Gia Lai: Tỉnh vào cuộc do huyện tùy tiện

Huyện lấy hơn 27.000m2 đất của dân để bán và cho thuê nhưng không có quyết định thu hồi đất; không công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp nhưng vẫn cấp sổ đỏ cho hơn 10.000m2 đất còn lại… đang là chuyện mà lãnh đạo huyện đem lại sự “đau đầu” cho tỉnh.

Thu hồi quyết định, xin lỗi dân

Theo phản ánh của ông Hoàng Hồng Niêm, năm 1985, gia đình ông khai hoang một đám rẫy có diện tích 38.000m2 tại khu vực gần làng Trol Đeng, xã Ia Kriêng, huyện Chư Prông (nay là tổ dân phố số 9, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Trên diện tích này, gia đình ông trồng hoa màu, cây ăn quả, điều, cà phê…

Ông Niêm bên diện tích đất bị huyện thu hồi cấp cho Công ty Thương mại Đức Cơ làm xưởng gỗ (nay là lò giết mổ

Tháng 8/1988, ông Niêm làm đơn xin chứng nhận đất làm kinh tế vườn và được UBND xã Ia Kriêng (huyện Chư Prông) do Phó chủ tịch Siu Tin ký, đóng dấu xác nhận ngày 05/10/1988. Năm 2000, UBND huyện lấy một phần diện tích đất trên (mặt đường Tăng Bạt Hổ, Siu Bleh) để cấp cho một số hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở.

Đơn xin chứng nhận làm kinh tế vườn được xã xác nhận ngày 05/10/1988.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Niêm, UBND huyện Đức Cơ đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật khi không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không có văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không ban hành các quyết định thu hồi đất, không lập phương án bồi thường.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2002 đến 2006, chính quyền huyện tiếp tục tự ý “chế biến” mảnh đất trên bằng cách thu hồi một phần cho Công ty Thương mại Đức Cơ thuê làm xưởng mộc, sau đó đến 2007 chuyển thành khu giết mổ gia súc tập trung), mở đường đi (đường Trần Phú nối dài).

Tổng diện tích mà huyện Đức Cơ thu hồi không đúng pháp luật của ông Niêm là hơn 27.000m2. Trong suốt quá trình đó, phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện, UBND thị trấn Chư Ty, UBND huyện đều không lập bất kỳ biên bản bàn giao hiện trạng đất nào.

Ông Niêm bức xúc phản ánh: “Toàn bộ thửa đất trên được gia đình tôi quản lý, sử dụng hợp pháp nhưng khi huyện lấy đất thì không ban hành quyết định thu hồi là vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai. Đây là hành vi coi thường kỷ cương, pháp luật của một số cán bộ có trách nhiệm. Nhiều năm qua, tôi liên tục khiếu nại nhưng đều bị chính quyền địa phương cố tình tìm mọi cách lẩn tránh, dây dưa”.

Ông Hoàng Hồng Niêm trình bày các căn cứ pháp lý khai phá, quản lý toàn bộ thửa đất từ năm 1985

Phải đến ngày 21/08/2019, UBND huyện Đức Cơ mới có Quyết định số 1400 do Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Lam ký trả lời việc giải quyết khiếu nại của ông Niêm. Trong đó, không công nhận nội dung khiếu nại của ông Hoàng Hồng Niêm về việc đề nghị trả lại phần diện tích bị thu hồi để xây dựng khu giết mổ gia súc và yêu cầu được hỗ trợ công khai hoang để mở đường, bồi thường 18 cây điều đã chặt khi làm đường.

Lý do của UBND huyện đưa ra là: Vì các nội dung trên đã hết thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 nên không có cơ sở xem xét giải quyết.

Không đồng ý với quyết định trên, ông Niêm kiến nghị tới Thanh tra tỉnh Gia Lai. Qua quá trình xác minh, Thanh tra tỉnh yêu cầu UBND huyện Đức Cơ thu hồi Quyết định số 1400 do “có một số nội dung chưa được UBND huyện làm rõ”.

Theo yêu cầu của Thanh tra tỉnh, chủ tịch UBND huyện đã phải ban hành Quyết định số 2000 ngày 28/10/2019 thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1400. Đến ngày 31/10/2019, ông Trịnh Văn Thành, phó chủ tịch UBND huyện có Thư xin lỗi số 59 gửi gia đình ông Niêm về việc chậm giải quyết đơn khiếu nại.

Tuy nhiên, sự việc cũng không được giải quyết ngay mà phải đến ngày 31/03/2020, UBND huyện mới có Quyết định số 557 về việc giải quyết khiếu nại của ông Hoàng Hồng Niêm. Quyết định trên do ông Trịnh Văn Thành, phó chủ tịch huyện ký nhưng nội dung lại cơ bản giống với quyết định số 1400.

