Tư tưởng của Người tiếp tục là ngọn đuốc soi đường để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giành chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước trong giai đoạn 1945-1975.
1. Trải qua hơn 80 năm chịu cảnh lầm than, dân tộc Việt Nam làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 "long trời, lở đất", dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Đây là lời khẳng định và cũng là quyết tâm sắt đá của toàn thể dân tộc Việt Nam trong bảo vệ nền tự do, độc lập.
Ảnh tư liệu.
Tuy nhiên, niềm vui độc lập dân tộc Việt Nam được hưởng thật ngắn. Thực dân Pháp nhanh chóng quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Chúng liên tiếp tiến công lấn chiếm nhiều nơi ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và gây hấn ở Bắc Bộ. Trước tình hình vô cùng khẩn cấp, đòi hỏi ta phải đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập vừa giành được.
Ngày 18 và 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận định tình hình và chỉ thị cho các địa phương "Tất cả hãy sẵn sàng!". Đến 20h ngày 19-12-1946, mệnh lệnh chiến đấu bắt đầu. Quân dân Thủ đô Hà Nội nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc.
Ngay sau khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền đi khắp cả nước, trong đó nhấn mạnh: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc". Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, quân và dân Hà Nội cùng với cả nước đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Để kháng chiến thắng lợi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định, do đó phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ kháng chiến. Trong nhiều bài nói chuyện, bài viết, Người chỉ rõ: Đảng phải thường xuyên tiến hành phê bình và tự phê bình, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phải giữ gìn kỷ luật Đảng thật nghiêm minh và đặc biệt phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, để kháng chiến sớm thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện chiến lược đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Người chỉ rõ, trong cuộc chiến tranh yêu nước, "cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập thống nhất là sự đoàn kết".
Về đoàn kết quốc tế, trong kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần sang Trung Quốc và Liên Xô (1950, 1952), nhiều lần gửi thư cho chính phủ, nhân dân các nước, vừa nhằm củng cố quan hệ quốc tế, vừa cô lập kẻ thù. Đối với Lào và Campuchia, Người chỉ rõ: "Giúp bạn là mình tự giúp mình". "Việt Nam kháng chiến có thành công thì Lào, Miên mới thắng lợi và Lào, Miên có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi".
Đến năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Trên cơ sở đánh giá tình hình, tháng 12-1953, Bộ Chính trị tổ chức họp khẩn và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".
Thực hiện chỉ thị của Người, trên khắp cả nước, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dốc sức tổ chức lực lượng, huy động sức người, sức của để giành thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Với sức mạnh tổng hợp đó, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng (13/3/1954 - 7/5/1954), Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử". Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu.
2. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954), đế quốc Mỹ nhanh chóng nhảy vào xâm lược Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự để ngăn chặn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy khó khăn gian khổ.
Tháng 12-1957, thời điểm mà ở miền Nam địch tự đánh giá là "Đã ổn định được tình hình", tại Hội nghị Trung ương lần thứ mười ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Ta đang đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ cách mạng nói trên đều quan trọng, coi nhẹ một nhiệm vụ nào cũng đều sai lầm. Tuy vậy, nhiệm vụ củng cố miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội có tính chất quyết định cho toàn bộ thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới..., lực lượng cách mạng ở miền Nam được duy trì và phát triển thì đó là nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam...".
Tiếp đó, tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ mười lăm do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp tại Hà Nội, xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới... nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng quốc tế, bảo vệ hòa bình thế giới.
Thực hiện chủ trương đề ra, cách mạng hai miền có những bước phát triển vững chắc. Trên miền Bắc, tháng 3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập "Hội nghị chính trị đặc biệt", biểu thị khối đại đoàn kết toàn dân và ý chí quyết tâm sắt đá chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó, ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong đó nhấn mạnh: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đảng Lao động Việt Nam, ngày 5-9-1960. (Ảnh: Tư liệu)
Thực hiện lời hiệu triệu của Người, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành nhiều thắng lợi quan trọng. Tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 và đặc biệt là đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Như vậy, thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1945-1975 ngoài sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế; tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Tư tưởng lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị mà những lời hiệu triệu, chỉ thị, mệnh lệnh của Người có sức lay động và thôi thúc toàn dân, là sợi dây kết nối triệu triệu trái tim Việt Nam như một, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, quyết tâm đấu tranh giải phóng dân tộc. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ (1945-1975) là minh chứng rõ nét nhất về tư tưởng cách mạng tiến công, không khoan nhượng với kẻ thù nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là giành lại nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc, ấm no cho đồng bào.
Năm 2020, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", việc làm rõ tư tưởng lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Người trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc là vấn đề mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Nhiều nội dung vẫn vẹn nguyên giá trị đến hôm nay, là ánh sáng soi đường cho chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-lanh-dao-cach-mang-viet-nam-thong-nhat-dat-nuoc-a69788.html