhanh o Ha Noi deu am tinh hinh anh 1 tramtestnhanhcovid9.jpg

Nhân viên y tế lấy mẫu máu ở tay người xét nghiệm, sau đó thực hiện test và có kết quả sau 10 phút. Ảnh: Việt Linh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho hay, xét nghiệm chẩn đoán nhiễm vSARS-CoV-2 hiện có 2 nhóm là phết họng tìm kháng nguyên (xác virus hoặc virus đang sinh sôi tại họng) và xét nghiệm máu tìm IgM/IgG.

Xét nghiệm nhanh lấy máu cho kết quả 10 phút là tìm kháng thể IgM/IgG. Mục tiêu của xét nghiệm nhanh này là để tầm soát và tìm ra người mắc bệnh sớm. Tuy nhiên, xét nghiệm nhanh không phải là xét nghiệm có tính khẳng định mắc Covid-19. Do xét nghiệm này có thể xảy ra tình trạng âm tính giả hoặc dương tính giả nên tùy theo mức độ quy mô dịch bệnh sẽ được cân nhắc sử dụng.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đánh giá xét nghiệm nhanh thường cho độ nhạy cao. Song, việc phát hiện có kháng thể IgM/IgG trong máu chỉ khẳng định người đó đã từng nhiễm SARS-CoV-2, phải làm thêm xét nghiệm Realtime RT-PCR mới có thể khẳng định.

Ngược lại, xét nghiệm nhanh âm tính cũng không chắc là người đó không mắc bệnh. Bởi khi người mới nhiễm, lượng virus thấp, cơ thể chưa sinh ra kháng thể vẫn có thể cho kết quả âm tính. Do đó, người trong diện nghi ngờ phải được theo dõi để xét nghiệm lại nếu có triệu chứng bệnh.

Phong Linh

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/3-mau-nghi-mac-covid-19-bang-xet-nghiem-nhanh-o-ha-noi-deu-am-tinh-a68743.html