Căn nhà đơn sơ của bà Nguyễn Thị Nhọ
PV Người Đưa Tin Pháp luật đã có mặt tại đội 8, xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội để được sẻ chia cũng như lắng nghe những tâm sự nhói lòng của bốn bà cháu đáng thương này.
Theo sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân với nét mặt hiền lành, phúc hậu nơi đây, chúng tôi tìm đến nhà của bà Nguyễn Thị Nhọ. Căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm sâu trong con ngõ nhỏ. Đứng trước cửa nhà, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những đứa trẻ đang nô đùa khá vui vẻ. Song không hiểu có phải vì biết trước hoàn cảnh của các em, chúng tôi bỗng trào dâng cảm xúc xót xa...
Dường như, những tiếng cười trong veo của lũ trẻ đã giúp chúng tôi bớt đi sự mệt nhọc sau một chặng đường dài. Nghe tiếng gọi cửa của chúng tôi, mấy đứa nhỏ tỏ ra ngại ngùng, hướng ánh mắt đầy ngây ngô, lạ lẫm. Chúng tôi bỗng trào dâng cảm xúc xót xa khi bắt gặp những ánh mắt đó...
Dáng người nhỏ bé, bà Nhọ tất tả chạy ra mở cổng và hồn hậumời chúng tôi vào tránh nóng. Ít tiếp xúc với người lạ và tỏ ra ngại ngùng nhưng mấy đứa nhỏ vẫn lễ phép khoanh tay chào chúng tôi.
Lặng nhìn quanh căn nhà, những thứ đáng giá nhất chỉ là chiếc giường cũ bộ bàn ghế ọp ẹp đã sờn màu. Mặc vội cái áo đã rách gấu, sờn vai, bà Nhọ rót chén nước mời chúng tôi.
Bà Nguyễn Thị Nhọ chia sẻ những vất vả mà bà cháu bà phải trải qua với PV Người Đưa Tin Pháp luật.
Nhìn dáng người nhỏ bé cùng nét tinh anh còn lại, không ai nghĩ rằng người bà ấy đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”. Lặng lẽ thở dài, bà tâm sự trong 4 người con, bà thương nhất cô con gái Trần Thị Thịu (1965) là đứa con thứ hai và cũng là cô con gái duy nhất trong số 4 người con: “Con gái tôi sức khỏe yếu lại đi làm trong miền Nam nên mãi đến năm 39 tuổi mới lấy chồng. Sau khi sinh đứa con gái đầu lòng chẳng bao lâu, chồng lại bỏ đi theo người khác. 7 năm sau, con gái tôi đi bước nữa và có thêm một bé gái và một bé trai”.
Dường như, số phận và ông trời muốn thử thách lòng người khi người chồng thứ 2 cũng qua đời vì đau yếu để lại người vợ và mấy đứa con thơ. Cực chẳng đã, bốn mẹ con đành dắt díu nhau về sống ở nhà ngoại.
Kể từ ấy, bà Nhọ cùng người con gái cố gắng làm lụng đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống. Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng bà Nhọ vẫn rất vui vì chứng kiến những đứa cháu của mình lớn lên từng ngày.
Niềm hạnh phúc ấy của bà không kéo dài lâu, bi kịch tiếp tục giáng xuống gia đình bất hạnh. Khổ đau chồng khổ đau, khốn khó chồng khốn khó. Chị Thịu cũng qua đời vì bạo bệnh để lại một đàn con thơ dại không cha, không mẹ. Chứng kiến đôi vai run lên nhè nhẹ, ánh mắt xa xăm nhìn về phía chân trời, chúng tôi có thể hiểu được những khổ ải mà bà Nhọ phải gánh chịu trong suốt những năm qua.
Bà Nhọ luôn đau đáu về tương lai sau này của đứa cháu nhỏ
Cố nén lại nỗi đau, hít một hơi thật dài, bà tâm sự: “Kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, tôi đau đớn vô cùng. Nhưng mọi sự đã rồi, con đã ra đi, tôi vẫn phải cố gắng gượng để lo liệu mọi việc cho chu toàn và làm chỗ dựa cho các cháu”.
Lặng nhìn những đứa cháu nhỏ vô tư nô đùa ngoài sân, bà Nhọ nở một nụ cười hiền hậu. Dành một khoảng lặng để nhìn bà kỹ hơn, chúng tôi chợt nhận ra, dù nụ cười ấy có tươi đến đâu thì ánh mắt bà vẫn buồn tê tái.
Kể từ khi người con gái không may qua đời, bà Nhọ gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của người bà gầy yếu. Ở cái tuổi xế chiều, một bên mắt không còn nhìn thấy gì, bà Nhọ cảm thấy bất lực trước gánh nặng cơm áo, gạo tiền.
“Nhà nghèo mà tôi lại tuổi cao, sức yếu, kiếm đâu ra tiền để nuôi cháu. Ngày ngày, tôi chỉ có thể nấu cho các cháu ăn mì tôm, mì gạo để có thứ lót dạ. Ăn nhiều đến nỗi các cháu tôi không nuốt nổi vì ngán”, nghĩ về các cháu, bà Nhọ không cầm được nước mắt.
Bữa cơm chỉ rau không thịt cá
Bước vào căn bếp của gia đình, tim chúng tôi như bị bóp nghẹt. Bữa trưa của bốn bà cháu không có gì khác ngoài rau. Trên mâm cơm, chỉ cómột nồi cơm nguội, hai bát rau. Tuyệt không thấy chút thịt cá nào.
