Hồn quê mộc mạc, thân thương
Những ai sinh ra ở làng quê hẳn sẽ không thể quên được làn khói lam chiều. Cứ chiều chiều, khi mặt trời chỉ còn là hòn than đỏ thẫm dưới chân núi, từng đàn chim sải cánh bay về tổ, đàn trâu đủng đỉnh quay về chuồng. Trong những mái nhà tranh, bếp lửa hồng cũng bập bùng cháy. Một ngày dần khép lại bằng mùi khói thân thuộc từ căn bếp quyện với mùi mỡ hành, mùi cá kho thơm lừng. Hình ảnh một buổi chiều như thế thi thoảng vẫn hiện về trong tôi với bao cảm xúc nhớ nhung khắc khoải.
Ai đi xa cũng nhớ làn khói lam chiều, nhớ thứ khói được đun từ rơm rạ. Nhớ mùi hương chân chất của ruộng đồng tỏa ra từ căn bếp quê. Từng làn khói quyện vào nhau, nối đuôi nhau bay lên khỏi mái tranh nghèo giữa những buổi chiều hoàng hôn đỏ thắm. Hình ảnh ấy đẹp mà gợi buồn. Mỗi khi nhìn thấy làn khói lam chiều, lũ trẻ chạy nhảy vui đùa ngoài đồng ruộng cũng vội vã trở về xúm xít bên căn nhà nhỏ. Những người làm công việc đồng áng thu xếp nông cụ để trở về nhà. Chỉ còn đó làn khói lam chiều vương vấn trên nóc nhà, trên những rặng tre già đầu ngõ cho đến khi bóng tối bao phủ và ánh đèn dầu thắp sáng căn nhà.
Có những buổi chiều đi học về ngang qua cánh đồng làng, đám trẻ quê nha nhẩn ngắm nhìn cánh đồng làng cùng làn khói lam chiều lan tỏa. Những vòng xe đạp bắt đầu chậm lại để hít hà thêm chút hương đồng gió nội quyện trong mùi khói bếp nhà ai đang xào nấu, rồi những vòng quay xe đạp bỗng thoăn thoát hơn, đám trẻ hối hả trở về căn nhà nhỏ với bữa cơm ấm áp đang chờ.
Những ngày xa quê, khói lam chiều có lẽ là hình ảnh ám ảnh tôi nhiều nhất. Những buổi chiều tà luôn khiến tôi mường tượng đến hình ảnh bình yên. Tưởng như chỉ là mùi hương bình dị, vậy mà những đứa trẻ rời đồng ruộng ra đi đứa nào cũng tha thiết kiếm tìm. Những buổi chiều muộn di chuyển qua một vùng quê mới bàng hoàng nhận ra khói lam chiều chính là hồn quê, là hình ảnh thân thương và mộc mạc nhất mà chỉ làng quê mới có.
Ai đi xa cũng bùi ngùi thương nhớ
Hình ảnh từng sợi khói bay lên trong ánh chiều đỏ rực ấy thi thoảng vẫn hiện về trong ký ức, trong câu chuyện kể của những người trẻ vốn sinh ra ở quê trong những hàng quán đông đúc ồn ào của phố thị. Trong dãy nhà trọ chật chội giữa lòng phố, người ta vẫn dành một khoảng trống nhỏ bên gốc bằng lăng làm nơi để đặt ấm đun nước. Ở đó mọi người cuối ngày đi làm về xúm xít bên nhau ngồi chuyện trò trong mùi khói bếp. Dù mùi khói bếp ấy chẳng có rơm rạ, chỉ có lá khô, nhánh cây khô nhưng mỗi khi có nhà đun nước chỉ cần nhìn thấy làn khói ấm áp cuộn bay giữa một buổi chiều cuối tuần đã thấy lòng bình yên như đang ở trong một buổi chiều quê.
Quê hương với làn khói lam chiều chính là bức tranh đẹp nhất đối với mỗi người . |
Ngày nay, ở quê cuộc sống cũng hiện đại và đầy đủ tiện nghi không khác gì phố. Nhà nào cũng có bếp ga, bếp điện. Nhưng căn bếp ngày xưa nồng đượm mùi rơm rạ đồng làng vẫn được dùng để đun nấu. Trong những buổi chiều quê, làn khói lam chiều vẫn cuộn bay trên những ngọn cây, mái nhà, gợi thương nhớ cho biết bao người. Không biết từ bao giờ, làn khói lam chiều đã trở thành một hình ảnh đẹp của làng quê, góp thêm vào vô vàn những nét đẹp thân thương của làng quê Việt Nam để ai đi xa cũng bùi ngùi thương nhớ.
Cuộc đời dẫu có lúc thăng trầm và những bước chân có đôi khi mỏi mệt nhưng trên hành trình sống của mình có những người vẫn tìm mọi cách lưu giữ một hình ảnh, một ký ức, một mùi hương. Như một hình ảnh gợi thương nhớ, mỗi khi nhìn thấy làn khói lam chiều cuộn bay, một góc quê nhà đã hiển hiện trong tâm thức mỗi người, thôi thúc họ chinh phục những chặng đường mới. Quê hương với làn khói lam chiều chính là bức tranh đẹp nhất mà những ai vốn sinh ra từ làng quê đều lưu giữ trong tim mình.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bang-khuang-lan-khoi-lam-chieu-a70281.html