Hơn một tháng Việt Nam chưa có ca mắc mới trong cộng đồng. Trong khi đó, số ca "nhập cảnh" xuất hiện trở lại sau khi nhiều chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước. Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ bùng dịch ở Việt Nam vẫn còn.
|
Chỉ trong 3 ngày (15-17/5), nước ta phát hiện tới 32 ca mắc Covid-19 từ người nhập cảnh. |
Nguy cơ lớn từ người nhập cảnh trái phép
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, hiện nay Việt Nam đang tiếp nhận công dân trở về từ nước ngoài. Trong đó, các chuyến bay từ UAE, Nga… ghi nhận số lượng lớn trường hợp mắc Covid-19. Điều này cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh trong cộng đồng tại nước ngoài vẫn ở mức cao.
Trước làn sóng người nhập cảnh trở về nước, Việt Nam đã có chủ trương cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay khi nhập cảnh. Tuy nhiên, nếu không may, một trường hợp nhiễm bệnh lọt ra ngoài cộng đồng, họ có thể lây nhiễm cho nhiều người xung quanh. "Đây chính là 'ngòi nổ' khiến dịch lan ra cộng đồng, gây bùng phát dịch", bác sĩ Khanh nhận định.
Đặc biệt, bác sĩ này nhận định ca bệnh số 315 - nam bệnh nhân ở Tây Ninh nhập cảnh trái phép từ campuchia, cũng là nguồn đe doạ lây lan dịch bệnh.
“Một người nhập cảnh trái phép không được lực lượng canh gác biên giới và người dân phát hiện, nếu họ nhiễm virus thì đây chính là khởi điểm lây lan cho những người trong gia đình, làng xóm, từ đó lan rộng ra cộng đồng”, bác sĩ Khanh nhận định.
Hiện nay lực lượng canh gác biên giới làm việc rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, với các trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép, chúng ta vẫn có nguy cơ lọt người mang virus ra cộng đồng. May mắn, trường hợp bệnh nhân ở Tây Ninh đã được người nhà và lực lượng y tế địa phương chủ động lấy mẫu xét nghiệm, cách ly người tiếp xúc gần kịp thời.
ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cũng cho rằng hiện nay, nhiều ổ dịch tại các nước lân cận chưa được công bố. Trong khi tại các khu vực biên giới, người dân qua lại giữa hai quốc gia bằng đường mòn rất nhiều. Do đó, chúng ta phải lường trước những trường hợp này.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho hay 32 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ông Phu cũng khẳng định: “Hiện tại, khó có thể nói Việt Nam không còn nguy cơ có ca mắc trong cộng đồng. Chúng ta chỉ có thể nói nguy cơ thấp. Điều đó có nghĩa vẫn luôn có nguy cơ”.
Hơn 340 công dân Việt Nam ở Moscow, Nga, được đưa về nước. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Dịch Covid-19 có thể kéo dài, khó chấm dứt hẳn
Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, với chính sách bảo hộ công dân, trong khi các nước còn nhiều người mắc Covid-19, nước ta được dự đoán sẽ tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm nhập cảnh. Khi nào các nước hết dịch, Việt Nam mới có thể yên tâm. Dịch Covid-19 có thể kéo dài, khó chấm dứt hẳn như dịch SARS.
Theo quy định tại Điều 40, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong 28 ngày tính từ ngày bệnh nhân gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế, không ghi nhận thêm bệnh nhân mới bị lây nhiễm trong cộng đồng, có thể công bố hết dịch. Tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam đã trải qua 32 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Theo bác sĩ Khanh, việc thông qua công bố hết dịch hay không, tình hình dịch cơ bản không ảnh hưởng.
“Chúng ta vẫn đang tiếp nhận công dân từ nước ngoài trở về, trong đó có không ít ca nhiễm bệnh. Người dân và các ngành chức năng phải luôn trong tâm thế chủ động phòng chống dịch. Do đó, việc công bố hết dịch hay không, thời gian này, công tác phòng dịch vẫn không thay đổi”, bác sĩ Khanh cho biết.
Chuyên gia này cho biết thêm việc công bố hết dịch trong thời điểm này giúp các quốc gia khác “mở cửa” hơn đối với người dân. Khách nước ngoài có thể tin tưởng đến du lịch, làm việc vì Việt Nam đã an toàn. Đối với quốc tế, việc công bố hết dịch cũng là để thế giới chứng kiến cách làm việc hiệu quả của Việt Nam.
“Thông thường, thời gian gấp đôi thời gian ủ bệnh (tức 28 ngày) không có ca từ cộng đồng thì gọi là ‘hết dịch’. Tuy nhiên, thời điểm này, địch vây tứ phía. Chúng ta phải tiếp tục phòng chống, không lơ là”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh nhận định công bố hết dịch hay không tại thời điểm này không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Ảnh: Viêt Linh. |
Trước lo ngại về việc quá tải số bệnh nhân "nhập khẩu" từ nước ngoài, ông Phu cho rằng ngành y tế vẫn đủ năng lực ứng phó.
"Năng lực cách ly, phát hiện vẫn đảm bảo. Về điều trị, chúng ta đang làm tốt, vẫn áp dụng '4 tại chỗ', những ca nhẹ để tuyến dưới, chỉ những ca nặng mới chuyển tuyến trên. Mới đây, 23 ca bệnh nhập cảnh đang điều trị ở Thái Bình", ông Phu nói.
Đối với dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thực hiện chiến lược xuyên suốt từ đầu dịch cho đến nay là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để. Sau hơn 4 tháng, các hệ thống từ y tế, quốc phòng, quân đội... kể cả người dân đều đã có kinh nghiệm từ cách phòng tránh cho đến chấp hành các quy tắc chống dịch. Do vậy, dịch bệnh được kiểm soát tốt, số ca nhiễm ít, chưa có người tử vong.
Ông Phu cho rằng Việt Nam khó có nguy cơ làn sóng thứ 2 nhưng cả nước không được chủ quan. “Chúng ta đã quay lại cuộc sống bình thường nhưng phải lưu ý là bình thường mới, tức vẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh tùy theo điều kiện từng nơi”, ông Phu lưu ý.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhap-canh-trai-phep-la-ngoi-no-bung-phat-dich-covid-19-a69945.html