Đội hỗ trợ sơ cứu Fas Angel được anh Phạm Quốc Việt (SN 1987) thành lập từ ngày 18/9/2019 với 5 thành viên, đến nay, đã phát triển thành 55 thành viên. Với tôn chỉ “Không bỏ rơi ai cả”, “biệt đội” Fas Angel luôn xuất hiện cùng hình ảnh áo xanh có đính băng tay chữ thập đỏ và túi đồ cứu hộ chứa đầy dụng cụ y tế, đã tình nguyện sơ cứu cho hơn 2.000 người bị tai nạn giao thông trong hành trình gần một năm qua.
Ban ngày, anh Việt cùng các đội viên chạy xe ôm công nghệ, đêm đến đi cứu người. Chúng tôi theo chân anh Việt cùng đồng đội trong một ca làm việc. Bên vỉa hè đầu đường Nguyễn Xiển, đêm hè oi bức khiến ai nấy đều vã mồ hôi. Anh Việt gọi một cốc trà đá, thong thả chia sẻ lý do thành lập đội.
Anh Phạm Quốc Việt.
“Năm 2016, trên cung đường vùng núi phía Bắc, tôi từng bị một người phụ nữ đi xe máy cùng chiều đâm phải. Cả hai bị thương nặng, gần như bất tỉnh giữa trời mưa to. Có rất nhiều người đi qua, tôi liên lục ra hiệu, nhưng không ai quay lại cứu giúp. Lúc đó, tôi vô cùng hụt hẫng và có suy nghĩ hay là bỏ cuộc, cứ nằm đó chờ chết. Tôi vẫn cố quan sát người phụ nữ kia, bạn ấy bị nặng hơn, trong lòng tôi rất muốn giúp nhưng lại không thể làm gì. May mắn, cuối cùng cũng có người dừng lại cứu tôi...”, anh Việt hướng ánh nhìn xa xăm về phía dòng xe tấp nập.
May mắn trong lần tai nạn đó chính là nguồn cảm hứng để anh quyết định tình nguyện cứu giúp những người bị nạn vào ban đêm. Khoảng thời gian từ năm 2017 đến tháng 9/2019, anh làm công việc này một mình.
Sơ cứu cho một người bị nạn.
Bản thân từng có thời gian trong quân ngũ, được đào tạo về kỹ năng sơ cứu - cấp cứu, lại có truyền thống gia đình làm nghề y, nên anh Việt có được những kiến thức, kỹ năng nhất định để sơ cứu cho người bị nạn.
Các thành viên trong đội được chia ca trực, khoảng 4 người mỗi đêm, được anh Việt quản lý, điều phối bằng một phần mềm trên điện thoại. Trước 22h mỗi đêm, các thành viên lại gặp mặt nhau tại nút giao Nguyễn Xiển để họp bàn trước khi toả đi khắp các tuyến đường Hà Nội. Khi nhận tin có tai nạn và tiếp cận được hiện trường, việc đầu tiên của các tình nguyện viên, thành viên trong nhóm là chụp ảnh nạn nhân gửi vào nhóm chat chung. Các bức ảnh sau đó được chuyển đến công an, người nhà nạn nhân để họ nắm tình hình. Ngoài ra, đó còn là căn cứ giúp trưởng nhóm nhận định tình trạng của người gặp nạn để điều phối và tư vấn cho người ở hiện trường.
Các thành viên của Fas Angel được tổ chức Kỹ năng sinh tồn Việt Nam thường xuyên đào tạo kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu. Bên cạnh đó, anh Việt cũng trực tiếp đào tạo các thành viên mới với tần suất 3 buổi/tuần, thành viên cũ 1 buổi/tuần để liên tục trau dồi, phục vụ kiến thức, kỹ năng cho những đêm rong ruổi cứu người khắp Hà thành.
