Đời xe lôi

Xe lôi là hình ảnh của Nam Kỳ lục tỉnh trăm năm trước và giờ vẫn còn ở TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Hình ảnh xe lôi vẫn hiện hữu trên đường phố Châu Đốc.

Hình ảnh xe lôi vẫn hiện hữu trên đường phố Châu Đốc.

Lang thang trên phố và nghe những người làm nghề xe lôi nói về cuộc sống đắp đủ qua ngày: “Dạ thu nhập của em mỗi ngày là trăm, có khi trăm ngoài (100 ngàn đồng, có khi hơn 100 ngàn). Tôi quyết định thăm 1 gia đình 3 thế hệ kéo xe lôi và hiện nay có 6 người con trai theo nghiệp xe lôi.

Cha, con và xe lôi

Những phu xe tấm lưng bóng loáng, thân hình gầy còm, đầu đội nón và sải những bước chân dài trên nền đường để kéo xe. Đó là hình ảnh của TP Châu Đốc, tỉnh An Giang trong quá khứ.

Những chiếc xe lôi đến giờ này vẫn đang lưu thông thịnh hành trên đường phố và “lên đời” bằng cách gắn vào pa ga xe đạp, phu xe nhổm người đè nặng chân lên bàn đạp khi bánh xe lăn, đưa du khách thưởng ngoạn cảnh khu phố cá ba sa, xuống chợ Cồn Tiên.

Bình minh trên sông Châu Đốc được đánh thức bởi âm thanh xành xạch của những chiếc thuyền máy xuôi ngược trên dòng sông đầy lục bình trôi lững lờ.

Tại hẻm 193 nằm trên trục đường Trần Hưng Đạo, thuộc khóm 2, phường Châu Phú A, ngày mới được báo hiệu là những bước chân phát ra âm thanh lộc cộc như cỗ xe bò thập niên 30 ờ Nam Kỳ lục tỉnh. Xóm nhà sàn trên sông và lối đi được lót những phiến gỗ nhấp nhô. Gia đình cụ Nguyễn Văn Kịch (SN 1938) nằm tận cùng trong hẻm.   

Cụ Kịch ngồi trong ngôi nhà sàn gỗ nhìn ra trước cửa và lắng nghe âm thanh sông nước vọng vào. Đời cha làm nghề xe lôi, tiếp đến là đời cụ, rồi cho đến đời con.

Cụ Kịch nói giọng khàn khàn, nhắc vài chuyện đời xe lôi “sáng làm, chiều ăn, mai là phủi tay, hết tiền tiêu, tiếp tục đi đạp xe”. Bát cơm kiếm được từ nghề xe lôi giống như chiếc máy xay lúa ở bên cạnh đồng núi Sam, cứ lăn bánh mới kiếm được chút ít tiền. Đời người xe lôi chưa thoát cảnh kiếm sống qua ngày đoạn tháng.

Ông Kịch ngồi nghe bước chân lộp bộp trên sàn gỗ là đoán đứa con trai nào bắt đầu ra khỏi và nhà đi đạp xe lôi. Tám người con thì 6 người đang làm nghề xe lôi. Đời cha còng lưng rảo bước chạy chân trần trên nền đường phố thì tới đời con buộc xe lôi sau xe đạp.

Tuổi tác và sức khỏe của cụ Kịch giống như ngọn đèn đang hút cạn những giọt dầu cuối cùng trước khi tắt lịm. Tài sản khi cụ qua đời là một ngôi nhà sàn gỗ, vách tôn ven sông. Ba người con trai sống chung trong 1 nhà nên 1 người phải đục sàn chui xuống dưới, còn một người sống ở gầm sàn trước, nơi ăn ngủ giống như ổ gà.

Sau giờ đạp xe lôi, các con của ông Kịch phải tá túc dưới gầm nhà sàn.

Sau giờ đạp xe lôi, các con của ông Kịch phải tá túc dưới gầm nhà sàn.

Nghiệp... nghèo

Sử dụng ngôn từ để miêu tả cảnh sống trên sàn, dưới gầm nhà của gia đình cụ Kịch khó mà lột tả hết được. Ngôi nhà của cụ Kịch có tường che bằng tôn, nhà sàn cao gần 3m so với mặt sông. Cậu em trai và người cha đang sống trong căn nhà này được xem như đang hưởng “suất” tốt nhất. Còn một người anh và em kế thì sống chui dưới gầm nhà sàn.

