Đòi hỏi năng lực của giáo viên
Với phương châm “dừng đến trường chứ không ngừng việc học”, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã yêu cầu các địa phương chủ động triển khai học trực tuyến. Đồng thời, kết quả của quá trình này cũng sẽ được công nhận khi tổ chức rà soát, đánh giá kiến thức với học sinh đi học trở lại. Nhưng qua vài tuần thực hiện, dạy học trực tuyến vẫn lúng túng, mờ nhạt tại nhiều địa phương và trường học.
Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) chia sẻ, việc chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến đã gặp một số bất cập. Đầu tiên, để triển khai, trường phải thay đổi nhận thức của thầy cô vì trước đây họ chưa từng dạy trực tuyến. Nhiều người còn bỡ ngỡ trong việc chuẩn bị nội dung cũng như phương thức dạy. Ngược lại, nhiều học sinh sau khi nghỉ học được bố mẹ gửi về quê, không thể kết nối internet, cũng có em mải chơi nên giáo viên không thể kết nối được.
Nhiều giáo viên cho rằng, đối với học sinh có ý thức, có khi không cần đến những tương tác trực tuyến của thầy cô, các em vẫn tự tạo thời khóa biểu học tập trong thời gian nghỉ không đến trường. Còn với phần lớn học sinh khác, do không có những áp lực về kiểm tra đánh giá, chưa tạo thành thói quen nên còn lơ là, tham gia với tinh thần “vui là chính” nên tính hiệu quả chưa như mong muốn.
Một giáo viên Ngữ Văn trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, trước mỗi giờ dạy trực tuyến, thông qua các nhóm trên mạng xã hội, giáo viên phải “rao” liên tục trong vòng 1 đến 2 ngày để các em sắp xếp thời gian tham gia. May mắn lắm mới có khoảng 50% học sinh tập trung nghe giảng, còn lại cứ ra vào liên tục. Một số học sinh có biểu hiện học không đều, vắng thường xuyên, không hoàn thành bài trong thời gian dài hoặc vẫn online nhưng dành thời gian làm việc riêng như chat, chơi game… khiến thời gian trên lớp bị ảnh hưởng.
Với các trường ở vùng nông thôn, việc tổ chức dạy học trực tuyến càng khó khăn hơn. Đại diện ban Giám hiệu trường THPT Long Hòa (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) trình bày, học sinh ở vùng nông thôn có nhiều em gia đình không có điều kiện để mua máy tính, kết nối internet, thậm chí có em gia đình không ai có điện thoại thông minh. “Hiện tại, trường chỉ tổ chức học qua internet bằng hình thức đăng bài giảng trên trang website. Hình thức này rất khó kiểm soát được việc học sinh có tích cực học tập hay không, các em có tự ghi bài được không, vì ngay khi dạy trên lớp có em còn không chép bài, làm bài. Việc làm bài tập nộp cho giáo viên cũng khó đánh giá đúng thực chất”, vị này nói.
Chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất
Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM dẫn chứng, qua khảo sát, tỷ lệ học sinh tại TP.HCM tham gia học trực tuyến không cao, chỉ đạt khoảng 70-80%. Ở một số trường ở khu vực ngoại thành khó khăn hơn thì con số này chỉ khoảng 60%. Do đó, TP.HCM xác định khi học sinh đi học trở lại, vẫn phải có một khoảng thời gian nhất định để rà soát khả năng tiếp thu của học sinh và tổ chức ôn tập, phụ đạo thêm. Có ý kiến còn lo ngại rằng, sự không đồng đều trong chất lượng giảng dạy sẽ khiến học sinh thiệt thòi khi tổ chức kiểm tra tập trung trong thời gian tới.
“Một số phần mềm miễn phí, nhưng khi đưa vào sử dụng, giáo viên thấy không phù hợp nên nhiều buộc phải trả phí để được dạy. Hạn chế nữa là với những ứng dụng này, mỗi lớp học chỉ dạy được khoảng 25 học sinh mỗi lần vì phần lớn các phần mềm hạn chế số người tham gia. Hơn nữa, việc dạy học trực tuyến đối với các lớp đông học sinh sẽ rất khó để tương tác”, một chuyên viên của sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ.
