“Chỉ cần tù oan 1 ngày là đã tan nát cả 1 cuộc đời”!
PV: Không ít vụ án oan sai kéo dài cả thập kỷ và chuyện “con thỏ bị tuyên là con gấu” gây bức xúc trong dư luận. Ông có trăn trở gì trước những vụ án oan, sai gần đây?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Bấy lâu nay, chúng ta đã cố gắng giảm thiểu nhằm tiến tới chấm dứt nạn án oan. Nhưng rồi án oan vẫn liên tiếp xảy ra. Vụ sau lại kinh hoàng hơn vụ trước.
Trên thực tế, có nhiều vụ oan lớn, mà nổi bật là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, tù oan đến hơn 10 năm, vụ đó vừa được giải quyết thì lại xuất hiện vụ ông Huỳnh Văn Nén tù oan đến hơn 17 năm. Ông Nén còn được báo chí mệnh danh là “người tù thế kỉ”. Nghe xót đến tận đáy lòng.
Trong suốt 10 năm kêu oan cho con trai, cụ Huỳnh Văn Truyện đã phải bán hết nhà, đất, tài sản để lấy tiền, đi kêu suốt từ Cà Mau tới Hà Nội. Lại càng hãi hùng khi vụ việc đó đã biết sai từ năm 2.000, vậy mà 15 năm sau mới được làm rõ. Tôi vẫn ám ảnh về câu nói rất sâu sắc của ông Nén: “Chỉ cần tù oan 1 ngày là đã tan nát cả 1 cuộc đời”!
PV: Vụ bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước sau khi bị tuyên y án khiến dư luận ám ảnh “cái chết nơi sân tòa”. Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra án oan sai là do yếu tố con người, ông nhận định sao về điều này?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Hoàn toàn đúng. Chính con người làm nên oan sai. Sai ở khâu điều tra. Sai do sơ xuất. Còn sai do người ta cố tình làm sai lệch. Quan tòa lại không nghiên cứu kỹ, thế là sai lầm nghiêm trọng. Nói đến tính nghiêm cẩn trước khi đưa ra 1 phán quyết liên quan đến sinh mệnh của 1 con người, tôi nhớ đến bài thơ Salvador Allende của nhà thơ Nga nổi tiếng thế giới Epghenhi Eptusenko. Salvador Allende là Tổng thống Chi Lê. Có lần người ta trình lên Salvador Allende danh sách 100 kẻ được coi là phiến loạn, yêu cầu Salvador Allende ký lệnh tử hình. Salvador Allende không ký mà yêu cầu phải kiểm tra thật kỹ lưỡng bởi vì: “Chỉ một sai lầm thôi, một sai lầm rất nhỏ/Làm chín mươi chín cái đúng kia có thể bị nghi ngờ/Máu oan khuất đổ trên con đường đúng/Làm bản thân con đường có thể hóa bùn nhơ…”.
Chúng ta phải phấn đấu làm sao để hạn chế thấp nhất những oan sai. Chỉ 1 oan sai cũng đã đủ để người dân và cộng đồng quốc tế nghi ngờ tất cả những gì mà chúng ta nói là tốt đẹp.
Đánh vỡ một cái phích cũng phải đền, đánh vỡ cả một đời người ta sao lại “hạ cánh an toàn” được?
PV: Dưới góc nhìn của một thi sĩ, ông có đồng tình quan điểm người gây án oan phải bỏ tiền túi bồi thường thì mới hạn chế được tình trạng xử oan sai?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa:Tôi tán đồng với ý kiến ông Trần Nhuận Minh. “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài/Câu nói người xưa đâu có sai”. Cứ theo cách tính của Bác thì 17 năm tù oan của ông Nén bằng hơn 6.205 năm. Vậy mà chỉ xin lỗi trong 30 phút và lấy tiền thuế của dân ra bồi thường mà được ư? Không thể đổ sai lầm đó cho Nhà nước hay cho dân để lấy tiền của dân ra mà đền. Lấy tiền thuế của dân ra để chi trả cho sai lầm của quan tòa là giải pháp không thể chấp nhận được. Chỉ có “vừa đá bóng vừa thổi còi” mới yên lòng với cách xử sự vô lý như vậy. Đi làm nhiệm vụ của Nhà nước, vào nghỉ tại nhà khách cơ quan, nếu vô ý đánh vỡ 1 cái phích, anh vẫn phải bỏ tiền túi ra mà đền. Vậy đánh vỡ cả một đời người ta, làm sao anh lại “hạ cánh an toàn được”?.
Sở dĩ án oan sai không hề giảm là vì chế tài của ta không đủ sức răn đe. Vẫn “giơ cao đánh khẽ”, nếu oan sai cứ lấy tiền của ngân sách ra để bồi thường – tức là “của bà vãi đãi ông sư”, người xử án oan có mất tiền đâu mà “quan ngại”. Việc cho đến tận bây giờ, Nhà nước ta vẫn “quá gượng nhẹ” với các quan tòa xử oan cho dân, kể cả oan kinh hoàng là tử hình đã làm cho người dân có nơi, có lúc, có trường hợp mất tin tưởng vào sự công minh của pháp luật.
Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định: “Nếu xử oan sai một vụ án thì người xử oan phải chịu 50% mức tù mà chính người đó đã tuyên và phải trả 50% tiền bồi thường cho nạn nhân. Công an điều tra làm sai lệch hồ sơ cũng phải chịu mức phạt như vậy. Nếu tử hình oan thì người xét xử cũng phải tù từ 15 đến 20 năm và tù đúng như tử tù (nghĩa là ở phòng giam vẫn bị cùm chân) và trả 75% tiền bồi thường cho nạn nhân.
