Hiện nay, các nhà xuất bản đã công bố giá sách giáo khoa lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó cả 5 bộ sách đều có mức giá từ 180 đến 200 nghìn đồng. Đây là mức giá cao gấp hơn 3 lần so với giá sách lớp 1 hiện hành.
Việc tăng giá sách như vậy khiến nhiều người bất ngờ, vì sách giáo khoa là một mặt hàng đặc biệt tác động đến hàng triệu phụ huynh và học sinh.
Trong khi giáo dục là quốc sách và giáo dục tiểu học là bậc học phổ cập nên tính ổn định giá sách phải được tính toán ngay từ đầu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Theo đó, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng, mức tăng giá sách giáo khoa gấp 3 lần giá hiện hành rõ ràng là quá cao, khó chấp nhận.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, để đánh giá tính hợp lý của việc tăng giá sách cần dựa trên những nguyên tắc nhất định như phải bảo đảm đúng luật và minh bạch.
Giá sách cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ các gia đình có con học lớp 1 trong năm học 2020-2021.
Sự phản ứng của người dân và các chuyên gia về việc tăng giá sách là đương nhiên, khó tránh khỏi.Trong bối cảnh dịch Covid- 19 đang có diễn biến phức tạp, dự báo đời sống kinh tế xã hội thời gian tới sẽ nhiều khó khăn nên thông tin tăng giá sách, thậm chí tăng gấp 3 lần giá sách hiện hành chắc chắn tạo những cú sốc lớn về tâm lý xã hội.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, khi chủ trương thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa là chấp nhận việc giá cả của sách sẽ do thị trường điều tiết.
Đã theo quy luật của kinh tế thị trường, giá sách phải tính đúng tính đủ trên cơ sở vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp để họ có thể duy trì hoạt động.
Nhưng đồng thời phải phù hợp với điều kiện của các gia đình phụ huynh học sinh để họ có thể lựa chọn.
Do đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh: "Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, cần tính toán để đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích kinh tế của doanh nghiệp và mục tiêu phục vụ xã hội.
Đành rằng, việc nâng giá để tương ứng với chất lượng nội dung, hình thức, chất liệu sách giáo khoa là hợp lý, nhưng mức giá tăng gấp hơn 3 lần giá hiện hành rõ ràng là quá cao, khó chấp nhận.
Điều này lẽ ra các Nhà xuất bản cần phải tính toán kỹ trước khi in ấn, xuất bản".
Theo vị này, có thể tăng giá sách nhưng phải tương ứng theo chất lượng sách giáo khoa và phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng chi trả của người dân.
"Về phía Nhà nước, tôi cho rằng cũng cần xem xét thấu đáo việc tăng giá sách giáo khoa phổ thông, không thể để thị trường chi phối hoàn toàn được" - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
Với các hộ gia đình nghèo, vùng sâu vùng xa, việc tăng chi phí mua sách gấp hơn ba lần là một thách thức không nhỏ, trong khi phải lo toan nhiều khoản thu đầu năm học.Điều mà vị đại biểu Quốc hội này lo lắng đó là việc tăng giá sách giáo khoa sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người tiêu dùng là học sinh và phụ huynh học sinh.
Vì vậy, vị đại biểu Quốc hội này đề nghị: "Chính phủ cần chủ động đưa ra những chính sách phù hợp để hài hòa quyền lợi của nhà xuất bản và người dân.
Đồng thời, đối với học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, để việc tăng giá sách giáo khoa không trở thành lực cản ngăn học sinh tới trường, Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp cần có những hỗ trợ thiết thực để đảm bảo cho học sinh phổ thông nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đủ sách giáo khoa theo chương trình mới, mà trước mắt là ưu tiên cho học sinh lớp 1.
Đồng thời vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội tặng sách giáo khoa cho thư viện các trường phổ thông vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Phát động và duy trì phong trào vận động quyên góp sách giáo khoa tặng học sinh nghèo, học sinh vùng biên giới, hải đảo.
Về lâu dài, để thực hiện đúng trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Luật Giáo dục năm 2019, tôi cho rằng Nhà nước cần bố trí ngân sách để thư viện các trường Tiểu học đủ sách giáo khoa cung cấp cho học sinh mượn sử dụng theo nhu cầu.
Đó là sự cụ thể hoá chủ trương coi giáo dục là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước".
Qua trao đổi với vị Đại biểu Quốc hội này có thể hiểu, việc tăng giá sách của các nhà xuất bản cần thiết phải được xem xét lại và nhà nước cần có chính sách điều chỉnh giá sách sao cho phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục ở bậc tiểu học.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/khong-the-de-thi-truong-quyet-dinh-gia-sach-giao-khoa-a68826.html