Nhà báo “30A”

Vốn là người tật nguyền, nhưng với ước mơ cháy bỏng là được viết và được làm báo, không qua một trường lớp nào, bằng việc tự học và tập viết chị đã trở thành một nhà báo nghiệp dư, một cộng tác viên thân quen của Báo Hòa Bình và nhiều báo của Trung ương.

Một cơ thể tật nguyền

Từ những bài viết mang tính phản ánh đơn thuần về mọi mặt của xã hội buổi đầu đến với nghề, nay chị đã đi sâu vào các vấn đề gai góc hơn của xã hội như đấu tranh chống tiêu cực, lên tiếng bảo vệ dân lành. Với cả trăm bài báo đã được đăng tải chị còn được người dân gọi bằng danh từ hết sức thân thiện: “Nhà báo 30A” (Nghĩa là nhà báo của vùng đặc biệt khó khăn - NV).

Chị có cái tên khá hay nhưng cũng khá nao buồn: Xa Lệ Thủy. Chị sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đà Bắc heo hút của tỉnh Hòa Bình.

Mẹ chị Thủy nguyên là phó bí thư huỵện ủy. Sinh ra trong một gia đình mà người mẹ vốn được coi là có chức tước và học vấn trong huyện nên cuộc sống thời thơ ấu của chị cũng khá thuận. Có điều kiện đi học, có thời gian đọc sách và vốn là người ham đọc, ham tìm hiểu nên chị Thủy học khá giỏi. Cấp III trường huyện hết, vốn là người ham mê các công tác phong trào nên sau đó chị Thủy đã lao đơn vào trường Cán bộ đoàn.

Niềm vui cùng những số báo mới nhất các tòa soạn gửi về.

Học xong, chị yêu. Theo tiếng gọi của trái tim, chị đã không về quê mà tìm vào một miền đất heo hút hơn, xa xôi hơn đó là huyện Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum.

Tại miền đất mới này, với sự năng động, với hiểu biết của mình chị đã nhanh chóng trở thành cán bộ đoàn gương mẫu rồi sau đó được Hội phụ nữ tỉnh xin sang làm cán bộ. Cuộc đời, sự nghiệp đang phơi phới, hứa hẹn thêm cho chị những triển vọng thì không ngờ bạo bệnh đã đến cùng chị.

Sau một ngày nắng nôi đi cơ sở trở về nhà chị đã ngã vật ra. Mọi người đưa chị đi cấp cứu, bệnh viện tỉnh bó tay, chị được chuyển cấp tốc ra Hà Nội, vào Bệnh viện Xanh Pôn (L'Hôpital de Saint-Paul). Tại đây, sau khi chẩn đoán, các bác sỹ cho biết chị sẽ sống được nhưng chắc chắn sẽ mắc dị tật là liệt người.

Hai tháng nằm bệnh viện, mái tóc dài rụng sạch, cơ thể còn vỏn vẹn 29kg, sức khỏe mất đến gần 40%, do điều kiện có hạn chị được gia đình chuyển về quê. Sau nửa năm điều trị, người toàn thuốc với nước truyền, chị được “tại ngoại” cùng gia đình với một di chứng liệt nửa người. Cái đau khổ nhất là cánh tay phải, cánh tay cầm bút của chị không còn sử dụng được nữa.

Sau khi rời bệnh viện, với di chứng, chị đã hụt hẫng hoàn toàn. Chị chông chênh đi trên sợi dây nối giữa hai suy nghĩ là chết và sống nhưng lúc đó suy nghĩ về cái chết đã đến nhiều hơn với chị. Ai cũng bảo chị khó vượt qua, ai cũng thương tiếc cho số phận một cô gái…

Nghề báo và sự cứu rỗi

 Ủ uột mãi, thế rồi nguồn sống cũng đã nhen nhúm lên trong chị khi chị tìm thấy những điều kỳ diệu trên mỗi trang báo, mỗi bài viết mà chị thường đọc để giải khuây, để “giết thời gian” khi không còn hứng sống nữa.

