Với tuyến biên giới dài hơn 265 km tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Lai Châu là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và là địa bàn có nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh Covid-19 cao.
Lực lượng biên phòng địa phương và các lực lượng khác đã phối hợp thành lập hơn 64 chốt kiểm soát dọc tuyến biên giới.
Các chốt chặn có khi là nhà bạt, đôi khi chỉ là những nhà lán hoặc những chiếc chuồng trâu bỏ không ven đường.
Tất cả các tuyến đường mòn, lối mở dọc biên giới đều có mặt lực lượng biên phòng, với vai trò chính kiểm soát người đi, về hai bên biên giới.
Đến nay lực lượng biên phòng tại các chốt kiểm soát cố định và lưu động tại địa phương, đã xử lý 413 trường hợp nhập cảnh từ bên kia biên giới vào địa bàn, tiếp nhận gần 100 người phía Trung Quốc trao trả.
Trên hành trình tuần tra, kiểm soát người vượt biên là những bữa cơm nấu vội giữa rừng. Với người lính biên phòng, dù khó khăn gấp trăm bề, nhất là khi trời mưa đường trơn, vắt rừng đeo bám.
Những ngày này, thời tiết khắc nghiệt, ngày đêm mưa mù, quân tư trang thường xuyên phải " hun" trên bếp lửa cho mau khô, kịp hành trình tuần tra ngăn dịch.
Hàng ngày, ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát dọc biên giới, lực lượng biên phòng Lai Châu còn xuống các bản giáp biên tuyên truyền cách phòng, chống dịch cho người dân và hướng dẫn người dân đeo khẩu trang...
Đến nay, lực lượng biên phòng Lai Châu đã tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 được hàng trăm buổi, cho hàng nghìn người dân biên giới.
Đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới Lai Châu giờ đã biết cách phòng dịch bệnh bằng nước rửa tay sát khuẩn và nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Hàng ngày, công việc của cán bộ, chiến sĩ tại các chốt kiểm soát bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, được phân làm 3 ca trực ngày đêm tuần tra để kiểm soát người vượt biên và người ra, vào địa bàn.
Sau khi phân công lịch công tác trong ngày, cán bộ, chiến sĩ biên phòng và các lực lượng tại các chốt tranh thủ chuẩn bị bữa sáng với những gói mì tôm nấu vội.
Giữa đất trời biên cương sương gió khắc nghiệt, họ vừa phải tự lo hậu cần, vừa làm nhiệm vụ canh gác chốt.
Sau đó tranh thủ trao đổi công việc trước khi lên đường tuần tra.
Cảm động trước sự hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng, thời gian qua lòng dân cả nước đã hướng về biên giới, với sự sẻ chia bằng cả tinh thần lẫn vật chất.
Những món quà ủng hộ có khi chỉ là các đồ nhu yếu phẩm hay những chiếc khẩu trang, dù nhỏ bé về vật chất, nhưng là nguồn động viên lớn lao giúp người lính vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Không giữ lại cho riêng mình, những món quà đã được sẻ chia cho đồng bào nghèo nơi biên giới trong giai đoạn khó khăn chống dịch.
Và cứ như thế, ngày qua ngày, họ thầm lặng làm nhiệm vụ, " vượt nắng, thắng mưa" thành những lá chắn sống, góp phần ngăn chặn dịch ngay từ tuyến đầu biên giới.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/linh-bien-phong-vuot-nang-thang-mua-ngan-dich-noi-ai-bac-lai-chau-a69195.html