Xin tòa đừng thờ ơ trước lời khai… bị ép cung, nhục hình

Là phóng viên pháp đình, tôi không lạ gì với cảnh nhiều bị cáo ra tòa kêu bị cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình. Họ nói buộc phải khai không đúng sự thật. Việc này dù hi hữu, song không phải là không có.

Thực tế, những vụ án oan sai cũng xuất phát từ việc cán bộ điều tra mớm cung, ép cung, thậm chí đánh đập, dùng nhục hình để buộc bị cáo khai báo theo hướng của điều tra viên.

Điển hình là những vụ án oan sai nổi tiếng, tốn kém không ít giấy mực của các cơ quan thông tấn báo chí như vụ người tù thế kỷ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm…Những vụ án này, được dư luận cho rằng pháp luật bị bẻ cong, cán cân công lý bị xô lệch.

Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được minh oan

Đã mấy năm được minh oan, nhưng chỉ cần ai đó nhắc đến từ “oan” cũng có thể khiến ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961 tại Bắc Giang) bật khóc. Gần 20 năm, sau cái ngày “vô phúc đáo tụng đình”, có nhiều việc ông Chấn đã quên nhưng riêng việc bị ép cung nó thành nỗi đau ăn sâu vào tâm trí, chạm vào vẫn thấy nhói đau.

Ông Chấn từng chia sẻ, trực tiếp điều tra viên Nguyễn H.T., điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ. “Điều tra viên L. hỏi: Mày có khai không, tao cho mày chết. Một điều tra viên khác đánh tôi, bắt tôi tập đi tập lại các động tác từ trong trại giam để đi thực nghiệm tại hiện trường”. Những người không làm đúng chức trách đã phải trả giá, nỗi đau thành sẹo để nhắc nhớ cùng thời gian.

Trường hợp thứ hai là "vụ án vườn điều" của ông Huỳnh Văn Nén. Bị cáo buộc là hung thủ gây ra vụ giết người nhưng cuối cùng, ông Nén đã được minh oan. Lịch sử tố tụng Việt Nam chưa bao giờ ghi nhận 1 vụ oan sai kỳ lạ như vụ của ông Huỳnh Văn Nén.

Ông Huỳnh Văn Nén hạnh phúc trong ngày đoàn tụ với người thân.

Dù bị đánh đập, ép cung, mớm cung cỡ nào nhưng do không làm, không biết gì nên ông Nén bất hợp tác. Chính vì thế, từ tháng 6 đến tháng 10/1998, CQĐT mà cụ thể là điều tra viên Cao Văn Hùng đã “quay” ông Nén như chong chóng. Suốt 4 tháng trời ông Nén bị hỏi cung gần như mỗi ngày. Và trong 1 thoáng “mềm lòng”, ông Nén đã nhận tội để thoát án tử hình (trong vụ bà Bông) như lời phỉnh dụ của điều tra viên.

Hình ảnh còn mãi day dứt với những ai tham dự phiên xét xử vụ án “vườn điều” ngày 11/3/2005. Để chứng minh cho việc bị điều tra viên Cao Văn Hùng nhiều lần dùng nhục hình, bức cung để buộc khai nhận tội, ông Nén cởi áo ném xuống nền nhà và quay đi quay lại nhiều lần chỉ những vết sẹo đã mờ trên cơ thể khẳng định đã bị điều tra viên đánh đập.

Khổ sở không kém là "người tù xuyên thế kỷ" Trần Văn Thêm (82 tuổi, ngụ thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ngay khi vừa thoát nạn cướp, ông gặp ngay án… tử hình khi bị công an phủ đầu bằng một câu xanh rờn “Chính mày là thủ phạm giết em mày nhằm cướp của. Vết thương trên đầu mày là bị em mày đánh lại”, ép ông nhận tội. Ông Thêm nhất quyết từ chối, kêu oan. Tuy nhiên, trước những trận đòn thừa sống, thiếu chết của cán bộ điều tra, ông đành phó thác cho số phận, nhắm mắt ký vào bất cứ văn bản nào mà cán bộ điều tra đưa ra.

"Người tù thế kỷ" Trần Văn Thêm.

May thay, sau hành trình gian nan kêu oan cùng sự hậu thuẫn đắc lực từ gia đình, các luật sư và báo chí, "người tù thế kỷ" đã được minh oan. Những cán bộ điều tra viên có hành vi ép cung, mớm cung, dùng nhục hình đã bị đưa ra xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.

Cách đây không lâu, PV tham dự 1 phiên xét xử vụ án giết người, có bị cáo khăng khăng rằng mình bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung. Tại công đường, bị cáo khai bị công an treo ngược lên quạt trần, dùng roi, gậy đánh. Nghe lời khai này, nhiều người dự tòa không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Giải thích cho việc, tại sao ở cơ quan điều tra các bị can, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội nhưng ra đến tòa lại kêu oan. Các bị cáo đều trả lời “bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung, mớm cung. Vì quá đau đớn, không thể chịu được những trận đòn roi oan nghiệt, sợ rằng sẽ chết không có cơ hội kêu oan, các bị cáo đành nhắm mắt ký và chờ ngày được ra tòa, mới dám nói hết sự thật”. Từ đó mới thấy, các bị cáo mong mỏi phiên tòa công khai như thế nào...

Có một thực tế là khi bị cáo khai bị dùng nhục hình, ép cung, HĐXX luôn yêu cầu phải có bằng chứng, nhưng một phạm nhân đang bị tạm giam thì lấy đâu ra bằng chứng?. Và thế là câu chuyện bị can, bị cáo “tố” cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình bị gác sang một bên.

Quay trở lại 3 vụ án oan nổi tiếng trong lịch sử tố tụng Việt Nam ở trên, nếu như ngay tại thời điểm xét xử, HĐXX lưu tâm đến những lời thỉnh cầu, lời kêu oan, tố cán bộ điều tra đánh đập, ép cung mà mở cuộc điều tra thì có lẽ sẽ không dẫn đến những nỗi oan sai kéo dài.

“Chốn công đường” đơn giản là nơi xét xử những người vướng vòng lao lý, có tranh chấp. Riêng tôi, lại nghĩ đó cũng là nơi người ta tìm kiếm sự công bằng, tìm công lý khi phải chịu hàm oan. Vì vậy xin tòa đừng thờ ơ trước những lời khai bị…ép cung, nhục hình!

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/xin-toa-dung-tho-o-truoc-loi-khai-bi-ep-cung-nhuc-hinh-a70724.html