Tại buổi kiểm tra công tác tổ chức học tập và giãn cách lớp học tại trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) ngày 4/5, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, để hoàn thành thời gian dự kiến kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 15/7, các địa phương, thầy cô cần kết hợp tốt việc dạy trực tuyến, truyền hình với dạy trực tiếp.
Bộ GD&ĐT sẽ sớm ban hành bài thi tham khảo nhằm định hướng các em ôn tập tốt hơn. Riêng học sinh khối lớp 9, 12 sẽ được ưu tiên học tập và ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp quan trọng tới đây.
Bộ trưởng gợi ý các địa phương có thể dựa vào tình hình thực tế để xem xét tăng số lượng, kiến thức học trực tuyến cho khối lớp 12, còn thời gian học trực tiếp trên lớp để dành ôn luyện.
Trao đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT 2020, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ đang là mùa dịch COVID-19 nên không có phương án nào hoàn hảo. Phương án thi tốt nghiệp THPT có hai điểm được giải tỏa ở học sinh và các trường đại học là duy trì điểm thành phần của bài thi tổ hợp và mục đích của kỳ thi.
Bộ trưởng nhấn mạnh lần nữa rằng mục đích chính của kỳ thi này không chỉ phục vụ xét tốt nghiệp, mà còn để đánh giá chất lượng sau 12 năm học phổ thông.
“Sau 12 năm, có một kỳ thi nghiêm túc để kiểm tra học sinh đạt chuẩn đầu ra chưa. Căn cứ vào chuẩn đầu ra, nếu học sinh đạt yêu cầu sẽ được xét tốt nghiệp. Trên mức đạt còn có nhiều mức nữa và có tính phân hóa, sẽ không dàn bằng như nhau”.
Chương trình giáo dục giống nhau nhưng điều kiện ở các địa phương khác nhau, việc chấm điểm đôi khi cũng khác nhau. Nếu chúng ta không có mặt bằng chung cho cả nước thì mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông sẽ rất khó đánh giá.
Vì vậy, trong kỳ thi này, Bộ GD&ĐT vẫn sẽ ra đề thi để nhìn được chất lượng học sinh toàn quốc, từ đó sẽ biết những chỗ nào cần điều chỉnh và khuyến cáo chính sách tốt hơn. Nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, trung thực thì các trường đại học có thể sử dụng để xét tuyển.
“Về cơ bản không có gì thay đổi so với năm ngoái, chỉ khác về mức độ ra đề và độ phân hóa”, Bộ trưởng nói.
Năm nay có một điểm cần lưu ý đó là học bạ. Tất cả các trường THPT hiện đều sử dụng sổ điểm điện tử được cập nhật mỗi năm học hoàn toàn minh bạch. Phổ điểm thi tốt nghiệp cũng sẽ minh bạch.
“Khi đối sánh, nếu địa phương nào, trường nào có phổ điểm thi tốt nghiệp thấp, trong khi điểm học bạ cao tức là có vấn đề”.
Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị các trường THPT, giáo viên đứng lớp cần chấm điểm nghiêm túc, công tâm, tránh tình trạng "làm đẹp" học bạ để ứng tuyển vào các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển này dẫn đến không công bằng. Đây cũng là áp lực để các nhà trường dạy học thật tốt.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trên tinh thần diễn ra nhẹ nhàng, nhưng khôngcó nghĩa là chất lượng kém mà sẽ làm gọn lại.
Dự kiến tuần này Bộ sẽ ban hành quy chế tuyển sinh. Sau khi ban hành Bộ sẽ có hội nghị trực tuyến do Bộ trưởng phổ biến và quán triệt.
“Phương án tuyển sinh của các trường phải có cơ sở, tính toán, không được đưa ra tổ hợp lạ gây khó khăn cho thí sinh”, Bộ trưởng Nhạ nói. Ngay cả việc các trường muốn tổ chức kỳ thi riêng cũng không phải dễ. Bởi để được tổ chức kỳ thi riêng các trường phải cần đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt về đề thi, tổ chức thi, đánh giá thí sinh…
Theo những nội dung năm học mà Bộ điều chỉnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin tưởng ngành giáo dục có thể hoàn thành tốt kế hoạch năm học 2019-2020.
"Tôi đề nghị các nhà trường, thầy cô và học sinh thực hiện nhiệm vụ kép trong giai đoạn này, vừa tiếp tục phòng dịch COVID-19 không chủ quan, vừa tập trung vào học tập để các em hoàn thành năm học nhất, khối 9, 12 chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp quan trọng", Bộ trưởng nói.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bo-truong-gd-dt-thay-co-can-cham-diem-cong-tam-tranh-viec-lam-dep-hoc-ba-a69633.html