Cảnh giác với thông tin giả mạo VTV trên mạng xã hội

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những clip, hình ảnh với giao diện của VTV nhưng nội dung lại bị xuyên tạc, thậm chí phát tán thông tin giả sai sự thật.

Những nội dung, âm thanh sai sự thật được lồng ghép trên hình ảnh phóng sự thực tế và tung lên mạng xã hội đã nhận được hàng chục nghìn lượt xem, chia sẻ và bình luận. Nhiều người không hề biết rằng họ đang tiếp tay cho các đối tượng tung tin giả bởi clip được cắt ghép rất tinh vi.

Cũng với thủ đoạn tương tự, bức ảnh này được lan truyền và tương tác mạnh trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây nhưng thực tế những kẻ tung tin giả chỉ cần biết sử dụng một chút các phần mềm đồ họa có thể tạo ra giao diện gần giống với bản tin của VTV. Thủ thuật nhỏ nhưng hậu quả khôn lường.

Mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những clip, hình ảnh với giao diện của VTV nhưng nội dung lại bị xuyên tạc, thậm chí phát tán thông tin giả sai sự thật

Không chỉ xuyên tạc, cắt ghép, đưa thông tin sai sự thật, nhiều đối tượng còn sẵn sàng đầu tư sản xuất phóng sự để quảng cáo mỹ phẩm, bán thực phẩm chức năng, bán thuốc đông y lừa đảo. Sau đó thuê người giả người dẫn chương trình của VTV, gắn logo VTV để mạo danh, nhằm trục lợi bất chính.

Đã từng có nhiều đối tượng bị cơ quan công an triệu tập vì hành vi giả mạo VTV, phát tán thông tin sai sự thật. Tuy nhiên tình trạng này không những không giảm mà còn gia tăng với nhiều hình thức khác nhau.

Theo điều 267 Bộ luật Hình sự, tội giả mạo tài liệu của cơ quan tổ chức nhà nước hoặc sử dụng tài liệu đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/canh-giac-voi-thong-tin-gia-mao-vtv-tren-mang-xa-hoi-a69717.html