Bảo hiểm xe máy bắt buộc: Nhiều quy định không còn phù hợp, chủ xe khó đòi quyền lợi

Phát biểu tại cuộc họp báo về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới do Bộ Tài chính tổ chức hôm qua (22.5), Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phùng Ngọc Khánh thừa nhận: Một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp. Cụ thể sau 10 năm triển khai, mức trách nhiệm bảo hiểm chưa theo kịp với biến động giá thị trường.

Người dân rất dễ dàng mua bảo hiểm xe máy, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi đòi quyền lợi bảo hiểm từ doanh nghiệp. Ảnh: Hải NguyễnNgười dân rất dễ dàng mua bảo hiểm xe máy, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi đòi quyền lợi bảo hiểm từ doanh nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn

Mới có 30% số xe máy được mua bảo hiểm

Nói rõ hơn về các quy định hiện hành liên quan đến bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, ông Phùng Ngọc Khánh cho hay, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới góp phần đảm bảo an toàn giao thông và tăng cường trật tự xã hội. Thể hiện rõ nhất là sau 10 năm đã giải quyết bồi thường bảo hiểm hỗ trợ cho nạn nhân tai nạn giao thông khắc phục hậu quả với gần 594 nghìn vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó có hơn 101 nghìn vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Tuy nhiên ông Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận, kết quả thực hiện thời gian qua cũng cho thấy bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện. Cụ thể một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra.

Cũng theo ông Khánh, phí bảo hiểm mặc dù đã được quy định trên cơ sở rủi ro liên quan phương tiện (đến loại xe, mục đích sử dụng xe) nhưng chưa căn cứ vào rủi ro liên quan chủ xe, lái xe (lịch sử tai nạn, vi phạm giao thông), do đó chưa phát huy tối đa vai trò công cụ kinh tế trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Doanh nghiệp phải ứng ngay 30% khoản bồi thường

Với thực tế trên, các thay đổi trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 103/2008 nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới vừa được Bộ Tài chính xây dựng gây nhiều chú ý. Trong đó dự thảo nêu rõ, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại. Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường ngay tối đa 30% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản, 1 vụ tai nạn sẽ được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm. Dự thảo cũng nêu rõ thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

Trao đổi với Phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm INFAIR cho rằng, khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, các cơ quan liên quan sẽ cần rất nhiều thời gian để hoàn thành các biên bản khám nghiệm hiện trường của cơ quan công an, hóa đơn sửa chữa phương tiện cũng có thể kéo dài vài tháng, chưa kể các vụ việc phải chuyển sang cơ quan công an điều tra thậm chí có thể còn kéo dài đến cả năm.

Trước phản ánh của nhiều chủ xe về việc gặp rất nhiều khó khăn trong việc đòi quyền lợi bảo hiểm, ông Xuân cho rằng, trong trường hợp chủ xe cơ giới hoàn tất toàn bộ hồ sơ theo yêu cầu mà doanh nghiệp vẫn gây khó khăn trong việc trả bảo hiểm, chủ xe có thể khiếu nại, thậm chí khởi kiện doanh nghiệp.

Thực tế theo dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đang xây dựng, thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp có thể kéo dài đến 3 năm.

Doanh nghiệp gây khó để người mua bảo hiểm từ bỏ quyền lợi

Trước thực tế nhiều người dân phản ánh gặp nhiều khó khăn khi đòi quyền lợi bảo hiểm từ các doanh nghiệp, ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm INFAIR cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là người dân ngại làm việc với cơ quan công an, nhiều trường hợp mức phạt hành chính, phí trông giữ xe còn cao hơn số tiền bồi thường. Ngoài ra, việc xe bị tạm giữ lâu ngày gây thiệt hại gián tiếp lớn hơn số tiền bồi thường khiến người dân chấp nhận mất quyền lợi bảo hiểm. “Tệ hơn, không ít trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm lợi dụng sự khó khăn này để gây khó khăn khiến khách hàng từ bỏ quyền đòi bảo hiểm” – ông Xuân nhấn mạnh.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bao-hiem-xe-may-bat-buoc-nhieu-quy-dinh-khong-con-phu-hop-chu-xe-kho-doi-quyen-loi-a70046.html