Những người lính trung kiên chống dịch bệnh nơi biên giới

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các anh đã trở thành những lá chắn sống bằng thép trên các tuyến biên giới cực Tây Tổ quốc.

Gác lại niềm riêng, chắc tay súng, những chiến sỹ Biên phòng nơi biên giới Điện Biên vẫn ngày đêm kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” các anh đã trở thành những lá chắn sống bằng thép trên các tuyến biên giới

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, một lòng tận trung với Tổ quốc, với nhân dân, các anh đã trở thành những lá chắn sống bằng thép, tạo niềm tin tưởng tuyệt đối, vững chắc cho người dân trong giai đoạn gian nan dịch bệnh nguy hiểm bùng phát như hiện nay.

Từ bức thư lay động lòng người: "... Hết dịch ba về với hai mẹ con sau nhé!"

Sau bữa cơm chiều vội vã tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 gần mốc 66 tuyến biên giới Việt Nam – Lào (do Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên quản lý), bên chiếc bàn nhỏ trong lán dã chiến, Thiếu úy Lầu A Nam tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để viết những dòng cảm xúc nhớ mong giành cho đứa con sắp chào đời.

Thiếu úy Lầu A Nam cùng bức thư xúc động gửi cô con gái đầu lòng.

Khi được hỏi, lặng yên một lúc Nam mới khẽ nói với giọng ngắt quãng: “Em viết thư cho con gái, nhưng thư này chờ khi cháu lớn em mới đưa! Bác sĩ dự kiến ngày 10/4 vợ em sinh, cháu là con gái… Em viết thư để sau này cháu hiểu, vì sao em không ở nhà chờ đón cháu như bao người cha khác…”.

Nghe Nam tâm sự mới biết, sóng điện thoại ở trên chốt yếu nên mỗi lần gọi điện về thăm gia đình, anh em đều phải đi ra triền núi giơ cao điện thoại lên hứng sóng, nếu thấy có vạch sóng thì mới gọi, song cũng chỉ câu được câu chăng. “Chính bởi không liên lạc được nên em mới viết thư cho con trong cuốn nhật ký này…”, vừa nói Nam vừa khẽ miết bàn tay trên trang nhật ký, ghi rõ tiêu đề “Mốc 66, ngày 7 tháng 4 năm 2020”.

Lầu A Nam là đồng bào dân tộc Mông, nhà ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Học xong Cao đẳng chuyên ngành Kế toán, Lầu A Nam tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự và những năm tháng của “binh nhất”,” binh nhì” đã tiếp thêm cho Nam nhiệt huyết gắn bó lâu dài với quân đội. Khi hết thời gian nghĩa vụ, Nam làm đơn tình nguyện ở lại quân đội và thi đỗ Trường trung cấp Biên phòng. Sau khi ra trường, Lầu A Nam được phân về các đơn vị công tác: Đồn Biên phòng Nậm Kè (Mường Nhé); Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), rồi sau đó, được phân về Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Si Pa Phìn.

Ngoài nhiệm vụ thường xuyên là thực hiện các chuyên án về ma túy, kiểm soát ma túy ở địa phương, bước vào trận chiến mới - trận chiến chống dịch Covid-19, Nam được đơn vị phân công cắm chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở gần Mốc 66 với thời hạn giao, khi nào xong dịch mới về! Và cũng như bao đồng đội khác, những người có bố ốm mẹ đau mà không thể về bởi nhiệm vụ người lính chưa hoàn thành, nhiều ngày qua, Nam đã nhờ cuốn nhật ký gói hộ lòng mình những niềm riêng. Như lời Nam tâm sự: “Lần đầu được làm cha, em mong mỏi từng ngày. Em cũng thương vợ vì không thể ở gần để cùng vợ chào đón cô gái bé bỏng của chúng em. Nhưng em tin, vợ và con em sẽ hiểu, nhiệm vụ của người lính biên phòng trên tuyến đầu chống dịch hôm nay”.

Khi đồng hồ điểm 22 giờ, Nam vội đứng lên nhận nhiệm vụ vào ca gác, bức thư đong đầy cảm xúc, giấu niềm riêng, sự hồi hộp ngóng trông cô con gái bé bỏng chào đời của một người lính biên phòng nơi biên thùy xa xôi vẫn đặt ở góc bàn bên cạnh một cốc nhỏ cắm mấy cành hoa sim tím.

“Gửi con gái của ba!

