Chiều 13/5, ông Vũ Hoàng Phúc – Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, có 2 người Việt Nam muốn hiến tặng phổi để ghép cho bệnh nhân 91 (BN91) là phi công người Anh mắc COVID-19. Bệnh nhân này vẫn trong tình trạng nguy kịch, đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Trường hợp muốn hiến tặng phổi đầu tiên là người phụ nữ ngoài 40 tuổi, tình trạng khỏe mạnh, đã có gia đình. Chị không quen biết gì với phi công người Anh. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chị biết tình trạng bệnh của BN91 nên muốn hiến một phần cơ thể mình với ước nguyện lan tỏa tình thương tới những hoàn cảnh khác.
Trường hợp thứ 2 là cựu chiến binh ngoài 70 tuổi ở Đắk Nông. Ông chia sẻ, qua đài báo ông biết đến tình trạng phi công người Anh rất nguy kịch. Nếu không được ghép phổi, người này sẽ khó qua khỏi. Với nghĩa cử cao đẹp, ông xin số của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người từ Hội Chữ thập đỏ để đăng ký hiến phổi cho người bệnh..
"Ông đã hai lần gọi đến trung tâm để xin đăng ký hiến một phần phổi cho BN91. Tuy nhiên, quy định không cho phép nhận tạng từ người ngoài 70 tuổi. Khi biết tin, ông có vẻ buồn”, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, vừa qua có một trường hợp khác đăng ký hiến phổi cho BN91. Người cho đã chết não, nhóm máu O. Tuy nhiên, do có yếu tố về nhiễm trùng, nên phổi người này bị hỏng, không thể ghép cho phi công người Anh.
Phi công người Anh 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30,1 - có yếu tố béo phì). Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá, giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ.
Ngoài ra, bệnh nhân còn kháng toàn bộ các loại thuốc chống rối loạn đông máu đang được dùng trong nước. Bộ Y tế phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị.
BN91 là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân được xác định dương tính với virus corona vào ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ.
Trước đó bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, nhưng hiện giờ tình trạng này xuất hiện ở cả hai bên. Phi công người Anh đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu. Hiện tại, BN91 đang hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO (tim phổi nhân tạo, tiên lượng rất xấu, cả 2 phổi đều đã bị xơ hóa đông đặc, chỉ còn khoảng 10% có thể hoạt động.
Theo các chuyên gia, phổi của BN91 bị tổn thương rất nặng, nếu không được ghép phổi, bệnh nhân sẽ khó có thể phục hồi.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hai-nguoi-viet-nam-dang-ky-hien-phoi-cho-benh-nhan-91-phi-cong-nguoi-anh-a69855.html