Vừa qua chúng tôi nhận được đơn thư của bệnh nhân N.T.H ở Phổ Yên, Thái Nguyên phản ánh việc đơn thuốc của chị có một loại thuốc chỉ kê đơn cách nhau 3 ngày mà chênh giá nhau tới 30 ngàn đồng/hộp. Như vậy, khi mua đơn thuốc mới với 3 hộp thuốc chị đã mất thêm so với đơn thuốc cách đó 3 ngày tới tận 90 ngàn đồng. Khổ tâm hơn, trong đơn thuốc bị đội giá tới 90 ngàn của chị còn có tới 2 loại TPCN với số tiền lên tới gần triệu bạc.
Cùng chung nỗi bức xúc với chị H, bệnh nhân N.D.Q chia sẻ: "Gia đình tôi rất nghèo, về Hà Nội khám chữa bệnh rất vất vả khó khăn. Khi nhìn đơn thuốc gần 5 triệu bạc tôi lo lắng lắm, lấy đâu ra tiền mà mua. Khi đưa cho cô hàng xóm làm y tá xem, cô ấy bảo TPCN anh không phải mua đâu, chỉ mua thuốc uống thôi.
Tôi cũng hoang mang lắm, sau đó tôi mới được giải thích là quy định của nhà nước không cho phép kê TPCN vào đơn thuốc. Tôi thấy họ làm nghề y mà sao họ lại không lấy y đức làm đầu mà kê cho chúng tôi những loại thuốc lẽ ra không nên mua”.
Những đơn thuốc có dấu hiệu bất thường của các bệnh nhân khám chữa bệnh tại Bệnh viện ĐK Nông nghiệp
Anh Q đưa cho chúng tôi xem đơn thuốc của anh có 4 loại thuốc, trong đó có 2 loại là TPCN và có tổng số tiền đắt hơn số tiền của 2 loại thuốc chữa bệnh vài trăm ngàn.
Năm 2008, Bộ Y tế đã có quyết định về việc ban hành quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Theo đó, Bộ này quy định rất rõ không được kê TPCN trong đơn thuốc, nếu vi phạm phải bị xử lý theo quy định.
Hơn nữa, theo quy chế kê đơn thuốc, TPCN không phải là thuốc nên không thể kê đơn. Thế nhưng, trước sự bùng nổ của thị trường TPCN, với không ít sản phẩm đang bị thổi phồng công dụng, tỉ lệ hoa hồng lại cao nên nhiều bác sĩ phớt lờ quy định, thản nhiên kê TPCN vào đơn thuốc.
Mới đây, tại Thông tư 05/2016, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu không kê TPCN vào đơn thuốc. Theo một chuyên gia y tế, quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay bởi thị trường TPCN tại Việt Nam đang như một “ma trận”. Nhiều sản phẩm bị quảng cáo thổi phồng công dụng khiến người mua còn lầm tưởng có tác dụng tốt hơn cả thuốc chữa bệnh. Trong khi thuốc có thành phần và cách sử dụng cụ thể, dùng để bổ sung trực tiếp trong điều trị bệnh thì TPCN chỉ hỗ trợ điều trị - tức là có thể dùng, có thể không.
Bộ Y tế cũng quy định không được ghi TPCN vào đơn thuốc nên bác sĩ phải minh bạch trong kê đơn thuốc và TPCN. Với các sản phẩm hỗ trợ phòng và trị bệnh, thầy thuốc vẫn được phép kê cho bệnh nhân nhưng không được kê chung vào đơn thuốc điều trị bệnh đồng thời, phải tư vấn rõ ràng cho người bệnh đó là TPCN, không phải thuốc.
Tuy nhiên bất chấp quy định trên, những sai phạm này vẫn đang diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, khiến người bệnh ngoài nỗi lo bệnh tật còn phải oằn lưng thêm gánh nặng về kinh tế. Câu hỏi khiến dư luận đặt ra là: Liệu những người hành nghề y đức luôn được ví như từ mẫu kia liệu có coi thường luật pháp?
Đã có không ít bệnh viện bị xử phạt vì vi phạm các quy định này, tuy nhiên, có vẻ như những chế tài đó chưa đủ sức nặng khiến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nói riêng và các cơ sở y tế khác nói chung tiếp tục vi phạm và công khai ngay giữa thủ đô.
Để rõ thêm vấn đề đã nhiều lần PV liên hệ với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Thiết nghĩ các cơ quan quản lý và cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm nhằm chấm dứt tình trạng này.
Chúng tôi tiếp tục thông tin!
PV
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/benh-vien-da-khoa-nong-nghiep-van-phot-lo-quy-dinh-trong-ke-don-thuoc-a70330.html