Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng vừa chủ trì cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các cơ quan liên quan về việc triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi, giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp.
Mới có 5 trường hợp nộp phạt trực tuyến
Tại cuộc họp, ông Ngô Hải Phan Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) thuộc Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến, dư luận xã hội hiện rất quan tâm đến tình hình, kết quả thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đến ngày 13/3/2020, việc thanh toán trực tuyến đối với thu tiền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền xử phạt của CSGT đã được đưa vào triển khai thực hiện thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận.
Đến ngày 27/4, có trên 6.100 lượt truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) để tìm kiếm về thông tin quyết định xử phạt phục vụ thực hiện thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng tìm kiếm không ra kết quả là trên 6.000 trường hợp (chiếm 97,2%), chỉ có 170 trường hợp có kết quả từ dữ liệu của CSGT (chiếm 2,8%).
"Vì vậy, số lượng thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG rất thấp, chỉ có 5 trường hợp (05/170, chiếm 3%)", ông Ngô Hải Phan cho biết.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên theo ông Ngô Hải Phan là do phạm vi thực hiện thí điểm tại 5 địa phương có số lượng xử phạt lớn nhưng chỉ thực hiện đối với quyết định xử phạt từ cấp phòng trở lên nên số lượng đối tượng thuộc trường hợp này còn ít. Hơn nữa, cá nhân, tổ chức cũng khó phân biệt được trường hợp của họ thuộc thẩm quyền xử phạt của ai nên gây khó khăn trong tra cứu, thực hiện.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện ở 5 địa phương thí điểm còn chưa theo đúng quy định, nhất là việc cập nhật biên bản và quyết định xử phạt trên phần mềm xử lý vi phạm của CSGT.
Đối với kết quả thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ, ngày 13/3, việc thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ xe ô tô, xe gắn máy đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG với phạm vi thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM. Đến nay, mới phát sinh 5 trường hợp thực hiện thanh toán trực tuyến lệ phí trước bạ.
Thống nhất mẫu khai dùng trong khi thanh toán
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, qua theo dõi mấy tháng qua Bộ nhận thấy tỷ lệ sử dụng dịch vụ trực tuyến trong lĩnh vực giao thông vận tải tăng, chiếm trên 68% trong khi những năm trước chỉ 35%. Kết quả này là do thời điểm dịch COVID-19 người dân tăng cường sử dụng dịch vụ trực tuyến.
Về việc triển khai xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được Bộ xây dựng xong hệ thống kết nối với Cổng DVCQG. Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, thống kê Cục Kiểm soát TTHC nêu có 170 quyết định xử phạt trên hệ thống cũng là do thời gian qua một phần do dịch COVID-19 nên việc đi lại giảm. Tuy nhiên tỷ lệ nộp phạt trực tuyến vẫn thấp, người vi phạm vẫn đến kho bạc nộp phạt.
Giải pháp đặt ra là Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông đến người dân; gắn trách nhiệm đối với người xử phạt; tiếp tục theo dõi, đánh giá để đến 30/6 cơ bản vận hành hệ thống này.
Cục CSGT đường bộ cho biết, đến nay đơn vị đã đưa 1.903 quyết định xử phạt lên Cổng DVCQG, số người người dân đóng tiền xử phạt trực tuyến có 5 trường hợp, có 441 người dân trực tiếp nộp tại Kho bạc Nhà nước và mang biên lai đến CSGT, còn lại trên 1.000 trường hợp chưa nộp phạt.
Hiện đơn vị đang hoàn thiện dữ liệu thông tin để đến 30/6 triển khai đồng bộ, hoàn thiện phần mềm của xử phạt, thực hiện đồng bộ đến các phòng CSGT của 63 tỉnh/thành phố.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, để việc nộp phạt trực tuyến triển khai thực hiện toàn quốc trước 30/6/2020 đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, VPCP và các Bộ, cơ quan cần quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trên Cổng DVCQG, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho rằng việc triển khai vẫn vướng về quy trình TTHC, vì vậy cần rà soát để chuẩn hóa dịch vụ công tại các Bộ, địa phương; chuẩn hóa thống nhất mẫu khai, đặc biệt là form điện tử dùng chung và giao Cục Kiểm soát TTHC (VPCP) chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để có mẫu khai dùng chung trước ngày 10/5.
Trang Nhung
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tu-30-6-nguoi-vi-pham-giao-thong-co-the-nop-phat-qua-mang-a69583.html