Chiến binh một chân "chạy đua với tử thần" vẫn khao khát đến trường

Dù từng ngày từng giờ chạy đua với “lưới hái tử thần” để giành giật sự sống nhưng nữ chiến binh 6 tuổi mang tên Trương Khánh Linh chưa một phút giây nào ngưng chiến đấu. Mặc nỗi đau bệnh tật giày vò cơ thể, em vẫn luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng là được đến trường học tập như bao bạn bè đồng trang lứa.

Cơ duyên đặc biệt đã giúp PV ĐS&PL có cơ hội đến thăm gia đình bé Trương Khánh Linh tại xã Tiên Tân, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Theo chân chị Hạnh (mẹ Khánh Linh – PV) chúng tôi đến trường tiểu học Tiên Tân đón em đi học về.

Nhìn qua khung cửa sổ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cô bé có mái tóc ngắn cũn với gương mặt rạng rỡ đang chăm chú nghe giảng. Quan sát cách em theo dõi bài học rồi cặm cụi ghi chép, chúng tôi cảm nhận Khánh Linh là một cô bé chăm chỉ và hiếu học. Nhìn ánh mắt trong veo và nụ cười tươi tắn ấy không ai nghĩ cô bé 6 tuổi này đang từng ngày phải cố gắng chống chọi với căn bệnh ung thư xương quái ác.

Chiếc nạng luôn là “người bạn” thân thiết của Linh. (Ảnh Hữu Thắng)

“Giữa tháng 7/2019 Khánh Linh đến bệnh viện K cơ sở Tân Triều để điều trị hoá chất. Mỗi đợt truyền là một cơn ác mộng với con, cơ thể con đau nhức rã rời, tóc cũng dần dần rụng hết. Nhìn con như vậy tôi đứt từng khúc ruột, nếu có một phép màu tôi chỉ mong có thể thay con gánh hết những đau đớn đó, nó còn bé quá”, chị Hạnh xót xa.

Chị Hạnh kể sau đợt hóa chất đầu tiên, khối u ác tính ở chân phải của Khánh Linh ngày càng to ra. Để ngăn chặn khối u di căn, các bác sĩ điều trị buộc lòng phải đưa ra chỉ định cho con phẫu thuật tháo khớp háng, bỏ đi chân phải.

Thấy mẹ buồn Khánh Linh động viên: “Thôi, đau một lần còn hơn đau mãi mẹ ạ”. Nghe con nói, chị hiểu mình không thể gục ngã, không thể đầu hàng số phận. Thế nhưng, cứ mỗi khi nhìn xuống ống quần rỗng tuếch của con, chị Hạnh lại bất lực thở dài.

Sau phút ban đầu ngại ngùng, Khánh Linh cởi mở trò chuyện với PV: “Chân không còn nên em phải tập làm quen với nạng. Ban đầu, chiếc nạng gỗ là nỗi “ám ảnh” vì em liên tục bị ngã.

 

Đau đớn khiến em chán nản nhưng vì mẹ nên em cố gắng tập đi”. Khánh Linh say sưa kể chuyện với đôi mắt sáng bứng. Nhìn đôi mắt ấy, chúng tôi thấy được niềm khát khao mãnh liệt, khao khát được sống mạnh khoẻ, được tung tăng chạy nhảy như bao đứa trẻ bình thường.

“Đêm về cũng là lúc cơn đau kéo đến dữ dội hơn cả, cảm giác tê buốt xuyên qua từng ống xương khiến con nhíu mày, nhăn nhó. Thế nhưng, Khánh Linh luôn cố gắng chịu đựng, mặc cơn đau giày vò, con không khóc cũng chẳng giãy giụa mà chỉ xoa xoa cái chân rồi tự lẩm bẩm: “Lỗi là do Linh không biết giữ gìn cái chân của mình, Linh biết sai rồi, đừng làm Linh đau nữa”, chị Hạnh nghẹn ngào nói.

Từ những lời nói đó, người mẹ ấy dường như nuốt lại những giọt nước mắt, tự nhủ với lòng bản thân phải kiên cường, phải tiếp tục cố gắng để làm động lực cho con. Chị hiểu, chỉ khi bản thân vững vàng, con mới có niềm tin vào cuộc sống.

Người mẹ đau đáu nhìn đứa con thơ (Ảnh Hữu Thắng)

Xuyên suốt câu chuyện chúng tôi cảm nhận được sự kiên cường của nữ chiến binh tý hon. Khánh Linh giống như cây xương rồng nhỏ đang vươn lên giữa sa mạc khô cằn, khắc nghiệt.