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)
PV: Trăn trở với từng phận người đã bị hàm oan cũng như hệ lụy từ những vụ án oan sai khiến dư luận bức xúc, ông có ý kiến gì để ngăn ngừa, hạn chế nạn án oan?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định: “Nếu xử oan sai một vụ án thì người xử oan phải chịu 50% mức tù mà chính người đó đã tuyên và phải trả 50% tiền bồi thường cho nạn nhân. Công an điều tra làm sai lệch hồ sơ cũng phải chịu mức phạt như vậy. Nếu tử hình oan thì người xét xử cũng phải tù từ 15 đến 20 năm và tù đúng như tử tù (nghĩa là ở phòng giam vẫn bị cùm chân) và trả 75% tiền bồi thường cho nạn nhân. Như thế vừa có lí, lại vừa có tình. Và nếu ta đưa điều đó vào luật và luật đó có hiệu lực, tôi tin chắc rằng, việc gây ra những “Lệ chi viên” ở thời đại tốt đẹp của chúng ta, chả cần phải “quán triệt” hay “học tập” gì, nhất định sẽ giảm hẳn, thậm chí sẽ vĩnh viễn mất hẳn.
PV: Xin cảm ơn ông!
Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải cũng như vụ ông Lương Hữu Phước tự tử ngay tại trụ sở tòa án ngay sau khi nghe tuyên án. Đó là hành động tiêu cực, nếu mỗi người am hiểu pháp luật tốt hơn thì sẽ có lựa chọn là kháng cáo hoặc kiến nghị theo quy định của pháp luật khi không tán thành với phán quyết của tòa. Từ những vụ án này, các cơ quan nội chính cần dũng cảm nhìn thẳng vào cái sai, thấy sai, nhận sai, dám giải quyết cái sai.
Để giảm thiểu án oan sai, quan trọng nhất là phải bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ được đối xử theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” một cách triệt để theo tinh thần Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tôi lấy ví dụ vụ Hồ Duy Hải, không có chứng cứ trực tiếp, chỉ có chứng cứ giám tiếp và áp dụng nguyên tắc có tội nên quá trình tố tụng xảy ra nhiều sai sót khiến VKSND Tối cao và Quốc hội phải vào cuộc. Nếu 1 người mà bị xử oan, bị tước đi mạng sống thì không bao giờ làm lại được vì vậy mỗi một quyết định đưa ra phải rất cẩn trọng.
Còn về đề xuất của nhà thơ Trần Đăng Khoa, theo quan điểm của tôi, giải pháp đó mang “tính chất thi sĩ”. Nguyên tắc xử lý án oan là “phạm ra thì ta vào”- 1 người bị xử oan sai thì người gây ra oai sai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (giống như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn). Bên cạnh đó, tùy theo mức độ nặng, nhẹ mà quy trách nhiệm cho những người gây ra án oan sai bồi thường một phần hoặc toàn bộ.
(Ông Nguyễn Bá Thuyền nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng)
Hiện nay, nguyên tắc “suy đoán vô tội” là cơ bản của pháp luật hình sự quốc tế và của đa số các quốc gia dân chủ và văn minh. Pháp luật Việt Nam quy định, quyền của người bị tạm giữ có luật sư, nhưng nhiều trường hợp vẫn không được bảo đảm; chưa kể có định kiến, thành kiến đối với bị can, bị cáo, không theo tư duy “suy đoán vô tội”. Tôi nghiên cứu một số vụ án oan, sai nổi lên các vấn đề đó là công tác khám nghiệm hiện trường rất yếu, thu thập chứng cứ không đầy đủ. Đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan rất khác nhau. Chính vì vậy mà nhiều vụ án kéo rất dài.
Liên quan đến đề xuất của nhà thơ Trần Đăng Khoa, theo tôi đó là giải pháp hướng đến trách nhiệm của những người “cầm cân nảy mực”, nêu cao trách nhiệm của cán bộ. Mục tiêu cao nhất của nền tư pháp văn minh là xử đúng người đúng tội. Một vụ oan sai sẽ để lại hậu quả nặng nề trong xã hội, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Đề xuất của nhà thơ Trần Đăng Khoa có vẻ “trên trời” nhưng là yêu cầu thực tiễn đặt ra là phải phạt thật nặng, răn đe những người gây oan sai. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong các cơ quan tố tụng, giám sát thường xuyên việc thi hành nhiệm vụ nhằm hạn chế đến mức tối đa xảy ra những án oan sai.
Lâu nay, dư luận không đồng tình khi đền bù oan sai bằng ngân sách chứ không phải từ người gây oan sai. Vì ngân sách là tiền đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, theo luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, khi công chức, viên chức nhà nước gây oan cho công dân, trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những trường hợp oan sai thì quy định bồi thường trước cho người oan sai là hợp lý.
Nhà nước cũng có quyền yêu cầu công chức, viên chức của mình có hành vi đó phải bỏ tiền túi đền lại ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người thi hành công vụ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng cần nói thẳng ra rằng, dù ở nước ta xảy ra nhiều vụ xét xử oan sai do khâu tố tụng, song đến nay việc bồi thường vẫn chỉ từ ngân sách và chưa có ai phải bỏ tiền túi ra đền.
Vấn đề phải bàn ở đây là chúng ta cần có cơ chế để buộc cán bộ công chức phải có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại do mình gây ra. Chúng ta không phải thiếu luật mà chỉ thiếu cơ chế thực hiện luật!
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nuoc-mat-sau-nhung-ban-an-oan-sai-va-trach-nhiem-cua-nguoi-cam-can-nay-muc-a70512.html