Người thầy thuốc sẵn sàng quên mình chăm sóc người bệnh tại các khu vực điều trị, cách ly, hay miệt mài trong phòng xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, nghiên cứu về virus... Những hình ảnh đó đã để lại ấn tượng sâu đậm, tốt đẹp, được nhân dân cả nước khen ngợi.
Đoàn kết là sức mạnh
Với sức mạnh đoàn kết, ý chí một lòng, Việt Nam trở thành điểm sáng trong phòng chống dịch COVID-19 của thế giới. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch, Việt Nam đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không quản gian khó hy sinh, không toan tính đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho người bệnh.
Tỉnh đoàn Lào Cai thăm, động viên chốt phòng dịch của BĐBP tại mốc 112, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Ảnh: Hồng Tấm
Có được thành công bước đầu, không thể không nhắc đến tinh thần chống dịch, một lòng tin tưởng vào Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế của các tầng lớp nhân dân. Nhờ sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, chúng ta đã phát hiện nhanh, cách ly tốt, chữa trị hiệu quả để đến hôm nay, dù nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc - ổ dịch đầu tiên trên thế giới nhưng trước khi bài báo lên khuôn, Việt Nam hiện chỉ có 270 ca bệnh, chưa có người tử vong vì COVID-19.
Hành trình vào thôn của cán bộ y tế vùng cao. Ảnh: Viết Cường
Khai thác thông tin dịch tễ tại vùng dịch. Ảnh: Viết Cường
4 tháng qua, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh “ăn núi, ngủ rừng”, vội vã bữa cơm, rồi đến những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... của đội ngũ y, bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nơi tuyến đầu “chống giặc” COVID-19 đã lay động hàng triệu trái tim. Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải xa gia đình, người thân yêu để có mặt ở những điểm “nóng” nhất, xa xôi nhất và nguy hiểm luôn rình rập nhất.
Có tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “người lính áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ y tế luôn hàng ngày túc trực 24/24 giờ, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm hoặc cả tháng không về đến nhà. Như chia sẻ của BS. Nguyễn Đức Tuấn - Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Hà Nội: “Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người chạy đi, còn nhân viên y tế lại chạy vào”.
Ăn vội bát mì tôm để tiếp tục chống dịch. Ảnh: Viết Cường
PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng của các tổ chống dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Hà Nội), Bình Thuận nói: Chúng tôi làm việc không có ngày nghỉ, trực 24/24 giờ để sẵn sàng đáp ứng những tình huống khẩn cấp. Nhiều hôm nửa đêm, vừa mới chợp mắt thiu thiu ngủ, nhận cuộc gọi khẩn cấp, cả tổ công tác lại bật dậy bàn xử lý tình huống ngay.
Anh Long Việt Cường - cán bộ của Khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang chia sẻ: “Cõng trên lưng chiếc máy phun khử trùng nặng khoảng 15kg cộng thêm 15 lít hóa chất, mặc bộ trang phục kín từ đầu đến chân dưới ánh nắng chói chang đến từng nhà phun khử khuẩn môi trường, cách 3 ngày anh em vào thôn phun 1 lần, mong muốn duy nhất là đánh đuổi được COVID-19 ra khỏi bản thôi”.
Những ngày này, khi Hà Nội đang bước vào hè thì tại Pín Tủng, Phó Bảng, Đồng Văn, Hà Giang, nhiều đêm nhiệt độ còn 90C. Cơn mưa đầu mùa không làm vơi đi nhọc nhằn của 8 cán bộ Đội Phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Giang lên chi viện cho y tế Đồng Văn. Bữa sáng vội vàng, rồi lại tiếp tục đi bộ nhiều cây số giữa trưa nắng oi ả vào thôn thực hiện nhiệm vụ. Đêm rét ngọt, cuộn tròn trong chiếc chăn công tác với giấc ngủ chập chờn mơ về ngày thắng “cô vy”.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: PV
Niềm tin chiến thắng
Điều dưỡng Nguyễn Thị Tố Nga công tác tại Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là người đầu tiên xung phong nhận nhiệm vụ đến khu cách ly tại Trường đại học Hà Tĩnh phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho công dân từ nước ngoài về. Chồng chị là bác sĩ tại BVĐK huyện Cẩm Xuyên. Những ngày cao điểm, cả 2 vợ chồng đều trực chiến làm nhiệm vụ. 2 con của anh chị đều còn nhỏ: Đứa con gái lớn học lớp 4, đứa thứ 2 chưa được 2 tuổi lại hay ốm vặt, lười ăn. Ông bà hai bên đều già yếu, đành phải gửi con cho chị gái.
