“Ký giả”… huyện lẻ

Họ là một trong những hàng nghìn người làm báo Việt Nam, đang “bám” với các đài phát thanh truyền hình hay một tờ thông tin nội bộ nào đó, ở các huyện của các vùng heo hút. Bằng sự hăng say, yêu nghề, mến nghiệp, ngày đêm họ đeo bám thông tin. Ngoài chức năng là một “hạt nhân” thông tin “găm”, “cắm” tại cơ sở họ còn là những con người, góp phần làm cho đời sống báo chí và thông tin chúng ta thêm phong phú và có phần nóng hổi về sự cập nhật.

“N” người trong… một người

Hiện tại, trong tổng số 534 huyện hiện có trong toàn nước ta, theo quy định, mỗi huyện có 1 đài phát thanh truyền hình (ĐPTTH). Để phục vụ cho việc lấy tin phát sóng này, ngoài bộ phận kỹ thuật thì thông thường mỗi đài có khoảng 5 – 7  “phóng viên” đeo bám thông tin từ huyện đến xã. Như vậy, để phục vụ thông tin cho mỗi đài này hoạt động, ước tính cả nước ta có khoảng gần 4.000 con người.

Phần lớn họ có “nguồn gốc xuất thân” từ các lớp tạo nguồn (các anh đài huyện vùng cao còn gọi vui là lớp tạo Phìa) do tỉnh tổ chức hay các trường PTTH của các khu vực. Theo quy định, nếu không tham gia tiếp một khóa hay một lớp học nào đó để nâng cao đến bậc đại học thì hy vọng có chiếc “thẻ hai gạch đỏ” trong tay sẽ hết sức xa vời với họ. Vì theo quy định, chỉ cấp thẻ cho những người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.  

Trong giới làm báo, có những đợt đi công tác với nhóm anh em đài huyện thuộc diện này, giới anh em làm báo Trung ương hay báo tỉnh mới thấy mình còn có những may mắn và nhàn nhã hơn nhiều. Phần lớn các báo đài trung ương hay báo đài các tỉnh, do nhân sự và phương tiện phục vụ đã được đầu tư chuyên sâu nên công việc của họ có sự phân chia khá rõ ràng.

Nghĩa là anh nào là phóng viên, làm mảng mục gì thì cứ bám theo mảng mục đó. Thông tin mang về, triển khai thành bài (với báo viết) hay ở dạng tư liệu thô (với PTTH) thì sẽ có bộ phận biên tập, kỹ thuật trợ giúp.

Còn với những người làm đài huyện lại không thể như vậy. Vì nhân sự, vật dụng phục vụ nghề thiếu, nên để có những thông tin đến với dân, họ bắt buộc phải trở thành “N người” trong một con người. Từ chạy xe, vác máy, đến quay đều tự họ đảm nhận hết. Khái niệm về ê – kíp thực hiện ở đây không có.

Lăn lộn, bám sát nhân vật và đồng bào là một trong những phẩm chất của phóng viên trong đó có “ký giả” huyện lẻ.

Thậm chí khi đã có thông tin rồi, về đài, để thông tin được cập nhật, họ lại phải “tự mình trở thành” các biên tập viên, thậm chí kiêm thêm cả kỹ thuật, phát thanh viên nữa. Lương thì theo quy định, nhuận sóng có hạn (vì đều được khoán kinh phí) nên công việc nhiều nhưng bù lại thu không đáng là bao, cuộc sống anh em cơ nhọc lắm.

Lê H. một người bạn, đang làm ở ĐPTTH huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) là một người như vậy. H. bảo, ở cái đất miền tây của tỉnh Cực Bắc này cứ ra khỏi nhà là lên dốc. Xe máy loại tốt mua về, chạy có gìn giữ thì cũng chỉ 2 năm sau là “phọt khói xanh, khói đỏ”, “quạt chả” um khắp cả tuyến đường nơi xe và người đi qua.

Lương và thu nhập, H. bảo có lẽ không đủ tiền để khấu hao xe, đấy là còn chưa tính đến chuyện “khấu hao người”. Nhiều đêm vợ ta thán với cái nghề, có ý định bảo H. chuyển sang làm giáo viên cho nó… lành. Nhưng H. bảo, đã “nhuốm cái máu phóng viên” rồi, dù biết khổ nhưng chuyển sang nghề khác, chân tay và đầu óc nó bứt dứt lắm.

