Bỏ quên trẻ em trên xe ô tô: Hiểm họa khó lường và lời cảnh tỉnh

Trong bất cứ trường hợp nào cũng tuyệt đối không được để bé ở trên xe một mình. Dù không diễn ra thường xuyên nhưng hàng năm vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra khi nhiều phụ huynh nghĩ rằng chỉ đi có việc một lát rồi quay trở lại ngay nên chủ quan để con trong xe một mình.

Những ngày qua có tới 2 vụ trẻ bị bỏ quên trên ô tô, đáng nói những vụ việc này lại xảy ra vào lúc thời tiết miền Bắc đang trong những ngày nắng nóng, dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Bé trai 19 tháng tuổi (trú tại xã Tử Du, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) được gia đình cho chơi trên ô tô sau đó để quên bé trên xe khoảng 2 tiếng đồng hồ dưới trời nắng nóng, xe không nổ máy và không có điều hòa nhiệt độ. Đến khi gia đình phát hiện thì bé đã mất ý thức, đi vệ sinh không tự chủ. Ngay sau đó, bé được đến trạm y tế rồi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. 

Các bác sĩ đã xác định bé bị sốc nhiệt do nắng nóng. Sau 1 ngày điều trị tại bệnh viện, bé trai này đã có thể tiếp xúc chậm, chưa tỉnh hoàn toàn, vẫn còn những cơn kích thích thích vật vã, sốt 37,5-38,5 độ C, chưa tiêu hoá được thức ăn, ăn vào lại nôn ra.

Mới đây tại Hà Nội, một học sinh nam lớp 4D trường Tiểu học Nam Từ Liêm (quận Nam Từ Liêm) đã bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón. Rất may, cháu bé đã tỉnh dậy đập cửa và nhờ người đi đường trợ giúp mở cửa ra ngoài. Chiếc xe đưa đón này do phụ huynh học sinh tự thuê.

Bác sĩ cho biết bé bị sốc nhiệt do ở trên xe ô tô dưới trời nắng quá lâu. Kết quả xét nghiệm cho thấy: Bé bị rối loạn đông máu, các chỉ số đều có dấu hiệu bất thường, rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, hạ Kali... Hiện sức khỏe của bé đã ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Các vụ việc trên khiến không ít người nhớ lại sự việc bé trai 6 tuổi tử vong sau khi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường Gateway hồi tháng 8/2019. Vụ việc một lần nữa cảnh báo tất cả các bậc phụ huynh cần hết sức tập trung, cẩn trọng khi cho con đi xe ô tô, đặc biệt là trong lúc thời tiết đỉnh điểm nắng nóng như hiện tại.

Theo các chuyên gia y tế, bị bỏ quên trên xe hay ngủ trong ô tô đóng kín, bật điều hòa rất dễ bị ngạt khí do thiếu oxy và được y học gọi là dạng ngạt hệ thống, rất khó cứu chữa. Bởi không gian bị đóng kín, lượng oxy trong khoang xe giảm dần, trong khi người ngủ trên xe hoặc ngủ say lịm dần, hoặc ngạt khí dần dần. Nếu không cấp cứu kịp thời sẽ thiếu oxy lên não, để lâu sẽ dẫn đến hôn mê, tử vong, cứu được cũng sẽ sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.

Ngay cả khi ở ngoài trời chỉ 21 độ C, nhiệt độ trong xe ô tô có thể nhanh chóng nóng đến hơn 48 độ.

Để hạn chế tối đa những điều nguy hiểm xảy ra với bé, bố mẹ cần lưu ý những điều sau đây:

Tuyệt đối không được để bé ở trên xe một mình

Ở bất cứ nơi đâu ngoài nhà mình, bố mẹ cũng tuyệt đối không nên để con nhỏ một mình, đặc biệt là để bé trên xe ô tô.

Dù không diễn ra thường xuyên nhưng hàng năm vẫn có những câu chuyện đáng tiếc xảy ra khi bố mẹ chủ quan để con trong xe một mình vì ý nghĩ chỉ đi có việc một lát rồi sẽ quay trở lại ngay.

Nếu để trẻ một mình trong xe khi xe vẫn còn nổ máy thì chỉ cần lũ trẻ tò mò đạp nhầm chân ga là có thể gây nguy hiểm chết người. Còn nếu xe đã tắt máy, điều hoà không hoạt động, nền nhiệt trong xe tăng cao có thể khiến trẻ bị sốc nhiệt hoặc ngạt khí CO2 dẫn đến tử vong.

Hướng dẫn trẻ nhỏ cách tự cứu mình khi ở trên xe một mình

Hãy hướng dẫn các em biết cách bấm còi và phát tín hiệu cảnh báo cho người bên ngoài chú ý.

Đối với những gia đình sử dụng xe ô tô hoặc có trẻ nhỏ thường xuyên đi xe công cộng thì các chuyên gia khuyên rằng, hay tự trang bị cho các con những kiến thức an toàn khi đi xe và cách tự giải thoát cho mình khi bị bỏ quên, mắc kẹt trên xe một mình.

Cụ thể, các bạn hãy dạy con cách mở cửa từ bên trong khi xe bị chốt khóa và tắt máy. Chỉ cho các em biết các nút mở cửa và vị trí lẫy khóa. Đồng thời, chỉ cho các em biết cách bật tín hiệu cảnh báo khẩn cấp trên xe và bấm còi (vì khi tắt máy thì các hệ thồng đèn khẩn cấp và còi xe vẫn hoạt động bình thường).

Thứ hai, bạn cũng cần hướng dẫn trẻ cách gây chú ý với người đi bên ngoài khi xe bị chốt cửa bằng cách dùng tay hoặc chân đập vào cửa kính, hay tìm các vật nhọn, cứng trên xe để đập vào kính.

Còn đối với xe khách, buýt, bạn nên chỉ cho các em vị trí cất búa cứu hộ trên xe và cách sử dụng để dùng khi bị bỏ quên trên xe.

Trang bị cho trẻ điện thoại hoặc đồng hồ định vị có thể nghe gọi

Đối với những trẻ em có thể sử dụng các thiết bị công nghệ, bạn nên trang bị cho trẻ một chiếc đồng hồ định vị có thể nghe gọi hoặc một chiếc điện thoại di động. Qua đó hướng dẫn các em sử dụng để khi rơi vào các tình huống khẩn cấp có thể liên hệ cho bố mẹ hoặc người thân.

Các tài xế nên tập thói quen kiểm tra xe trước khi đóng cửa

Dù bạn có hướng dẫn trẻ em kỹ càng đến đâu thì cũng không thể bằng việc tạo cho mình một thói quen kiểm tra xe và các ghế ngối phía sau trước khi rời xe và chốt cửa. Đặc biệt là các tài xế xe khách, xe buýt.

Vì có nhiều trường hợp các em nhỏ ngủ quên ở ghế phía sau hoặc còn quá bé vẫn còn nằm trong ghế trẻ em bị bỏ quên trên xe dẫn đến hậu quả thương tâm.

Do vậy, các tài xe nên rèn một thói quen hãy kiểm tra toàn bộ xe trước khi bước khỏi xe và khóa cửa. Vì không chỉ giúp bạn tránh tình trạng quên trẻ em trong xe, mà còn giúp bạn biết được các thiết bị điện đã tắt hết chưa, hay các cửa, kính xe đã được đóng hết...

Các chủ xe cũng không nên dán kính quá tối màu để người bên ngoài vẫn có thể nhìn được vào xe.

 

 

Hà An

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bo-quen-tre-em-tren-xe-o-to-hiem-hoa-kho-luong-va-loi-canh-tinh-a70374.html