Không chỉ đọc đơn thuần mà chị còn mong ước mình sẽ trở thành người viết báo. Cứ đọc, cứ hun đúc và nuôi dưỡng ý chí như vậy chị ngẫm: Muốn đến được với nghề này trước tiên là phải sống được đã.

Để sống, chị bắt đầu bước vào một hành trình chinh phục được chính bản thân mình. Từ một cơ thể tật nguyền, nằm một chỗ, tất cả các sinh hoạt đều phải nhờ đến người thân chị Thủy bắt đầu tập đi.

Một con người đã biết đi, bị liệt, nay có tuổi thì việc “tập đi” là cả một cực hình với chị. Với hai cây tre được buộc trước nhà chị miệt mài lao vào luyện tập, lê từng bước nhọc nhằn.

Nay đã đi lại được nhưng chị không sao quên được những buổi đầu tập đi sau thời gian nằm liệt giường của mình. Ngày ấy, chỉ cần lê hai, ba bước thôi chị đã ngã lăn quay ra đất, mặt đầy đất cát, bọt mép sùi ra, nằm thở phì phò. Thế nhưng để có thể đến được với nghề báo nên chị đã không nản. Và chị đã đi được sau đó một thời gian.

Viết và sống, sống và viết là niềm đam mê và cho nữ ký giả Xa Lệ Thủy sống lại lần nữa.

Đi được rồi, thế nhưng để đến với nghề thì chị lại phải tập viết. Vì bàn tay phải bị liệt nên chị phải tập viết bằng tay trái. Do có dị tật nên buổi đầu cầm bút với tay trái của chị cũng thật hết sức khó khăn.

Ngày ấy, chỉ viết được chục từ là bàn tay trái của chị lại bị chuột rút, co quắp và nhức buốt đến tận xương tủy. Thế nhưng vẫn một ước mong chị say sưa rèn luyện. Những con chữ ngô nghê, siêu vẹo định hình dần rồi trở nên sạch đẹp. Chị mừng rơi nước mắt vì những thành công ban đầu của mình.

Khi đã đi, đã viết thạo, chị đánh đường lên Ủy ban huyện, gặp những người quen của mẹ mình xin tài liệu. Khi được họ hỏi, chị trình bầy ý định, ai cũng lắc đầu ngao ngán. Người ta cho chị sắp dở hơi vì theo họ nghề báo đòi hỏi những con người hoàn thiện về cơ thể. Những người khỏe khoắn có tài đã mấy ai đến được với nghề ấy đâu!?

Chị mặc, tập tễnh lê cái cơ thể tật nguyền cùng mớ tài liệu mà mấy người mủi lòng đã cho về nhà. Đốt đèn, đọc, nghiền ngẫm tìm cấu tứ chị bắt đầu dặt bút.

Tưởng đơn giản, thế nhưng việc đánh vật với câu chữ, việc viết báo thật cũng không dễ. Cứ viết, không thấy ưng ý lại gạch, thậm chí là vò xé cả những trang bản thảo thế rồi hai bài viết đầu tay được chắt lọc từ mớ tài liệu xin được cũng hoàn thành.

Cẩn thận, chị chép lại rồi xin mẹ mấy nghìn bạc lẻ tập tễnh tìm tới bưu điện huyện. Phong bì được dán, địa chỉ gửi là Báo Hòa Bình chị trở về và mong đợi hy vọng.

Không ngờ, tuần sau niềm vui đã đến cùng chị. Hai bài ấy được đăng cả, đăng gần như trọn vẹn, ngoài báo biếu, thư của ban biên tập chị còn được cả tiền nhuận bút nữa. Niềm vui được nhân đôi, từ đây, ngoài công việc viết báo chị đã có nguồn sống cho mình ấy là những đồng nhuận bút.

Từ những bài quẩn quanh ở huyện nhà, để có những bài viết hay hơn, sống động hơn chị tìm tới các huyện bạn trong tỉnh.

Không thẻ, không giấy giới thiệu, đến đâu chị cũng thật thà đề xuất ý kiến. Và với sự thật thà, chất phác cùng cơ thể tật nguyền đã cho chị một lợi thế, ở đâu chị cũng được người ta cung cấp số liệu.