Cũng giống như đồng nghiệp của các đài huyện khác, nhận công việc, chả có ê – kíp, ê đồ gì cả. Không xe đưa đón, chỉ một mình, nếu may mắn có một đồng nghiệp khác, cứ thế mà “hát bài” nào mình cùng lên… xe máy vậy thôi.

H. bảo, đi xã, việc đầu tiên bọn H. phải lo nhất ấy là “lương thực” (xăng) cho “con chiến mã” (xe máy) của mình. Vì hầu hết các xã trên địa bàn đều không có trạm bơm xăng. Nhiều khi vào xã xa và lắm đèo dốc, xăng tiêu tốn nhiều, nên để đủ nhiên liệu, vai đeo máy, sau xe Phong còn phải chằng thêm cả can xăng to đùng để còn có cái mà tiếp liệu cho xe.

Cuộc sống tác nghiệp của H. cũng khổ. Lên đường tác nghiệp, chỉ có duy nhất cái giấy giới thiệu của cơ quan. Có thêm tư cách pháp nhân nữa ấy là cái thẻ cơ quan “tự biên soạn” rồi lấy dấu của đài đóng vào. Cần liên hệ với chính quyền đâu thì cứ “vác cái thẻ” đó vào.

Cũng may, lãnh đạo các xã trên này cũng quý người làm báo và cái quan trọng là họ chưa triển khai tư cách “người phát ngôn” nên việc quay hình, lấy số liệu cũng hết sức thuận lợi. Xã thưa dân, ít người, thậm chí chỉ cần qua lại vài lần là đã quen, đã được lãnh đạo coi như anh em trong nhà. Nên cứ mỗi lần đến, từ cổng ủy ban đã có người vui vẻ: “Nhà báo” lại lên với xã rồi. H. cười buồn, nhà báo cái cỡ gì mình. Tốt nghiệp trường trung cấp ra, còn lâu mới đủ trình độ để được cấp thẻ.

H. kể chuyện làm báo của cánh cậu cũng nhiều cái buồn cười. Đi xã lấy thông tin, thời tiết bình thường không sao, chứ gặp mưa gió là lại suy tính đủ kiểu. Vì khu vực miền tây Hoàng Su Phì chủ yếu là núi đất, vậy nên vào mùa mưa, đường sạt lở hay nước lũ là chuyện rất hay gặp.

Có lần H. vào Tả Sử Choóng để lấy thông tin về sạt lở đất trên đó. Vật vã lội bùn vào với dân, khi tư liệu hiện trường đã hòm hòm, định quay ra huyện để hoàn thành sản phẩm, đưa thông tin kịp thời thì quả núi đầu xã bất chợt đổ xuống. Đường tắc nghẽn, lại còn xe và phương tiện nữa. Chẳng biết cách nào để gửi băng đã quay ra huyện cho anh em làm giúp, may H. gặp một người bản xứ đang phải có việc gấp ra huyện thăm người ốm.

Thế là H. đã nhờ, được người ta nhận lời và chiếc băng ấy đã được chuyển ra đài huyện bằng quẩy tấu. Sau đó, dùng điện thoại di động “chỉ đạo” anh em ngoài đài huyện, thông tin ấy cũng đã được phát sóng kịp thời. Đây chỉ là một trong những câu chuyện tác nghiệp hết sức khó tưởng tượng với những “ký giả” huyện lẻ như H.

Những người… “không đầu hàng hoàn cảnh”!

Vì là những phóng viên gần gũi cơ sở nhất, nên những người như H. và các anh em làm nghiệp “ký giả” tỉnh lẻ có những thông tin khá độc. Vì “thiên chức nghề nghiệp”, vì bản lĩnh và việc cần nói những gì thực tế nhất, nên ngoài chuyện vất vả tác nghiệp, những người như H. cũng đã gặp những “tai nạn” mà khi kể ra, nhiều anh em báo tỉnh, báo trung ương cũng phải nể họ.

Trước, tôi có anh bạn thuộc “ký giả” huyện, vẫn được anh em mệnh danh là T. “khùng” vì trước mỗi sự kiện, vấn đề anh đều tỏ rõ quan điểm, luôn có “sở trường” và tìm mọi cách để nói lên sự thật về thông tin của mình.