Một buổi tập huấn của đội
Đang say sưa trò chuyện, “thủ lĩnh” Fas Angel nhận được tin báo có người gặp tai nạn tại 219 Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy). Anh gọi điện, nhờ người báo tin chụp 3 bức ảnh hiện trường và ảnh nạn nhân để anh kịp thời phán đoán tình hình và gửi cho phía công an. Thông qua thiết bị định vị, anh chỉ đạo thành viên nhóm gần hiện trường nhất đến hỗ trợ. Sau đó, anh cùng 2 thành viên khác ngay lập tức cũng di chuyển.
Khi theo chân anh Việt đến hiện trường, chúng tôi thấy những thành viên đến trước đã dùng 2 thanh gỗ cố định chân bị thương của nạn nhân, đồng thời trấn an tinh thần, bảo vệ tài sản và hỗ trợ công an làm công tác hiện trường. Một thành viên trong nhóm cố gắng liên lạc với người nhà nạn nhân, nhưng bấm đi bấm lại vẫn chưa thấy ai bắt máy. Anh Việt chốc chốc lại hướng ánh mắt lo lắng về phía nạn nhân, chờ taxi đến. Khi khiêng người bị nạn lên taxi để đưa đến bệnh viện, những “thiên thần không cánh” này cũng không quên soạn đầy đủ đồ đạc, tài sản, tỉ mỉ từ đôi dép đến ví tiền cho nạn nhân.
Đó chỉ là một phần nhỏ trong những đêm không ngủ của “biệt đội” Fas Angel. Anh Việt cho biết, mỗi ngày thường có khoảng 4 ca như vậy, nhưng cũng có đêm, đội anh gặp đến 14 ca. “Nguyên nhân gây ra tai nạn chủ yếu là do rượu bia, chất kích thích, hoặc đi ẩu, không quan sát…”, anh nói và đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán.
Xong xuôi, các thành viên lại trở về quán trà đá tán chuyện vui đùa, anh Việt tiếp tục chia sẻ những kỷ niệm nhớ đời: “Mới đây, trên đường Nguyễn Xiển, chúng tôi bắt gặp một cậu trai trẻ bị nhóm thanh niên chém trọng thương. Tôi đến cầm máu cho cậu ấy, vết thương rất nghiêm trọng. Khoảng 10 phút sau, nhóm thanh niên quay lại, lăm lăm vũ khí trên tay, người dân xung quanh bỏ chạy hết, chỉ còn tôi với cậu ấy ở đó. Mặc dù trong lòng khá sợ hãi, tôi vẫn đứng ra che chắn cho cậu ấy và tìm cách đuổi đám thanh niên kia đi. Sau đó, tôi ngồi bệt xuống đất nghĩ, nếu chẳng may mình bị chém thì không biết phải làm thế nào?!”.
Cũng có những trường hợp, khi các thành viên trong đội cứu hộ đến hiện trường thì nạn nhân không thể cứu chữa. Đó là những mẩu chuyện buồn, nhưng anh vẫn dõng dạc: “Thiên thần có hai sứ mệnh. Trước hết là bảo vệ những người không may gặp nạn, nếu không thể bảo vệ thì sẽ ở bên cạnh để tiễn họ lên thiên đường”. Đó cũng là lời giải thích của anh cho chữ “Angel” trong tên của “biệt đội”.
Giống như nhiều tổ chức tình nguyện khác, đội hỗ trợ sơ cứu Fas Angel cũng gặp phải nhiều khó khăn, mà có lẽ, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính, vì các thành viên đều phải tự bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động.
“Mỗi ngày, các thành viên thường bỏ ra trung bình 40 - 70 nghìn đồng để mua bông, băng gạc phục vụ sơ cứu. Đêm nào gặp nhiều vụ tai nạn thì có khi ngày hôm sau sẽ lại bổ sung thêm hàng trăm nghìn đồng. Mặc dù sáng chạy xe ôm công nghệ, tối đi hỗ trợ người gặp nạn, tự bỏ tiền túi ra duy trì nhưng trên tinh thần thiện nguyện, cả đội không ai suy nghĩ, tính toán gì.