Nếu Khánh Linh không bị bệnh thì con đường đến trường của em thênh thang hơn rất nhiều. Vừa bước vào lớp Một, Khánh Linh đã phải đối diện bệnh tật.

Thay vì niềm vui hân hoan được đến trường cùng chúng bạn, Khánh Linh phải chịu đựng sự đau đớn của những đợt truyền hóa chất.

Chị Hạnh đón em đi học về (Ảnh Hữu Thắng)

Thế nhưng, bệnh tật chẳng thể khiến em hết thích học. Với Khánh Linh, những con chữ có sức hấp dẫn kỳ lạ, nó thậm chí còn giúp cô bé quên đi nỗi đau bệnh tật. Vì vậy mà, Khánh Linh muốn đi học, ngoài thời gian điều trị ở bệnh viện em vẫn dùng nạng để đến trường.

“Thời gian đầu, dù ở trên bệnh viện nhưng con vẫn chăm chỉ tự học. Khánh Linh thích học đến nỗi lúc nào cũng có thể giở sách ra học. Con luôn coi bệnh viện là trường, còn giường bệnh là bàn học. Nhìn con giở sách học trong hoàn cảnh ấy, tôi thấy xót xa.

Với người lớn, những nỗi đau ấy còn là quá sức, thế mà con vẫn cầm sách để học. Bác sỹ vào tiêm cứ tiêm, các bạn chơi cứ chơi, con vẫn cứ chăm chú học bài, viết bài.

Bàn tay chằng chịt dây truyền nhưng chẳng hôm nào con quên lấy vở ra tập viết. Mỗi đợt hóa trị kéo dài cả chục ngày, nhưng vì tự học chăm chỉ nên lực học vẫn theo kịp các bạn”, chị Hạnh tự hào nói.

Trong thời gian ở bệnh viện, dù kim truyền kín tay nhưng em vẫn miệt mài tập viết. (Ảnh Hữu Thắng)

Đợt truyền hoá chất vào tháng 3 vừa rồi, bác sỹ thông báo bệnh tình của con ngày càng diễn biến xấu. Sau truyền 6 đợt hoá chất, khối u ác tính đã di căn từ xương lên hai lá phổi.

Chị càng sốc hơn khi nghe bác sỹ kết luận, với tình trạng bệnh hiện tại, Khánh Linh chỉ duy trì được nhiều nhất khoảng 6 tháng.

Theo lời khuyên của bác sỹ và mong muốn của con, chị Hạnh quyết định hoãn truyền hoá chất dài hạn và đưa Khánh Linh về quê đi học.

Hướng ánh mắt trìu mến nhìn đứa con bé bỏng, chị nói: “Tôi cũng không muốn con quằn quại, đau đớn cùng kim truyền nữa. Tôi chỉ muốn con được làm những gì con thích để lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất.

Ngày đầu tiên được đi học trở lại sau nhiều tháng, Khánh Linh vui sướng đến nỗi dù di chuyển cùng đôi nạng gỗ, nhưng con vẫn có thể nhún nhảy, miệng hát líu lo.

Ngoài thời gian học trên lớp, chị Hạnh cũng thường xuyên kèm cặp cho con. (Ảnh Hữu Thắng)

Vừa đến lớp con tíu tít khoe luôn với các bạn: “Tớ khỏi rồi, tớ không còn bệnh nữa”. Khánh Linh luôn nghĩ, bệnh của mình sẽ được chữa khỏi và không ngừng hy vọng vào tương lai. Chẳng biết sau này sẽ ra sao nhưng hiện tại sức khoẻ con ổn định, tinh thần thoải mái vui vẻ như vậy là quá đủ với tôi rồi”.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Khánh Linh chẳng ngại ngần chia sẻ rằng em muốn trở thành hoạ sỹ. Bởi thông qua những nét vẽ và màu sắc sinh động em có thể thoả sức sáng tạo nên cuộc sống muôn màu.

Ngắm nhìn những bức tranh tràn ngập những gam màu tươi sáng của Khánh Linh, chúng tôi cảm nhận được những khát khao, hy vọng sống mãnh liệt của cô gái bé nhỏ.

Bố Khánh Linh cũng có sức khỏe rất yếu. Do bị suy nhược cơ thể từ nhỏ nên từ lâu anh đã mất khả năng lao động. Mọi chi phí sinh hoạt đến chi phí chữa trị cho em đều dựa vào những đồng lương công nhân ít ỏi của chị Hạnh.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/chien-binh-mot-chan-chay-dua-voi-tu-than-van-khao-khat-den-truong-a70909.html