“Nhìn con nhà người ta ăn ngon mặc đẹp, các cháu mình thiếu thốn đủ đường tôi thương lắm nhưng lực bất tòng tâm. Tôi già yếu ngày chẳng kiếm ra được mấy đồng nên ăn uống thì bữa cơm bữa cháo qua ngày. Chúng nó thèm thịt đến nỗi chỉ cần trong bữa cơm có một chút thịt là sẽ vét sạch bát không để thừa dù chỉ là chút cặn”, bà Nhọ tủi thân nói.
Ánh mắt buồn thiu của hai chị em Trần Thị Thanh (2010) và Trần Văn Thành (2012) bên bữa cơm
Bà Nhọ cho biết, dù các cháu rất thèm được miếng thịt, con cá thế nhưng cũng phải tiết kiệm lắm. Dăm bữa, nửa tháng mới dám mua 30 nghìn thịt xay để các cháu ăn cho đỡ thèm.
Bà Nhọ tâm sự, dù mấy cháu còn nhỏ nhưng cũng biết đỡ đần cho bà. Đây là niềm an ủi để bà gắng gượng sống tiếp: “Tuy việc học ở trường khá bận rộn nhưng Thương (cháu lớn - PV) vẫn sắp xếp được thời gian để phụ giúp tôi kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy. Cả sáng cả chiều cháu học trên trường, tranh thủ giờ trưa để làm bài tập để tối về làm tăm. Mỗi ngày em làm từ khoảng 8h – 11h tối, nhận được khoảng 10 nghìn/ ngày”.
Em Trần Thị Thanh dù mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng vẫn cố làm việc nhà để giúp bà ngoại
Vẫy bé Thanh đang chơi ngoài sân, bà Nhọ tâm sự khi Thanh mới lọt lòng mẹ, em đã không may bị mắc tim bẩm sinh. Trong suốt mấy năm hai bà cháu ôm nhau “lăn lội” khắp các bệnh viện Hà Nội. Tưởng chừng như không qua khỏi, may mắn thay khi biết được hoàn cảnh của bé nhà trường kêu gọi ủng hộ được hơn mười triệu, có tiền chạy chữa tình hình sức khoẻ của bé hiện nay cũng dần dần ổn định.
Chứng kiến em Thanh dù đã 10 tuổi nhưng cô bé khá gầy gò chỉ bằng đứa trẻ 6, 7 tuổi, chúng tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Đáng lẽ, ở độ tuổi này, em phải được ăn ngon, mặc đẹp nhưng số phận trớ trêu khiến em không có được tình thương của bố mẹ. Có lẽ, hiểu được hoàn cảnh của gia đình, em trầm tính và suy nghĩ chín chắn hơn các bạn đồng trang lứa.
Hàng ngày, sau khi đi học về, em không đi chơi với các bạn mà chỉ quanh quẩn ở nhà nhặt rau, quét dọn, đỡ đần bà ngoại. Lau nhẹ giọt nước mắt còn vương trên khóe mắt, bà Nhọ cho biết, nhà nghèo, không có tiền chăm cháu, đã có vài người đến ngỏ ý trả tiền và muốn nhận một cháu về nuôi nhưng bà quyết không cho.
Bà khẳng định, dù nghèo đói đến đâu, bà cháu đùm bọc nhau, có gì ăn nấy chứ quyết không “bán cháu”: “Tôi không tưởng tượng được đến ngày tôi “khuất núi” bọn trẻ sẽ sống ra sao. Nhưng dù sau này có như thế nào tôi cũng mong muốn chị em chúng nó đùm bọc nhau, chứ thực sự tôi không thể yên tâm đưa cháu cho người khác. Tôi còn sống được ngày nào vẫn sẽ cố gắng hết sức nuôi các cháu ăn học đầy đủ”.
Dù không được may mắn như các bạn nhưng Trần Hoài Thương vẫn học rất giỏi và có mục tiêu của riêng mình. Rụt rè chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật em nói: “Ước mơ lớn nhất của em là trở thành một giáo viên cấp 2 để có thể dạy dỗ, giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như em. Em hiểu hoàn cảnh gia đình mình nên để thực hiện giấc mơ đó em sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng người ta cố gắng một thì em sẽ cố gắng mười, em luôn tin bản thân sẽ làm được”. Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên chủ nhiệm của em Thương cho biết:: “Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Thương là một cô bé rất nghị lực, luôn chăm chỉ, cố gắng phấn đấu trong học tập. Thành tích học tập của em rất tốt, trong 9 năm học em luôn đạt danh hiệu học sinh Khá, Giỏi và luôn tích cực tham gia các hoạt động của lớp, của trường. Đặc biệt, trong cuộc thi vẽ tranh đẩy lùi dịch Covid-19 do nhà trường kết hợp với xã tổ chức đợt tháng 3 vừa rồi, Thương đã xuất sắc đạt được giải nhất”. |
Hoàn cảnh gia đình bà Nguyễn Thị Nhọ rất khó khăn. Con gái mất, một mình bà nuôi ba đứa cháu ngoại còn nhỏ. Chính quyền xã cũng đã có những chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà phần nào để vượt qua những khó khăn”.
(Bà Nguyễn Thị Hương Giang, phó chủ tịch UBND xã Cát Quế)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tan-cung-khon-kho-canh-ba-ngoai-gan-80-tuoi-nuoi-dan-chau-mo-coi-cha-me-a70896.html