Chuyện về những người lính “căng mình” dải dọc biên giới vì hậu phương phòng COVID-19

“Ngày em đến trời lại hửng nắng, chứ trước đó mưa ròng ròng cả tháng trời”, câu nói tếu táo của Trung tá Nguyễn Thành Lê, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã phần nào cho chúng tôi được biết về sự bắt đầu của những hi sinh, những gian nan mà các anh đã vượt qua không chỉ trong mùa dịch COVID -19 mà trong suốt những chặng đường đã và đang còn ở phía trước trong hành trình bảo vệ chủ quyền biên cương của Tổ quốc.

12 chốt, 3 vòng để “khép đường biên 24/24” chặn COVID-19

Đón chúng tôi bằng nụ cười chân thành đậm chất lính và giữa thiên nhiên bao la của núi rừng biên cương, Trung tá Lê cho biết thêm: “ở đây mưa nhiều lắm, một tháng thì có đến hơn 20 ngày mưa, đây lại là vùng thấp nên mưa lại càng đổ dồn về nhiều, do đó công tác tuần tra biên giới của anh em cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Hôm nay, các  em đến may sao trời lại hửng nắng, khô ráo”.

Đồn Biên phòng Pò Hèn cũng là đồn quản quản lý  xã biên giới Hải Sơn, xã xa xôi và khó khăn nhất của Móng Cái, với 12,06km đường biên.  Ngay từ những ngày giáp Tết Canh Tý, khi dịch bệnh ở nước bạn diễn biến phức tạp thì các đơn vị bộ đội đã được lệnh “chốt chặt” đường mòn, lối mở để ngăn chặn dịch bệnh từ nước bạn sang.

Nhiều cán bộ được về nghỉ Tết trong đợt này cũng đã phải ra sớm hơn quy định, nhiều anh em có mặt từ 4 tết để tăng cường quảng lý và triển khai bảo vệ biên giới.

Dọc đường tuần tra biên giới của Bộ đội Đồn Biên phòng Pò Hèn

Theo đó, thực hiện  kế  hoạch 303 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và quyết định tổ chức biên chế chống dịch.

Đơn vị bố trí 1 đội cơ động, 12 chốt trên biên giới, 4 tổ lâm thời quản lý  biên giới theo 3 vòng.

Thứ nhất với  sông biên giới, chỗ nào sông sâu đơn vị sử dụng xuồng tuần tra.

Thứ hai, với bờ sông biên giới,  trong đó có những đoạn sông nước cạn chỉ cần lội qua là có thể sang nước bạn,  đơn vị bố trí 12 chốt  quản lý tất cả  người liên quan đến khu vực này.

Những hỗ trợ từ bà con chia sẻ với chiến sĩ Bộ đội biên phòng

Và thứ ba là bờ sông biên giới và các vị trí giáp ranh với địa bàn khác được chia thành các cánh Tây, cánh Đông, từ Quảng Đức, Bắc Sơn xuống…kết hợp với các lực lượng công an, quân sự địa phương quản lý, giám sát chốt chặt các phương tiện, người từ nơi khác đến.

Trung tá Nguyễn Thành Lê - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiến hành xây dựng hệ thống mạng lưới ngoại tuyến. Mạng lưới này sẽ giúp nắm tất cả tình hình liên quan đến dịch, các đối tượng có thể xuất nhập cảnh trái phép.

Còn với bà con đồng bào, thì từ 4 tết đơn vị cũng đã bàn với địa phương sử dụng các loa phóng thanh, loa  di động đi thôn bản tuyên truyền cho bà con và cán bộ đồn biên phòng cũng như lực lượng y tế xã  cũng đến tận nhà hướng dẫn bà con  thực hiện vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch  COVID-19.  Đến 12 tết, đơn vị kết hợp địa phương tặng  khẩu trang, đồng thời tiến hành khảo sát  1564 khẩu trên địa bàn xem có bao nhiêu khẩu đang có mặt, bao nhiêu người đăng ký hộ khẩu không có mặt trên địa bàn và những người này đang ở đâu để nắm rõ tình hình.

Bộ đội Biên phòng Pò Hèn đến tận nhà tuyên truyền về dịch bệnh và phát khẩu trang cho bà con nhân dân xã biên giới Hải Sơn

“Đến thời điểm hiện tại tình hình an ninh trật tự được giữ vững, và đơn vị chúng tôi quản lý cũng chưa xảy ra dịch một ca mắc bệnh nào. Đây là địa bàn mà Chủ tịch TP. Móng Cái đánh giá là tốt nhất trong toàn tỉnh”, Trung Tá Lê nói.

