Không thể phủ nhận vai trò của mỹ phẩm trong việc làm đẹp, tuy nhiên chúng có thể trở thành nhân tố dẫn đến tình trạng kích ứng, dị ứng. Trong mùa hè, nhiệt độ cao, thời tiết nóng nực và mồ hôi tiết ra nhiều, khiến mỹ phẩm dễ bị biến chất, gây dị ứng. Đồng thời vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Dị ứng mỹ phẩm là phản ứng khác thường của da khi tiếp xúc với loại mỹ phẩm mà thành phần có chất gây dị ứng (dị nguyên). Dị ứng mỹ phẩm cũng có thể xảy ra do dùng quá liều lượng; dùng sai phương pháp, sai chỉ định; do làn da người sử dụng không dung nạp hoạt chất của mỹ phẩm.
Nguyên nhân gây dị ứng mỹ phẩm
Mỹ phẩm đắt tiền, lành tính không đồng nghĩa bạn sẽ không bị dị ứng, kích ứng. Điều này còn phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, môi trường. Bên cạnh thói quen chủ quan trong việc lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng, chọn nhầm hàng nhái giả, kém chất lượng thì nguyên nhân khách quan là do các thương hiệu hiện nay lạm dụng quá mức các thành phần như mùi thơm, chất bảo quản,...
Một trong những nhân tố không thể bỏ qua chính là retinol - đang được xem là thần dược trong trị liệu và chăm sóc da, giúp giảm mụn, nếp nhăn, hạn chế tổn thương do ánh nắng mặt trời vô cùng hiệu quả. Tuy nhiên, với liều lượng vượt ngưỡng cho phép rất dễ dẫn đến kích ứng, viêm nhiễm nặng.
Các nguyên nhân khác gây dị ứng mỹ phẩm phải kể đến việc liên tục thay đổi các loại mỹ phẩm. Dùng quá nhiều sản phẩm dưỡng da cùng một lúc. Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc không rõ ràng hoặc hàng nhái kém chất lượng. Dùng sản phẩm có chứa nhiều thành phần hóa chất độc hại có nồng độ cao. Ngoài ra, những người có làn da nhạy cảm cũng hay bị dị ứng mỹ phẩm.
Dấu hiệu nhận biết dị ứng mỹ phẩm
Dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất là cảm giác nóng ran, da ửng đỏ, châm chích, nổi mụn. Đây là hậu quả do sử dụng mỹ phẩm không phù hợp với tình trạng da, làm tăng tiết bã nhờn, bịt kín lỗ chân lông, khiến da nghẹt thở. Khi dầu thừa quá nhiều kết hợp với bụi bẩn, hóa chất độc hại sẽ gây viêm nhiễm, làm nổi mụn.
Viêm sưng, mề đay cũng là biểu hiện khá nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe làn da và vẻ ngoài. Da bắt đầu xuất hiện các mảng đỏ diện rộng, kèm theo những nốt mụn li ti, hoặc mụn nhọt, bỏng nước.
Lão hóa sớm: Da khô ráp, bong tróc, xỉn màu và ngày càng xuống cấp. Một số làn da yếu, hệ miễn dịch tự nhiên suy giảm sẽ dễ bắt nắng, dẫn đến sự xuất hiện đồng loạt của các nếp nhăn và tình trạng thâm nám, tàn nhang.
Tình trạng dị ứng thể hiện ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Người bệnh cần biết mức độ bệnh để có cách xử lý kịp thời, tránh làm tình trạng dị ứng nặng thêm: Ban đầu da kích ứng tại chỗ với biểu hiện da đỏ, hơi rát, ngứa. Ở mức độ 2: nổi mụn nước. Mức độ 3 cao hơn sẽ gây nhiễm trùng, mụn mủ. Nặng hơn nữa là mức độ 4: viêm tấy tại chỗ, sưng hết cả một vùng da, đôi khi lan ra toàn thân. Mức độ 5: nếu mỹ phẩm có nhiều chất độc hại, có thể gây loét da.
Xử trí dị ứng mỹ phẩm
Nếu nghi ngờ mình bị dị ứng loại mỹ phẩm nào, đầu tiên là phải ngừng sử dụng ngay loại mỹ phẩm đó. Khi ngưng dùng mà triệu chứng dị ứng vẫn còn thì phải ngừng tất cả các loại mỹ phẩm đang dùng. Sau khi bôi mỹ phẩm, nếu thấy da bị nổi sẩn, ngứa đỏ thì ngừng ngay lập tức, dùng vòi nước rửa cho mạnh để làm sạch mỹ phẩm trên da. Thông thường chỉ cần ngưng dùng mỹ phẩm thì các triệu chứng trên sẽ giảm dần và hết hẳn. Tuy nhiên, một số người có dị ứng ngày càng nặng hơn, cần đi khám chuyên khoa da liễu và phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chữa dị ứng mỹ phẩm. Khi ấy da đang bị tổn thương và mẫn cảm, việc dùng thêm thuốc mà chưa có chỉ định của thầy thuốc sẽ khiến tình trạng dị ứng càng thêm chồng chéo và nặng hơn, việc điều trị càng thêm khó khăn.
Dị ứng mỹ phẩm dễ gặp ở các trường hợp thường xuyên sử dụng nhiều loại mỹ phẩm.
Phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm
Điều cần nhất là tránh lạm dụng mỹ phẩm. Nhớ kiểm tra mỹ phẩm mới mua, thử phản ứng trước khi sử dụng. Phương pháp thử da mặt trong cánh tay: thoa mỹ phẩm vào vùng da trong cánh tay để trong 24 - 48 giờ. Nếu không thấy dị ứng có nghĩa là bạn có thể dùng được loại mỹ phẩm đó.
Phương pháp PUT là phương pháp xác định phản ứng chậm với mỹ phẩm: thoa mỹ phẩm lên vùng da mặt trong cánh tay 2 lần một ngày trong 2 tuần với diện rộng khoảng 5cm2. Nếu quá thời gian trên ở vùng da thoa thuốc không biểu hiện ngứa, hồng ban, nổi mụn nước... thì yên tâm dùng loại mỹ phẩm đó.
Không mua và dùng những mỹ phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Không bao giờ sử dụng lại loại mỹ phẩm đã từng gây dị ứng cho mình.
Để dùng mỹ phẩm an toàn, hãy lưu ý những quy tắc cơ bản: Rửa tay và mặt sạch trước khi trang điểm - đây là cách ngăn ngừa dị ứng cơ bản nhất. Tuyệt đối không trang điểm mắt khi bị đau mắt, hay có biểu hiện ngứa bất thường ở mắt, ở da mặt, da đầu...
Trong quá trình dùng mỹ phẩm phải bảo quản và giữ vệ sinh cẩn thận, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao. Không dùng chung mỹ phẩm với người khác. Bạn cần nhớ rằng mỹ phẩm chỉ đem đến vẻ đẹp bên ngoài. Mọi người muốn có một làn da khỏe đẹp cần chăm tập thể dục, giữ vệ sinh da tóc, uống đủ nước, ăn nhiều rau quả, trái cây, thức ăn chứa nhiều vitamin C, E, không thức khuya, nên tránh ăn thức ăn ngọt béo, hạn chế các gia vị cay nóng...
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/mua-he-de-phong-di-ung-my-pham-a70883.html