Hiến kế ngăn chặn người nước ngoài “lách luật” sở hữu đất đắc địa

Bộ Quốc phòng vừa có thống kê về việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài, sở hữu đất ở Việt Nam. Đáng nói, những lô đất đều nằm ở vị trí đắc địa. Chuyên gia pháp lý cho rằng, để tránh “đêm dài lắm mộng” cần phải có những đề xuất sửa đổi, bổ sung trong luật Đầu tư và luật Đất đai…

Thực trạng nan giải”

Cụ thể, bộ Quốc phòng vừa có thống kê, trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh và thu mua đất đai gần các khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Một số doanh nghiệp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy.

Dọc tường rào sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng) có nhiều lô đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người nước ngoài.

Ngoài ra, còn nổi lên một số vấn đề như một số doanh nghiệp đưa lao động người Trung Quốc sang làm việc nhập cảnh dưới hình thức du lịch, sử dụng lao động Trung Quốc không khai báo, đăng ký theo quy định, thậm chí có doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân tuyển dụng lao động người nước ngoài nhưng vẫn tuyển dụng…

Đáng chú ý, theo bộ Quốc phòng, hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Về vấn đề trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, tình trạng người nước ngoài “lách luật”, sở hữu những lô đất trọng yếu đã tồn tại nhiều năm qua và không ít lần được đưa ra xem xét.

Luật sư Trương Thanh Đức (đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Theo luật sư Đức, thực tế, người nước ngoài “núp bóng” người Việt Nam để mua đất xuất phát từ việc cấp giấy tờ về quyền sử dụng đất thiếu đồng bộ, biết chủ sở hữu không rõ ràng vẫn cấp.

“Đây là thực trạng cực kỳ nan giải và đáng lo ngại. Ngoài việc tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát các hoạt động của người nước ngoài ở địa bàn, thì phải siết chặt theo hướng bổ sung quy định đối với các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp có quyền sử dụng đất ở khu vực biên giới, hải đảo và các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia theo hướng chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn” - luật sư Đức cho hay.

Phần lớn các nhà hàng, khách sạn được xây dựng ở khu vực này chủ yếu phục vụ khách Trung Quốc.

Đề xuất sửa luật

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho biết, trong năm 2019, Quốc hội đã đi giám sát và rất nhiều ĐBQH có ý kiến về việc người nước ngoài “núp bóng” để mua đất ở Việt Nam. Và cũng đã có đề xuất khi sửa đổi Luật Đất đai 2013 phải xem xét đất ở các dự án liên quan đến an ninh, quốc phòng và những vị trí trọng điểm.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội).

“Tôi cho rằng, những khu vực này phải có cơ chế, chính sách riêng để đảm bảo đất đai và vị trí nhạy cảm về quốc phòng, an ninh không bị chuyển dịch, chuyển giao vào người nước ngoài. Quy định hiện nay đang còn có nhiều kẽ hở nên phải xem xét nghiên cứu để sắp tới điều chỉnh cho hợp lý ” - ông Sơn nói.

Nói về vấn đề người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên hoặc góp vốn, mua cổ phần rồi trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam, ông Sơn cho rằng, người đứng ra mua ban đầu không phải người nước ngoài, mà là người Việt đứng tên.

Sau đó, chính những người nước ngoài lợi dụng sơ hở trong quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, thực hiện việc tăng vốn rồi nắm quyền điều hành doanh nghiệp đó. Vì vậy, nhiều người nước ngoài đã có thể trở thành nhà đầu tư và sử dụng đất tại Việt Nam.

Khu đất ven tường rào sân bay Nước Mặn ở Đà Nẵng.

“Đây là một cách làm lợi dụng sơ hở để lách luật, điều này gây ảnh hưởng về đời sống kinh tế, xã hội. Hiện nay Luật Đầu tư và Luật Đất đai đang có nhiều câu chuyện cần phải bàn và cần phải đưa ra để sửa đổi cho phù hợp. Trong quá trình giám sát, tôi cũng thấy được rất nhiều ĐBQH đã đề xuất việc đó, chắc chắn trong việc sửa đổi luật sắp tới, các ĐBQH sẽ nói rõ việc này” - ĐBQH Nguyễn Bá Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị ĐBQH này cũng cho biết, tất cả những diện tích đất dự án doanh nghiệp người nước ngoài sử dụng trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã chuyển giao hết cho chủ thể là người Việt Nam.

“Tôi cũng đang chờ báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương về vấn đề con số doanh nghiệp nước ngoài gắn liền với việc sở hữu diện tích đất ở những vị trí cụ thể. Theo thông tin mà tôi nắm được, năm 2018 tồn tại 21 lô đất có liên quan đến người nước ngoài. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thông tin sơ bộ mà tôi nắm được thì tất cả những diện tích đất dự án doanh nghiệp người nước ngoài sử dụng đã chuyển giao hết cho chủ thể là người Việt Nam” - ông Sơn cho hay.

Hệ luỵ xấu nếu "lách luật"

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, luật sư Trương Quốc Hòe (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khẳng định: Pháp luật hiện hành mà cụ thể là luật Đất đai năm 2013 không cho phép người nước ngoài đứng tên sở hữu đất ở Việt Nam.

Trong trường hợp, nếu phát hiện các doanh nghiệp nước ngoài có hợp đồng thuê người Việt mua đất, hoặc rót vốn cho người Việt mua đất thì phải hủy hợp đồng và yêu cầu trả lại đất theo đúng hiện trạng ban đầu.

Khi người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, phải có dự án được duyệt và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì mới được phép hoạt động.

Những công ty nước ngoài được hình thành bằng cách góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các công ty trong nước nên họ cũng giống như các công ty trong nước và trở thành người có quyền trong hoạt động hợp tác đầu tư. Và khi có đầy đủ tư cách pháp nhân, thì họ được quyền sở hữu đất bởi pháp luật cho phép điều này. Đây là một trong những cách các doanh nghiệp Trung Quốc lách luật để sở hữu đất, có thể xảy ra nhiều hệ luỵ xấu.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/hien-ke-ngan-chan-nguoi-nuoc-ngoai-lach-luat-so-huu-dat-dac-dia-a70069.html