Bất chấp cảnh báo của Bộ Công thương, Jeunesse tiếp tục hoạt động đa cấp trái phép tại Việt Nam

Tháng 8/2019 và tháng 2/2020, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã cảnh báo về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với sản phẩm, dịch vụ của Jeunesse, vì hoạt động này chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động kinh doanh đa cấp của Jeunesse không những không được ngăn chặn kịp thời mà còn ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Giấy phép hết hạn vẫn hoạt động

Trước năm 2015, hoạt động bán hàng đa cấp của Jeunesse đã được cấp phép và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam dưới sự quản lý của Công ty TNHH Jeunesse Toàn cầu Việt Nam. Tuy nhiên, do giấy chứng nhận bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này đã hết hạn từ năm 2015 và chưa được cấp phép lại nên từ đó đến nay, các hoạt động đa cấp liên quan đến Jeunesse tại Việt Nam đều là bất hợp pháp. Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì Công ty TNHH Jeunesse Toàn cầu Việt Nam đã dừng hoạt động.

Ngày 16/07/2019, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Jeunesse Việt Nam.

Theo giấy phép được cấp này, Công ty TNHH Jeunesse Việt Nam có địa chỉ tại phòng 701-3, tầng 7, Tòa nhà Mê Linh Point Tower, số 2 Ngô Đức Kế, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty này có vốn điều lệ là 16,1 tỷ đồng, tương đương 700 nghìn USD. Chủ sở hữu của Jeunesse Việt Nam là Jeunesse Global Holdings LLC (địa chỉ tại Florida, Mỹ). Đại diện pháp luật là bà Wateprasertwong Lawan, chức danh Tổng giám đốc, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan. Tuy nhiên theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) thì Công ty TNHH Jeunesse Việt Nam chưa được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Vừa qua, Công ty TNHH Jeunesse  Việt Nam đã thực hiện công bố các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại Cục An toàn thực phẩm như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe RESERVE™, AM, PM, FINITI, Naara, Fibrotic… Trước khi được công bố hợp pháp, các sản phẩm này đều đã được hệ thống bán hàng đa cấp trái phép của Jeunesse phân phối tại thị trường Việt Nam. Trong các sản phẩm được phân phối trái phép tại Việt Nam thì RESERVE có doanh số cao nhất và sản phẩm này cũng được Jeunesse Việt Nam ưu tiên công bố đầu tiên.

Trang web hỗ trợ quản lý bán hàng của JN Global

Cảnh báo vẫn hoạt động mạnh mẽ

Theo nguồn tin nắm bắt được của PV thì người tham gia hệ thống đa cấp của Jeunesse thì Jeunesse Global chính là đơn vị điều phối hoạt động này tại Việt Nam. Mỗi người tham gia hệ thống sẽ được Jeunesse cấp tài khoản để quản lý việc mua bán hàng, nhận hoa hồng, tiền thưởng…

Hiện nay, có thể nói hệ thống bán hàng đa cấp của Jeunesse đã có chân rết tại hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam, các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các tỉnh thành miền Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… và các tỉnh Tây Nguyên. Những người hoạt động lâu năm hoặc có nhiều chân rết được gọi là “lãnh đạo” hoặc leader.

Hoạt động của hệ thống bán hàng đa cấp này của Jeunesse thường xuyên được sự hỗ trợ từ các leader ở Đài Loan, người mà các nhà phân phối ở Việt Nam gọi là “thầy cô quốc tế”. Các gương mặt thường xuyên đến Việt Nam từ Đài Loan gồm: Chang Khai, Trương Chí Phàn, Quách Kim Châu, Thục Khuê, Vương Kim Phụng, Kris Yan, Vương Huệ Như.

Các “lãnh đạo” Jeunesse Đài Loan và một số leader Việt Nam, tháng 12/2017

Mục đích của các “thầy cô quốc tế” đến Việt Nam là để đào tạo sản phẩm cho các nhà phân phối Việt Nam và kết hợp du lịch. Điều lo ngại là các buổi đào tạo sản phẩm là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đều tập trung đông người ở các khu du lịch lớn như ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên (Hồ Núi Cốc), Ba Vì (Hà Nội), Bình Dương, TP Hồ Chí Minh…

Cùng với việc tụ tập đông người này thì nội dung đào tạo về sản phẩm đều không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép. Các sự kiện đào tạo, huấn luyện thường diễn ra ở một địa điểm từ 3-5 ngày, có sự kiện tập trung đến 300 người Việt Nam và nhiều người nước ngoài nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết.

Theo thông tin từ thành viên hệ thống đa cấp Jeunesse Việt Nam hiện nay thì “lãnh đạo” Vĩnh Thịnh là người góp phần đưa Jeunesse về Việt Nam. Năm 2017, hệ thống đa cấp Jeunesse còn rất yếu nhưng đến nay, hệ thống này phát triển rất nhanh cùng với tên tuổi của những “lãnh đạo” thường xuyên được nhắc đến như: Lê Lục, Đặng Thị Thuyết, Trần Quang Hưng, Nguyễn Thị Quỳnh Nguyên và hệ thống cấp dưới chủ chốt gồm: Johnny Nguyễn (Nguyễn Tuấn Anh), Lâm Tùng (Nguyễn Tiến Lâm), Quang Huy, Vũ Duy Hòa, Vũ Xuân Dương, Trần Mạnh Thắng (Andy Trần), Nguyễn Thị Hoài Nam, Nhâm Huyền Thương, Lê Văn Trung, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Đức Phụng, Vũ Đức Quyết, Phạm Nguyễn Thái Hoàng, Trần Hương, Tăng Thị Hồng, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Huệ …

Tiệc tất niên của hệ thống Jeunesse miền bắc tập hợp các lãnh đạo của hệ thống này

Trao đổi về hoạt động này của Công ty TNHH Jeunesse Việt Nam, đại diện lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Cục đã đưa ra cảnh báo với mọi người dân.

“Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng liên tục nhận được thông tin phản ánh về việc một số cá nhân thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, đào tạo trực tiếp hoặc qua các ứng dụng điện thoại (Zoom Meeting) có tên Dự án Nền tảng Thương mại Điện tử - Mạng xã hội hay Nhà cung cấp nền tảng kinh doanh “chìa khóa trao tay” để giới thiệu về các sản phẩm và mời gọi người tham gia các gói kinh doanh được hưởng giá trị hoa hồng rất cao theo phương thức đa cấp của tổ chức có tên Jeunesse hay Jeunesse Global.

Tuy nhiên tính đến nay, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên Jeunesse hay Jeunesse Global theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp”, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh.

Để tránh rủi do cho người dân và khách hàng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng đưa ra cảnh báo: Không nên tham vào các hoạt động có dấu hiệu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép nêu trên để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý; không nên mua, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Jeunesse hay Jeunesse Global có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng vì không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi khi gặp thiệt hại liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay tranh chấp liên quan khác.

Các tổ chức cá nhân trên có dấu hiệu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hành chính (tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức) hoặc xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).

 

Tuấn Vũ

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bat-chap-canh-bao-cua-bo-cong-thuong-jeunesse-tiep-tuc-hoat-dong-da-cap-trai-phep-tai-viet-nam-a69111.html