Ngoài ra, do chưa có quy định rõ ràng về một tiết dạy trực tuyến nên hiện mỗi nơi mỗi kiểu theo điều kiện sẵn có. Vì vậy, cần quy định thống nhất chung về cách tổ chức dạy trực tuyến, đánh giá tiết dạy, kiểm tra đánh giá học sinh, quản lý và tổ chức cũng như trách nhiệm các bên như nhà trường, gia đình, giáo viên,...
Trước hết là quy định bài dạy từ xa như thế nào là đạt yêu cầu. Không thể chụp hình các bài học trong sách giáo khoa, gửi cho học sinh qua mạng rồi gọi đó là dạy từ xa. Ở một số trường tư thục, giáo viên dạy từ xa tiết nào sẽ được hưởng mức kinh phí hỗ trợ theo tiết đó. Tuy nhiên, tại các trường công lập, giáo viên chỉ nhận được mức lương cơ bản 4-5 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có một khoản nào thêm. Trong khi đó, họ đã bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian để soạn giáo án và dạy trực tuyến.
Còn đại diện sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên cho rằng, địa phương cũng như nhiều tỉnh khác là ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện thực hiện. Có những nơi trong thời gian này phụ huynh phải đến trường lấy bài về cho học sinh làm rồi lại mang bài đến nộp cho giáo viên, chứ chưa thể triển khai dạy học qua internet.
Chung tay tìm giải pháp vượt khó
Trước những lo lắng, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ Trưởng vụ Giáo dục trung học (bộ GD&ĐT) chỉ ra, việc học trực tiếp ở trên lớp giúp học sinh tương tác với giáo viên, giáo viên có thể quan sát, tổ chức dạy và học nếu các con không chú ý lắng nghe, hỗ trợ học sinh ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên khi học online, sự hỗ trợ này cần sự phối hợp của nhà trường và gia đình. Hơn lúc nào hết, đây là thời gian cần bố mẹ, người thân sát sao để bài học trên Internet được giám sát hiệu quả, đảm bảo chất lượng và vận dụng kiến thức tốt.
“Việc học sinh bị gián đoạn khi không đến trường sẽ có những ảnh hưởng nhất định là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ tích cực, đây có thể là cơ hội để cha mẹ rèn cho con khả năng tự học. Phụ huynh không nên lo lắng về chương trình giáo dục, mà nên giúp con em rèn luyện kỷ luật tự thân (trách nhiệm, chủ động trong học tập) trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, cha mẹ nên trao đổi, chia sẻ với con để con lên kế hoạch học tập cụ thể hàng tuần, đặt lịch nhắc nhở thời gian biểu hàng ngày”, ông Thành bày tỏ.
Chỉ đạo thêm, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ Trưởng bộ GD&ĐT đề nghị các trường, các giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo quyền lợi và nhu cầu được học tập của học sinh.
“Với học sinh các vùng điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kết nối internet hạn chế, việc học tập có thể không đảm bảo. Còn với việc học trên truyền hình, với khung giờ phát sóng cố định, có thể gây khó khăn cho học sinh theo dõi hoặc lĩnh hội được đầy đủ nội dung bài giảng… Nhưng trong tình huống việc tổ chức dạy học trực tiếp quá khó khăn như hiện nay, cần áp dụng và phát huy tối đa ưu điểm của các phương thức dạy học trực tuyến để đảm bảo việc hoàn thành chương trình”, ông Độ yêu cầu.
Hiện, bộ GD&ĐT đang phối hợp với bộ Thông tin - Truyền thông để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ, giúp việc tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của các nhà trường, giáo viên, học sinh được thuận lợi. Ví dụ như phối hợp với các đài truyền hình để tăng số lượng kênh phát sóng, tăng thời lượng phát sóng các chương trình dạy học. Ngoài ra, các bài giảng ngoài phát sóng trên truyền hình sẽ được đăng tải trên các nền tảng số khác, để học sinh có thể học lại và lĩnh hội được đầy đủ kiến thức.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hoc-truc-tuyen-mua-dich-covid-19-van-de-nan-giai-ve-chat-luong-day-va-hoc-a68930.html