Để có những bài viết hay, các địa danh trong tỉnh như: Mai Châu, Đồng Chum, Tân Pheo… chị đã thuê xe ôm lội khắp.

Từ là cộng tác viên của báo tỉnh, bằng sự trải nghiệm, chịu khó học hỏi chị đã dần trở thành cộng tác viên của các báo trung ương. Có những lần, chị thuê xe ôm vào tận chợ Bờ viết bài. Cả đi lẫn về mất 150 nghìn tiền xe ôm, nhuận bút được 200 nghìn, lợi nhuận bỏ ra không được bao nhiêu nhưng chị Thủy rất vui vì mình đã trở thành người có ích, giúp người dân đưa được tâm nguyện, bức xúc của mình đến với các cấp ngành.

Tuy là một người làm nghề nghiệp dư nhưng hiện nay với cách viết, cách “đưa đẩy vấn đề” chị đã trở thành người làm báo chuyên nghiệp thực thụ.

Đọc những bài viết của chị, nhiều người đã qua trường qua lớp, có bằng nọ, thẻ kia đều phải quý trọng. Nghề báo đã cho chị sống và sống để đến với nghề nên hiện nay cái tên Lệ Thủy đã trở thành quen thuộc của nhiều bạn đọc, nhất là với độc giả của tỉnh Hòa Bình.

Từ một người tật nguyền, với việc yêu thích nghề báo và luôn xác định mình là “gạch nối” giữa dân và chính quyền, hiện tại nữ “30A” đã có thương hiệu thật sự.

Để đáp ứng cho công việc của mình, chị đã thuê hẳn một người xe ôm với lương tháng được trả là 300 nghìn. Có việc gì, có thông tin gì, chỉ cần ới một cái là chị có thể lên đường.

Với “thương hiệu”, với tín nhiệm mà người đọc dành cho, “hữu xạ tự nhiên hương”, hiện nay có bất cứ việc gì đã rất nhiều ngoắc máy gọi đến chị. Trao đổi, thấy làm được, không nề hà chị lại lên đường đến với họ ngay.

Chị Xa Lệ Thủy (người mặc áo đỏ) trong một lần đi tiếp xuce với dân để lấy số liệu cho bài điều tra ở xã miền núi Tân Minh (Yên Lương, Phú Thọ)

Đôi lời tâm sự

Gặp chị Thủy tại mảnh đất Đà Bắc, sau khi chị vừa “lội” một vòng trong khu lòng hồ thủy điện Hòa Bình tìm tư liệu để sắp tới đây sẽ trình làng những bài viết tiếp theo, ngày báo giới đến gần, tôi hỏi, chị tâm sự: Tôi sẽ đi đến cuối đời với nghề này. Nghề này là “ân nhân” của tôi, nó đã hồi sinh lại đời tôi, nhiều lúc tôi đã coi mình là vứt đi. Nhờ nghề, nhờ những bài viết của mình tôi đã có thêm bạn, nhiều nhất đó là những người lao động, người nông dân đang sống quanh tôi.

Tôi hỏi chị có tâm sự gì về nghề với giới trẻ, với đồng nghiệp, sau một hồi suy ngẫm chị nói: Làm nghề nào cũng cần khiêm tốn và học hỏi, đặc biệt với nghề viết báo thì càng cần phải khiêm tốn, càng cần phải học hỏi. Đừng cho mình là to tát, đừng cho mình là quan trọng, mình cũng giống như một người nông dân, chỉ khác là người nông dân làm ra hạt thóc còn mình “làm ra” câu chữ có thông tin…

 Câu nói có trải nghiệm, đầy tâm huyết, đầy kính trọng về cái nghề mà mình đang theo của chị chợt làm cho tôi nhớ đến một câu nói: Rất nhiều điều vĩ đại đều bắt đầu từ những cái và con người ta cho là đơn giản nhất.

Điều này thật đúng với hoàn cảnh của “nữ ký giả 135” Xa Lệ Thủy và chợt cho tôi thấy thêm mình càng phải yêu nghề hơn.

Đơn Thương

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nha-bao-30a-a70510.html