Mì tôm thay cơm đồng lòng chống "giặc"

Nghe anh nói về kế hoạch “chống giặc COVID -19”, chúng tôi bị cuốn theo câu chuyện một cách say sưa. Bỗng một bạn trong đoàn hỏi về những khó khăn mà các anh trải qua trong suốt những ngày qua. Vẫn nụ cười thân thiện, anh nói: “Khó khăn thì cũng chẳng có nhiều!”.

Những đốm lửa trong đêm sưởi ấm các chiến sĩ biên phòng giúp họ vượt qua những trận cơn rừng lạnh buốt

Hải Sơn là một xã biên giới xa xôi và khó khăn nhất của Móng Cái với 86% là bà con dân tộc nên ban đầu cũng cũng chưa được thuận lợi. Khi đến nhà tuyên truyền dịch bệnh một số bà con cũng thắc mắc.

"Cán bộ nói về dịch tả lợn Châu phi thì chúng tôi đưa cả chuồng đi tiêu huỷ, mà nghe dịch này toàn người thì phải làm thế nào?”.

Nhưng khi được giải thích thì con cũng hiểu và rất hợp tác. Bà con cũng chính là những “chiến sĩ” giúp bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Lán trại dựng bên suối của bộ đội Biên phòng

Anh tiếp lời: như lúc đầu đã nói với các bạn, ở đây mưa nhiều, một tháng mưa đến 20 ngày, nên khi triển khai lều bạt trên bờ sông biên giới anh em cũng gặp không ít khó khăn.

Vì trên bờ sông biên giới có khoảng 3km nước cạn nên việc đi lại rất dễ dàng. Do đó, đơn vị đặt chốt  các chốt kiểm soát tại đây nhằm khép biên giới 24/24.

Chiến sĩ trẻ Bộ đội Biên phòng

“Chúng tôi chia làm nhiều chốt và các chốt chia 2 ca, bố trí 2 đồng chí/ ca. Tại vị trí trọng điểm chúng tôi bố trí lực lượng dày hơn là 6 đồng chí/ ca và sử dụng chó nghiệp vụ. Lều bạt được mua về dựng bên bờ sông, chỉ kê được 1 chiếc giường, lực lượng ban đầu còn mỏng nên anh em phải ăn tại trại luôn.

Cơm cũng chẳng nấu được nên chủ yếu dùng mì tôm. Có hôm mưa nhiều nên ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt.

Sau này được bổ sung thêm người thì anh em thay nhau về ăn cơm rồi lại ra lán trại”, Trưởng đồn biên phòng Pò Hèn tâm sự.

Những cơn mưa rừng đã gây khó khăn không nhỏ cho các chiến sĩ  (ảnh Tiền Phong)

Ngoài ra, có những anh em ở đây  giỗ bố mẹ, vợ ốm nhưng cũng không về được vì thực hiện nhiệm vụ.

Trung tá Lê cũng cho biết: “Làm công tác tư tưởng tốt cho anh em nên anh em rất yên tâm bám sông, bám rừng, bám bản, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ”.

Lời kết!

Câu chuyện của anh và các đồng đội ở Đồn biên phòng Pò Hèn hấp dẫn nên cứ kéo chúng tôi  đến quá trưa mà chẳng ai muốn về. Nhưng cuộc gặp mặt nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Chúng tôi về Hà Nội, còn các anh - những người lính nơi biên cương lại tiếp tục hành trình thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biên giới của tổ quốc, tiếp tục làm “lá chắn” vững chắc để các y bác sĩ – những "chiến sĩ áo trắng" ở hậu phương yên tâm chống dịch.

Sẽ chẳng có đủ những ca từ nào để nói hết về những hi sinh  của các anh - những người lính trên mọi miền tổ quốc và của những cán bộ, nhân viên y tế - những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến vẫn còn gian nan này. Nhưng có một điều mà tôi và các bạn làm tốt trong thời điểm này,  đó là chúng ta -  “Hãy ở nhà nếu có thể”!.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-ve-nhung-nguoi-linh-cang-minh-dai-doc-bien-gioi-vi-hau-phuong-phong-covid-19-a68953.html