Khi có dịch, cán bộ y tế lại lao vào hiện trường. Ảnh: PV
Có nhiều đêm con sốt, không chịu ăn uống, sau giờ trực, chị Nga chỉ biết gọi điện nhìn con rồi khóc. “Chắc là bé đang nhớ mẹ, nhớ bố. Nhiều đêm tôi lo lắng không ngủ được, nhưng nghĩ mình là người thầy thuốc, đến đây phải hoàn thành nhiệm vụ, lo sức khỏe cho người dân là quan trọng nhất”, chị Nga chia sẻ.
Cuối tháng 3/2020, khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An được trang bị máy xét nghiệm sinh học phân tử, các y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong Khoa Xét nghiệm Sinh học - phân tử cả ngày “ôm” labo xét nghiệm cho đến hôm nay. Niềm tin chiến thắng dịch là động lực giúp các anh, chị vượt qua khó khăn, hiểm nguy.
BS. Bùi Thị Thủy - Trưởng khoa Xét nghiệm sinh học - phân tử, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An trong mình mang bệnh trọng, vừa được đồng nghiệp ngoài Hà Nội cho ra viện, về đến nhà, không cam lòng ngồi yên, chị lao vào khoa, luôn có mặt cùng đồng nghiệp từ nhận bệnh phẩm, hội ý, trao đổi kinh nghiệm để có kết quả tốt nhất, để rồi chị cùng hòa niềm vui nhớ lại giây phút cùng đồng nghiệp trong khoa ôm lấy nhau vỡ òa sung sướng xen lẫn nước mắt khi thực hiện thành công các mẫu xét nghiệm đầu tiên với kết quả đều âm tính vào 3 giờ sáng.
Điều dưỡng Nga - TTYT Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh không cầm được nước mắt nhớ con khi ở nơi làm nhiệm vụ. Ảnh: Nhật Thắng
Chị Nguyễn Thị Thanh Lam - cán bộ của Trung tâm Y tế Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Đã sợ thì không làm, mà đã làm là không sợ. Khi chiếc xe đội phản ứng nhanh lăn bánh di chuyển đến ổ dịch, mọi người đều tâm niệm, làm việc thật nhanh, làm hết mình, làm hết sức và đảm bảo bình yên cho người dân, không để họ hoang mang, lo lắng”... Dù là cán bộ nữ, được phân công tham gia xử lý môi trường phòng chống dịch nhưng với chị Nguyễn Thị Thanh Lam, vác chiếc bình phun khử khuẩn nặng 30kg trên vai nhẹ nhàng như việc... nhà.
Có đôi chút buồn man mác chạnh lòng, nhưng rồi nhanh chóng gạt đi và thay vào đó là nhiệt huyết của tuổi trẻ. Khi bắt đầu có dịch, áp lực nhiều lắm, như người dân quanh nhà thấy tôi, họ kỳ thị lắm, họ cũng nghĩ chúng tôi là nguồn lây bệnh phải tránh xa... Cán bộ trong khoa đi làm về, hàng xóm biết được mình làm công việc này, họ lảng tránh... Tôi không sợ, động lực để tôi chiến đấu là tôi yêu công việc tôi làm, tôi cố gắng làm tất cả những gì có thể để chiến thắng dịch”, chị Lam khẳng định.
Phút nghỉ ngơi của chiến sĩ phòng dịch. Ảnh: Viết Cường
ThS. Nguyễn Chí Thành - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Đống Đa kể lại: Để có được những mẫu bệnh phẩm chuyển về phòng xét nghiệm tìm virus Corona, ngoài việc đến các khu cách ly, nhân viên, kỹ thuật viên lấy mẫu còn phải ngày đêm gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít đến tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm. Việc lấy mẫu vô cùng khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm rất lớn. Có một kỷ niệm đáng sợ của nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp là cứ hễ đưa que lấy dịch mũi là người này hắt hơi vào mặt nhân viên xét nghiệm...
“Biết ơn vô cùng những cống hiến của các y bác sĩ vì sức khỏe của cộng đồng. Xin chúc các y bác sĩ, điều dưỡng luôn mạnh khỏe, chiến đấu hết mình với COVID-19. Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng - đó chỉ là một trong rất nhiều lời động viên của bạn đọc gửi tới những y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chung-ta-se-thanh-cong-a69571.html