Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học

Một trong những điểm mới của Thông tư về điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi là học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư điều lệ trường tiểu học, thay thế cho thông tư hiện hành. Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

So với thông tư hiện hành, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường. Theo đó, nhà trường tiểu học được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn; các yêu cầu về hồ sơ sổ sách được giảm tải, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà trường…

Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học - 1

Học sinh tiểu học được vượt lớp

Thủ tục xem xét với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước. Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.

Thứ hai, hiệu trưởng thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.

Về điểm mới của “Nhiệm vụ của học sinh” là các em phải “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh nhiệm vụ vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đây là yêu cầu quan trọng, là “đích đến” của việc thực hiện chương trình GDPT mới.

Đẩy mạnh văn hoá đọc trong trường

Dự thảo Thông tư điều lệ trường tiểu học bổ sung điều khoản “xây dựng và phát triển văn hoá đọc” (Điều 26). Theo đó, việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc, thói quen đọc sách được áp dụng cho tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường tiểu học.

Để thực hiện quy định này, các nhà trường có thể sử dụng đa dạng và sáng tạo các hình thức, như tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà; tổ chức các tiết đọc ở thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin từ thư viện.

Các nhà trường cũng cần thường xuyên bổ sung sách, báo và các nguồn học liệu bao gồm cả bằng tiếng nước ngoài phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế tại nhà trường; khuyến khích xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện và nhu cầu.

Điều này tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giáo viên, học sinh dễ dàng tiếp cận với sách và nguồn học liệu. Trong xây dựng và tổ chức hoạt động của thư viện, các nhà trường có thể huy động sự tham gia hỗ trợ của cộng đồng và thực hiện công tác xã hội hoá.

Một số nội dung khác trong dự thảo thông tư, như quy định về “Thực hiện chương trình giáo dục và xây dựng kế hoạch giáo dục”, “Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo”, “Hoạt động giáo dục”, “Đánh giá và xếp loại kết quả giáo dục”, đã chỉnh sửa, bổ sung, để phù hợp với các quy định mới trong Luật Giáo dục 2019, đáp ứng các yêu cầu của chương trình GDPT 2018.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hoc-sinh-tieu-hoc-co-the-hoc-vuot-lop-trong-pham-vi-cap-hoc-a69839.html