Cụ thể, ngày 16/4/2020, trên mạng facebook xuất hiện tài khoản mang tên Linh Mai có rao bán tiền giả với nội dung: "Đổi tiền giả không cọc 1tr đổi 10tr Nhận hàng thanh toán, Ib hoặc kết bạn zalo 0327679120".
PV đã tương tác với tài khoản này, nhận được tin nhắn người có nhu cầu cần tiền giả, chủ tài khoản này đã yêu cầu PV để lại số điện thoại alo trao đổi. Khoảng 10 phút sau, PV nhận được cuộc gọi từ số máy 0383513874 của một người đàn ông xưng tên là Lộc.
Người này hỏi về nhu cầu đổi tiền thật lấy tiền giả với tỷ lệ 1 ăn 10, nghĩa là bỏ ra 1 triệu đồng tiền thật sẽ nhận về 10 triệu đồng tiền giả với các loại mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng.
Sau khi thỏa thuận, người đàn ông tên Lộc hẹn, sau 3 ngày sẽ có nhân viên "bưu điện" tới giao hàng, bên ngoài gói bưu phẩm ghi mặt hàng là ví da, vì đây là hàng quốc cấm nên khách hàng sẽ nhận hàng, thanh toán số tiền phí đổi là 1 triệu đồng, rồi mới được bóc gói hàng.
Tài khoản facebook mang tên Linh Mai rao bán tiền giả với tỷ lệ 01 ăn 10. |
Tuy nhiên, đúng hẹn lịch nhận hàng như đã thỏa thuận, khi nhân viên giao hàng gọi điện thoại cho "khổ chủ" nhận hàng và thanh toán, điều bất ngờ là gói hàng không phải tiền giả như đã thỏa thuận giao dịch, thay vào đó là một chiếc ví da có giá trị khoảng 50.000 đồng, khi biết bị ăn quả lừa, khách đổi tiền liên hệ với người đàn ông tên Lộc, thì số điện thoại trên đã tắt máy.
Để tạo uy tín cho khách hàng, các tài khoản bán tiền giả sẽ đăng tải hình ảnh các cuộc trao đổi qua tin nhắn với nội dung như: Tiền giống thật anh ạ! Em cảm ơn; đủ rồi anh, không thiếu một xu; tiền của chị xài không ai nghi ngờ hết chắc em mua hoài luôn quá và rất nhiều các cuộc trò chuyện khác kèm sản phẩm nhằm thu hút các con "mồi" vào bẫy.Khi PV tra cứu mục đổi tiền giả trên mạng xã hội, thì xuất hiện hàng loạt các tài khoản facebook, zalo rao bán tiền giả như: Lý Minh, Mỹ Duyên, Kim Ánh và rất nhiều các trang fanpage được lập với mục đích câu nhử con mồi dính bẫy đổi tiền giả.
Ngoài ra, các đối tượng chỉ giao dịch với mức giao dịch 1 thật ăn 10 giả, để các "con mồi" khi phát hiện sẽ không trình báo công an bởi số tiền không quá lớn.
Các đối tượng thường xuyên đăng tải hình ảnh đánh giá của khách hàng để câu khách. |
Theo điều 174 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 quy định: Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh sẽ bị phạt tù từ 02 đến 07 năm.
Cũng cần khuyến cáo, tại điều 207 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Tùy theo trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến tù chung thân. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này cũng bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm...
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý các hành vi lừa đảo như trên. Bên cạnh đó, mỗi người dân cũng cần chấp hành pháp luật, không thực hiện các giao dịch tương tự, tránh tiền mất tật mang, tránh đối diện với các rủi ro pháp lý liên quan.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/lua-ban-tien-gia-qua-mang-tro-cu-nhieu-nan-nhan-moi-a69474.html