Học xong ở 1 trường nọ, với thân phận và tấm bằng cầm trong tay của mình, anh đành về làm “ký giả” ở huyện nọ. Huyện anh, hồi anh còn làm việc, có tay bí thư, trình độ rất bình thường nhưng lại ngông nghênh và coi thường mọi thứ. Chả biết quan hệ với tỉnh thế nào, nên hắn được tỉnh ưu ái lắm.

3 năm cho 1 nhiệm kỳ (hồi anh làm “ký giả” ở đó nhiệm kỳ quan chức chỉ có 3 năm) mà hắn đã đổi xe công để dùng đi lại tới 5 lần. Bực quá, anh sưu tầm tài liệu rồi viết bài với tên: “3 năm đương chức, 5 lần thay xe”.

Mới đầu vì “ngu ngơ” với sự kiện nên anh gửi ra tỉnh. Chả hiểu sao các cơ quan thông tin của tỉnh làm thinh. “Bực quá”, do có mấy mối quen dưới Hà Nội, anh đã đóng bài viết cùng các số liệu cần có gửi về. Và bài viết ấy của anh đã được dăng khá trang trọng trên trang nhất của 1 tờ báo có tiếng.

Thông tin đươc loan tải, tay bí thư kia bị kỷ luật, điều chuyển công tác rồi “về vườn” còn anh cũng bị “đủ thứ sức ép”. Với bản chất “khùng” đáng yêu, anh “chả thèm chấp” và xách túi xuôi về Hà Nội.

Được anh em giúp đỡ, giờ anh đã là nhà báo của một báo trung ương, có nhà cửa và đưa vợ con về. Mỗi lần gặp, chuyện xưa được nhắc lại, anh vui vẻ: Hồi ấy mà mình không “khùng” thì “lấy cớ” gì về Hà Nội được. Hơn nữa, dù gì đi chăng nữa thì mình cũng “hạ sát” được một quan chức không nên có của một xã hội. Chứ để tay ấy, dân và mình không biết còn khổ đến bao giờ.   

Cũng lại chuyện “không đầu hàng hoàn cảnh” của anh “ký giả” huyện lẻ tên H. Anh này cũng là tay “ngang bướng” số 1 của huyện. Hồi còn làm “ký giả” huyện lẻ, anh được phân quản lý địa bàn của 2 xã TS. và TQL của huyện.

Xã này được cấp kinh phí để mở đường, với số tiền lên đến cả chục tỷ. Mở thầu, chả biết họ tổ chức “quân xanh, quân đỏ” thế nào mà một tay doanh nghiệp kém uy tín nhất đã được thầu. Có thầu, thông đồng với một số lãnh đạo huyện, hắn “giản lược” công trình.

Phát hiện ra, anh đeo bám, và đưa thông tin lên báo tỉnh. Báo tỉnh đăng, tay này “làm mình, làm mẩy”, nhờ quan hệ hắn tác động gây sức ép với anh. Nguy cơ mất việc trong tầm tay, không đầu hàng, bằng sự liên hệ, anh đã kéo được mấy cậu bạn học đang làm ở báo trung ương lên.

Bằng sự sát cánh nhịp nhàng giữa “ký giả” huyện lẻ và ký giả trung ương, thông tin tiếp tục bị phanh phui. Cực chẳng đã, tỉnh đã phải cử người vào cuộc. Cuối cùng “trong cuộc chiến” này, anh đã chiến thắng. Số tiền liên kết để rút lõi công trình lên quá cao, tay doanh nghiệp kia đã lâm vòng lao lý còn danh tiếng của anh đã ra đến tận tỉnh.

Giờ, với khả năng và cá tính của mình, anh đã được tỉnh rút ra làm trưởng phòng bạn đọc của cơ quan ngôn luận tỉnh. Anh bảo, cũng may, nhờ có vụ “đánh nhau” ấy mình mới ra được tỉnh. Giờ có vụ việc nào, cái hạnh phúc nhất của anh là thường được các ban ngành đến “xin ý kiến” để xử lý.

Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Xin lược ghi lại ít chuyện “ký giả” huyện lẻ. Như một nhát cắt về sự phong phú của nền báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đơn Thương

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/ky-gia-huyen-le-a70468.html