Cũng có một số người bị nạn sau khi được cứu giúp, bày tỏ muốn cảm ơn bằng tiền mặt, nhưng chúng tôi nhất định từ chối. Một số trường hợp nhiệt tình muốn hỗ trợ chúng tôi một phần nhỏ để “nối dài” thêm những điều tốt đẹp, thì sẽ chuyển qua số tài khoản chung của nhóm được công khai trên fanpage Facebook. Tôi không muốn đội mình “mang tiếng” là đội đi xin nên không xin tài trợ ở bất cứ đâu. Dù khó khăn nhưng chúng tôi tự vạch ra những định hướng kinh tế để có thể duy trì hoạt động”, người đàn ông 33 tuổi chia sẻ.
Làm điều tốt nhưng những thành viên Fas Angel không ít lần bị hiểu lầm là người gây ra tai nạn. Anh Vũ Văn Quý (29 tuổi, quê Thái Bình), một thành viên của đội ngậm ngùi: “Có lần, khi vừa đưa nạn nhân vào bệnh viện, người nhà đến nơi trong tình trạng say rượu liền sấn sổ lao vào tôi, nghĩ tôi là người gây ra tai nạn. Đó cũng là phản xạ bình thường! Tôi lại phải giải thích bằng cách cho họ xem ảnh hiện trường, những thông báo trên nhóm chat của đội, chứ nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, có khi tôi lại trở thành bệnh nhân ngay trong đêm đó cũng nên”.
Không chỉ vậy, anh Việt và những người đồng đội còn thường xuyên phải nghe những lời xì xào, bàn tán. “Có người nói chúng tôi là “Bọn rỗi hơi”, “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”... Thậm chí, có người còn nói thẳng mặt chúng tôi rằng “Không có tiền thì làm làm quái gì?”...”, một nét buồn thoáng hiện trong cái nhíu mày của anh Việt.
Thế nhưng, dù có phải nghe thêm bao nhiêu lời lẽ không hay, những thiên thần của “biệt đội” Fas Angel vẫn miệt mài trên khắp phố phường Hà Nội, góp phần mang đến sự bình yên trong mỗi đêm không ngủ.
Đêm về khuya, câu chuyện tan theo những cốc trà đá đang cạn dần. Rời cuộc trò chuyện với chúng tôi, “biệt đội” áo xanh trở lại trên chiếc xe cũ kỹ, mỗi người một hướng, khuất dần trong đêm tối, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của thiên thần.
Bén duyên với Fas Angle trong một lần gặp sự cố trên đường, anh Phan Nhật Quang (SN 1990, quê Hà Tĩnh) hào hứng chia sẻ: “Một lần, tôi bị một nhóm thanh niên vượt đèn đỏ đâm trúng ngay tại ngã tư phố Vọng. Tôi không bị thương nặng, nhưng một cô gái trong nhóm vượt đèn đỏ bị gãy chân. Sau đó, nhóm thanh niên kéo hội nhóm đến đe dọa, định hành hung tôi. Thật may mắn, nhóm của anh Việt và công an đã kịp thời xuất hiện, giải cứu. Sau khi xem xét vết thương cho tôi và sơ cứu cô gái, nhóm đã đưa chúng tôi vào bệnh viện”. Cảm phục trước tấm lòng không quản ngại đêm hôm để cứu giúp người bị nạn, anh Quang gia nhập Fas Angel với mong muốn được giúp đỡ những người không may: “Hiện tại, giúp được người khác là tôi lại thấy “như mở cờ trong bụng”. Mình cứu bạn bè, người thân của người khác, đến khi bạn bè, người thân mình gặp nạn, cũng có thể gặp được người tốt cứu giúp”. Anh tâm sự, có những đêm, đang trong chăn ấm, nhưng đồng đội gọi điện để hỗ trợ vì quá nhiều vụ tai nạn trong một đêm, anh cũng sẵn sàng lên đường |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-dem-khong-ngu-cua-thien-than-ao-xanh-a70852.html