Hôm nay là tròn một tháng mà ba làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Chỉ còn vài ngày nữa là con gái yêu quý của ba chào đời, ba mong mỏi từng ngày để được nhìn mặt con gái yêu của ba. Con gái ba thông cảm cho ba, cho ba gửi lời xin lỗi tới hai mẹ con. Con gái ba chuẩn bị chào đời mà ba không về được, không thể cùng gia đình nhỏ chào đón con được.

Con gái yêu quý của ba. Ba là người lính biên phòng, mang trên vai nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong mùa dịch này, ba còn phải làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 nữa, ba không về được để cùng gia đình nhỏ chào đón con gái yêu. Ở nơi biên cương của Tổ quốc, ba ước trong những ngày tới, ngày mà con gái của ba sẽ chào đời để cùng gia đình nhỏ xây dựng hạnh phúc, niềm vui. Mong con gái yêu chào đời luôn mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn, mong cho hai mẹ con luôn khỏe mỗi ngày.

Con gái yêu à.! Ba luôn yêu thương và nhớ về hai mẹ con. Hết dịch này ba về với hai mẹ con sau nhé!

Ba yêu con!”

Những cán bộ xung kích Đồn Biên phòng Si Pha Phìn tại chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Đến những Đảng viên “cắm bản” xung kích chống dịch bệnh

Hơn 2 tuần nay tại chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ), Thượng úy Thào A Sình, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Si Pha Phìn cùng 3 đồng đội luôn túc trực tại lán trại rộng khoảng 10m2. Mọi hoạt động sinh hoạt các anh đều phải tự bảo đảm. Khó khăn nhất là nước sinh hoạt, mỗi ngày đều phải thay phiên nhau xuống khe suối cách lán 3 km để gánh nước lên. Lán ở nơi xa dân cư không có hàng quán, nên cứ 2-3 ngày các anh lại đặt mua thực phẩm của người dân mang lên rồi tự chế biến, nấu nướng. Những ngày đầu, buổi tối thường không ngủ được vì nóng bức nên mọi người đành lên rừng chặt lá chuối về trải trên nóc lều cho giảm nhiệt. Những hôm mưa to, nước trên núi chảy về ào ào khắp lán, ướt sũng cả quân tư trang.

Vất vả là vậy, nhưng xác định tinh thần “hết dịch mới về”, “chống dịch như chống giặc”, các anh chia làm 2 tổ, mỗi tổ 2 người, thay phiên nhau đi tuần tra các đường mòn, lối mở trên địa bàn. Thượng úy Thào A Sình cho biết: “Chúng tôi thường đi tuần tra vào lúc buổi trưa hoặc chiều tối, thậm chí những lúc thời tiết mưa gió vì một số người dân lợi dụng lúc đó để vượt biên”. Mới đây nhất, chốt đã kịp thời phát hiện anh Tráng A Xìa ở bản Nậm Đích cùng vợ mang theo nhiều hành lý, ý định vượt biên sang Lào làm ăn. Được các anh vận động vợ chồng Xìa mới nghe lời trở về. Trước đó, lực lượng biên phòng của đồn cũng đã kịp thời phát hiện thu giữ 2.500 khẩu trang của một đối tượng định vượt biên trái phép sang Lào.

Tuyên truyền, phát khẩu trang cho đồng bào biên giới để phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trung tá Lương Hoàn Hiển, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Pha Phìn cho biết: đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài gần 38km giáp với Lào. Do có nhiều đường mòn, lối mở, tình trạng người dân vượt biên trái phép đi làm thuê vẫn diễn ra nên thời gian này, vấn đề cảnh giác, canh gác được thực hiện nghiêm ngặt để tránh dịch bệnh lây lan vào nội địa. Ngoài thành lập các tổ chốt chặn lưu động trên 3 xã biên giới đang quản lý, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã tuyên truyền vận động người dân chung tay phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.

Với ý chí quyết tâm cao đẩy lùi dịch bệnh, từng cán bộ, đảng viên ở các điểm chốt chặn đều nỗ lực vượt qua khó khăn làm tốt nhiệm vụ được phân công phụ trách, giúp đỡ các hộ gia đình nơi biên giới hiểu, đồng thuận hợp tác theo chủ trương của Đảng ủy, chỉ huy đơn vị. Bởi đây là những người am hiểu, thông thuộc, gần gũi với dân bản nên tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đem lại hiệu quả cao./.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-nguoi-linh-trung-kien-chong-dich-benh-noi-bien-gioi-a69178.html