Báo cáo mới nhất của Oxfam cảnh báo rằng, nạn đói trên thế giới bị đại dịch COVID-19 làm cho trầm trọng hơn và hằng ngày có thể cướp đi nhiều sinh mạng hơn là bản thân dịch bệnh, CNN đưa tin ngày 12/7. “Đại dịch là đòn đánh cuối cùng giáng vào hàng triệu người đang phải vật lộn với tác động của xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và hệ thống lương thực-thực phẩm đứt gãy. Hệ thống này làm suy nhược hàng triệu công nhân và người sản xuất lương thực-thực phẩm”, giám đốc điều hành tạm thời của Oxfam, ông Chema Vera, nhận định.
Nhiều người mất thu nhập, thiếu hỗ trợ xã hội (do làm việc trong lĩnh vực kinh tế phi chính thức), bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng… Việc phong tỏa, hạn chế đi lại cũng ảnh hưởng cả nông dân, công nhân và nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Những thách thức mới này làm trầm trọng hơn các vấn đề đã có từ lâu như chiến tranh, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng… và điều này lại làm trầm trọng hơn nạn đói toàn cầu. Oxfam đang kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong ngành lương thực-thực phẩm, đồ uống như Coca-Cola, Unilever, General Mills… góp sức đẩy lùi nạn đói.
“Những công ty thuộc tốp trên trong ngành đang tiếp tục thu lãi. Trong số các công ty lương thực và đồ uống lớn nhất, 8 hãng đã trả hơn 18 tỷ USD cho các cổ đông kể từ tháng 1, khi đại dịch đang lan khắp toàn cầu. Số tiền này gấp 10 lần số tiền Liên Hợp Quốc nói chúng ta cần để ngăn chặn nạn đói”, thông cáo của Oxfam viết.
54 triệu người Mỹ đói ăn trong năm nay
Theo Oxfam, đại dịch COVID-19 “đã đổ thêm dầu vào lửa - ngọn lửa khủng hoảng đói kém đang gia tăng”. Oxfam trích dẫn số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới rằng, trong năm 2019, thế giới có 821 triệu người thiếu ăn và 149 triệu người “đói ăn ở mức khủng hoảng hoặc tệ hơn”. Theo dự đoán mới nhất, số người phải trải qua tình trạng đói ăn ở mức khủng hoảng có thể tăng lên 270 triệu trong năm nay, tăng hơn 80% so với năm ngoái. Số người tăng thêm chủ yếu là do tác động của đại dịch COVID-19.
Oxfam chọn ra 10 điểm đói kém cùng cực trên thế giới đang bị đại dịch làm cho trầm trọng hơn. Đó là Yemen, Cộng hòa dân chủ Congo, Afghanistan, Venezuela, Sahel Tây Phi, Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Syria và Haiti. Tác động tiêu cực của đại dịch đối với an ninh lương thực cũng xuất hiện ở những nước có thu nhập trung bình như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi…Brazil và Ấn Độ hiện là ổ dịch lớn thứ nhì và thứ ba thế giới, sau Mỹ (gần 3,25 triệu ca mắc). Số ca mắc COVID-19 ở Brazil đã xấp xỉ 1,84 triệu người, ở Ấn Độ đã gần 850.000 người, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Nạn đói đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu và Mỹ không phải là ngoại lệ. Trong tuần qua, 1,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và theo tổ chức phi lợi nhuận Feeding America, sẽ có thêm 17 triệu người ở Mỹ đối mặt cảnh thiếu ăn trong năm 2020 do đại dịch. Như vậy, tổng số người Mỹ thiếu ăn trong năm nay có thể lên tới 54 triệu, tức là cứ 6 người thì có 1 người thiếu ăn, Feeding America ước tính. Trước khủng hoảng COVID-19, số người thiếu ăn chỉ là 37 triệu.
Như vậy, năm nay tăng thêm 46%, giám đốc điều hành Feeding America, bà Emily Engelhard, nói. Theo Feeding America, ngày càng có nhiều người Mỹ phải dựa vào các tổ chức từ thiện phát đồ ăn thức uống. Theo khảo sát của Feeding America, 83% đơn vị, địa điểm phân phối lương thực-thực phẩm miễn phí của tổ chức này hiện ghi nhận số người đến nhận đồ ăn tăng trung bình 50% so với thời điểm này năm ngoái, bà Engelhard nói.
Tránh kịch bản xấu nhất
Phó giáo sư Miguel Gómez (Trường Kinh tế ứng dụng Cornell) nói rằng, ông không ngạc nhiên trước dự đoán u ám của Oxfam dù ông lạc quan rằng, chúng ta có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất mà Oxfam cảnh báo.
“Rõ ràng rằng hệ thống phân phối thực phẩm của chúng ta có sự bất bình đẳng khổng lồ. Mối quan tâm lâu dài là làm sao chúng ta có thể chuyển trọng tâm từ việc chỉ tập trung vào hiệu suất và tối đa hóa lợi nhuận sang hệ thống sản xuất, phân phối thực phẩm công bằng và thích ứng hơn”, ông nói.
Ông Gómez tin rằng, giải pháp nằm ở các hành động chính sách toàn cầu, như đầu tư vào các chương trình hỗ trợ lương thực-thực phẩm, xây dựng hoặc củng cố các mạng lưới an toàn thực phẩm, hỗ trợ nông dân khi doanh thu của họ giảm…
Ngoài ra, việc chính phủ can thiệp sâu hơn để mua và tái phân phối thực phẩm, áp dụng các biện pháp giữ ổn định giá bán lẻ nhu yếu phẩm ít nhất là trong ngắn hạn cũng sẽ có tác dụng, ông nhận định.
Để chấm dứt khủng hoảng nạn đói này, các chính phủ cũng phải xây dựng các hệ thống lương thực-thực phẩm công bằng hơn, mạnh mẽ hơn và bền vững hơn.
Tính đến 12/7, đại dịch COVID khiến hơn 565.700 bệnh nhân trên thế giới thiệt mạng, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Ngày mà có nhiều bệnh nhân COVID-19 tử vong nhất là hôm 17/4 với 8.890 ca.
Bình Vy (t/h)
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/canh-bao-ve-nan-doi-do-covid-19-gay-ra-a70902.html