Gia đình ông Niêm cho rằng cách xử lý của huyện Đức Cơ là không thỏa đáng nên đã tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đề nghị trả lại toàn bộ diện tích đất đã bị thu hồi trái pháp luật.

Chủ tịch tỉnh gửi “tối hậu thư” cho nhiều ban, ngành

Ngày 01/06/2020, phóng viên đã làm việc trực tiếp với ông Trịnh Văn Thành, phó chủ tịch UBND huyện Đức Cơ. Tại đây, ông Thành trả lời: “Tôi khẳng định quan điểm giải quyết vụ việc của huyện theo Quyết định số 557 là đúng luật, đúng trách nhiệm. Thu hồi đất của ông Niêm thì không cần quyết định thu hồi vì huyện không công nhận quyền sở hữu đất của ông Niêm”.

Còn về bồi thường, cũng theo ông Trịnh Văn Thành thì ngày 15/04/2002, gia đình ông Niêm đã nhận 2.500.000đ tiền đền bù do Công ty Thương mại Đức Cơ trả, có giấy biên nhận và cam kết không kiện cáo, tranh chấp. Bây giờ muốn kiện thì ông Niêm kiện Công ty Đức Cơ chứ sao lại kiện huyện.

Khi phóng viên hỏi về hợp đồng thuê đất giữa Công ty Thương mại Đức Cơ và UBND huyện cũng như nghĩa vụ tài chính liên quan thì ông Thành từ chối trả lời. Về nội dung mới trong Quyết định số 557 là giao lại thửa đất số 150 tờ bản đồ số 14 cho ông Niêm, ông Thành giải thích: “Thực ra đây là chỉ đạo của Sở TN&MT chứ quan điểm của huyện là không đồng tình. Việc này có thể sẽ tạo ra tiền lệ với những trường hợp khác. Đất chưa giao cho ai thì sẵn sàng trả lại chứ giao rồi thì làm sao mà trả !”.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Hoàng Hồng Niêm là Luật sư Nguyễn Duy Hiếu (Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai) phân tích: Việc cho rằng nội dung khiếu nại của ông Niêm đã hết thời hiệu theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 là áp dụng sai căn cứ.

“Thực tế, nhiều năm qua, gia đình ông Niêm đã liên tục trực tiếp hoặc gửi đơn kiến nghị, khiếu nại để đòi đất. UBND huyện Đức Cơ lấy đất của người dân đang quản lý, sử dụng hợp pháp nhưng không ban hành quyết định thu hồi đất là trái luật. Trong quan hệ pháp luật dân sự, UBND huyện là người chiếm hữu, người được hưởng lợi về tài sản nhưng không có căn cứ pháp luật. Căn cứ quy định của pháp luật dân sự tại thời điểm phát sinh tranh chấp là năm 2000 thì thời hiệu khiếu kiện của ông Niêm còn hơn 10 năm nữa.

Việc UBND huyện cho rằng ông Niêm đã nhận số tiền 2.500.000đ của Công ty Thương mại Đức Cơ là tiền bồi thường thu hồi đất là sai vì đó là quan hệ dân sự. Mặt khác, Công ty Thương mại Đức Cơ không có tư cách chủ thể sử dụng đất hợp pháp, do không được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất. Bên cạnh đó, không có văn bản nào của UBND huyện Đức Cơ chấp thuận chi ngân sách để trả số tiền này cho doanh nghiệp”, Luật sư Nguyễn Duy Hiếu nhấn mạnh.

Trả lời về vụ việc trên, ông Hoàng Văn Nhân, Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT Gia Lai cho biết: Quan điểm của Sở là đồng thuận với cách giải quyết của UBND huyện Đức Cơ. Khi được hỏi về việc tại sao UBND huyện Đức Cơ không thừa nhận nguồn gốc đất và việc chiếm hữu, sử dụng đất liên tục, ổn định của gia đình ông Niêm nhưng vẫn cấp 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (có tổng diện tích 10.886,5m2) cho gia đình vào ngày 04/08/2017 thì ông Nhân trả lời chung chung: Do năng lực hạn chế của cán bộ tại địa phương.

Theo thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, ngày 05/06/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có công văn gửi Sở TN&MT, Thanh tra tỉnh, UBND huyện Đức Cơ cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra toàn bộ hồ sơ, nội dung vụ việc để tổ chức đối thoại với ông Hoàng Hồng Niêm. Qua đó, báo cáo kết quả cũng như đề xuất hướng giải quyết vụ việc khiếu nại với UBND tỉnh trước ngày 20/06/2020.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

NGUYỄN SƠN

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/gia-lai-tinh-vao-cuoc-do-huyen-tuy-tien-a70310.html