Trung úy Trần Đức Thiện tranh thủ lúc rảnh để gọi video nói chuyện với vợ con ở nhà. Đôi mắt anh sáng lên khi khoe những tấm hình của cô con gái bé bỏng mà vợ chụp gửi cho anh. “Bé gần được 1 tháng tuổi rồi đấy, nhìn xem nó giống mình không, đôi mắt này, cái miệng này, mũi nữa này…” - Anh Thiện háo hức.
Trần Đức Thiện là Quân y đang công tác tại Đồn Biên phòng Lộc Thành, BĐBP Bình Phước. Vợ chồng anh đang thuê nhà để tạm trú tại xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Từ đơn vị về nhà khoảng hơn 35km. Thế nhưng khi con đã được gần 1 tháng tuổi, vì nhiệm vụ bám biên đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 nên anh chưa một lần về để được ẵm bế con.
Anh kể, vào một ngày đầu tháng 3, khi đang cùng đồng đội dựng lán để cắm chốt trên biên giới thì nhận được điện thoại của em gái. Anh Thiện vừa ngạc nhiên vừa vỡ òa hạnh phúc vì vợ vừa mới sinh con, cả mẹ và con gái đều khỏe mạnh. Qua lời kể của em gái được biết, vợ anh vì biết anh đang bận trực nên khi đi sinh đã không gọi điện cho anh vì sợ anh lo lắng. Chị đã một mình tự bắt xe xuống thành phố Hồ Chí Minh và tự làm các thủ tục nhập viện. “Nội, ngoại đều ở xa và bận việc nên không thể phụ giúp. Cũng may có em gái đang làm việc ở Sài Gòn chăm sóc hai mẹ con ở bệnh viện và đưa về nhà nên cũng bớt lo lắng” - Anh Thiện tâm sự.
Nhà chỉ có hai vợ chồng, từ khi em gái quay về Sài Gòn làm việc cũng là lúc vợ anh phải vừa tự chăm mình và chăm con. “Người tính không bằng trời tính. Năm nay mình dự định sẽ nghỉ phép năm để chăm sóc, đỡ đần vợ con lúc sinh nở. Ai ngờ dịch bệnh bùng phát…” - Anh Thiện chia sẻ.
Anh thương vợ vượt cạn không có chồng bên cạnh. Mới sinh xong, khi vết thương chưa lành, chị đã phải tự chăm sóc bản thân mình và chăm con. Dù vợ không kể, nhưng khi nhìn vợ qua điện thoại thấy đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, hỏi chuyện hàng xóm anh được biết bé con hay quấy khóc. Nghĩ anh lại càng thấy thương vợ nhiều hơn, càng nỗ lực nhiều hơn trong công việc để sớm ngăn chặn được dịch bệnh. Mỗi khi rảnh anh lại gọi điện về động viên và ngắm nhìn đứa con bé bỏng đang lớn dần lên từng ngày qua màn hình điện thoại. “Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bên cạnh lực lượng chốt chặn trên biên giới thì những người làm công tác quân y là không thể thiếu. Giờ mình vì việc riêng mà xin về thì công tác phòng dịch ở đơn vị biết phải làm sao”- anh Thiện nói và cho biết dù thương vợ con nhưng anh sẽ cùng với anh em trong đơn vị quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để góp phần ngăn chặn và sớm đẩy lùi dịch bệnh vì đơn vị, gia đình và cộng đồng. "Hết dịch sẽ về thăm và bù đắp những hy sinh của vợ con ở nhà”- anh Thiện cười tươi.
Trung úy Trần Đức Thiện, sinh năm 1983, quê ở Thái Bình, nhập ngũ và công tác tại BĐBP Bình Phước từ năm 2002. Bộ đội vốn là ước mơ từ nhỏ của bản thân anh. Và giờ đây đã 18 năm trôi qua khi mơ ước đó trở thành hiện thực, trong anh vẫn luôn tâm niệm, khi đã khoác lên mình bộ quân phục thì "tình đất nước luôn đứng trước tình nhà", có như vậy mới xứng đáng là người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được nhân dân tin yêu.
Ở một điểm chốt khác của Đồn Biên phòng Lộc Thành, chúng tôi gặp Đại úy Phạm Văn Tuyền, Đội trưởng phòng chống ma túy và tội phạm khi anh vừa cùng đồng đội đi tuần tra về tới chốt. Không giấu được sự lo lắng, hồi hộp, anh Tuyền cho chúng tôi hay vợ anh hiện đang chuyển dạ và nằm trong Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương. Vì sinh khó nên đã nhập viện theo dõi từ hai ngày nay, nhưng anh chỉ có thể động viên vợ qua điện thoại. “Đây là đứa thứ 2 của gia đình cũng là lần thứ 2 vợ vượt cạn mà không có chồng ở bên cạnh. Con thứ nhất vì đang đi học nên khi bé được 3 tháng tuổi tôi mới về gặp con. Cũng may có ông bà nội ở gần đỡ đần nên tôi cũng yên tâm hơn. Mong hết dịch tôi sẽ xin cấp trên giải quyết nghỉ phép để về chăm sóc vợ con”. Anh Tuyền nở nụ cười tươi khi chia sẻ.
Trong cuộc chiến chống “giặc dịch” có nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh đều nén lại tình riêng để vì nhiệm vụ chung. Bởi với họ đó là trách nhiệm thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm: 1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. 2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m. 3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. 4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh. 5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/het-dich-ba-se-ve-tham-me-con-a68892.html