Dù là gầm nhà sàn nhưng vẫn chia thành 2 khu, khu sau kín đáo là người anh tá túc, còn người em ở khu gầm trước và người qua đường có thể nhìn thấy và khó tin rằng đây lại là chỗ ở và sinh hoạt hàng ngày của một người bình thường.

Anh Nguyễn Văn Phụng không ngủ dưới gầm sàn nhà, nhờ người bà con họ hàng cho dựng túp lều tôn ngay trước nhà của cha mình.

Anh đưa tôi vào lều, giang 2 tay đã chạm vào bề ngang của lều, chiều dài thì khá hơn, nhưng cũng chưa tới 2m, tôi đếm toàn bố số tôn để lợp và vây thành tường thì chỉ 11 tấm. Cô gái nào dám về làm vợ anh - tôi trêu chọc và vô tình chạm vào nỗi buồn của người phu xe có khuôn mặt khắc khổ.

Anh Phụng có khuôn mặt của một người yếm thế và nghèo khổ - trán nhỏ, tóc lòa xòa trước ánh mắt thường chụp xuống và giọng nói hơi đuối. Anh thường ngồi nhìn qua dòng người qua lại trên đường Trần Hưng Đạo để chờ khách. “Nhà em nghèo, nhỏ nhất xóm, làm hoài nhưng thu nhập ngày càng ít”, anh nói về nghiệp xe lôi.

Ở giữa ngôi nhà cụ Kịch có một nắp hầm làm bằng gỗ, vừa khít với nền nhà. Nắp hầm nằm ở vị trí khuất ánh sáng nên không thể nhìn thấy được.

Có tiếng sột soạt từ dưới nền gỗ, sau đó anh Tuấn từ dưới gầm nhà sàn bất ngờ đội nắp chui lên, giống như một du kích nằm vùng và thỉnh thoảng đội hầm bí mật.

Tôi được mời đu xuống tham quan. Diện tích của không gian này chưa tới 3m2. Từ sàn xuống đất khoảng 2m, nên đến mùa nước nổi thì có lúc sông Châu Đốc chạm vào lưng, anh Tuấn phải bật nắp hầm để thoát khỏi ổ, sau giờ kéo xe trở về thì đậu gạo nấu chung với gia đình người em trai.

Từ chỗ nằm ngủ của anh Tuấn nhìn xuống sàn nhà, ánh mắt đập ngay vào bùn rác, mùi bùn thoang thoảng trong không khí và không mấy dễ chịu.

Người miền Tây vốn không nặng về chuyện nhà ở, nhiều người cả đời sống trên chiếc thuyền nhỏ rách nát. Nhưng chuyện bật nắp hầm để xuống sống dưới gầm nhà sàn thì quả là chuyện lạ.

Bụng đói đạp xe

Sáng sớm, khu chợ Cồn Tiên lại xuất hiện những phu xe kéo, gò lưng đưa người đi chợ sớm và chở hàng hóa về nhà. Cách đây 15 năm, khi xe máy Trung Quốc giá rẻ chưa tràn ngập thì xe lôi nhan nhản, còn giờ đây bóng dáng xe lôi đã thưa thớt dần.

Bà Hải, một người dân địa phương cho biết, “con gái vùng này đi ra xứ ngoài Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng làm ăn hết, chỉ còn mấy đứa thanh niên ở quê làm nghề đạp xe lôi, gia đình ông Kịch thì ai cũng biết vì mãn đời cha cho tới đời con cũng không bỏ nghề xe lôi, mà theo nghề đó thì coi như khổ, không đủ tiền cưới nổi vợ con”.

Đi khắp thành phố Châu Đốc, thưởng thức cảm giác ngồi xe lôi và tôi đều được nghe những người làm nghề này nói về cuộc sống đắp đủ qua ngày bằng âm ngữ của người miền sông nước, âm tr biến thành ch: “Dạ thu nhập của em mỗi 1 ngày là chăm, có khi chăm ngoài (100 ngàn đồng, có khi hơn 100 ngàn). Anh Phụng cho biết, thực ra có khi một ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn, đủ mua 2 tô cơm.

Anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết, làm nghề xe lôi chỉ đủ kiếm sống qua ngày, nhưng vui nhất là được gần gũi và chăm sóc người cha già từng là phu xe lôi.

Anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết, làm nghề xe lôi chỉ đủ kiếm sống qua ngày, nhưng vui nhất là được gần gũi và chăm sóc người cha già từng là phu xe lôi.

Buổi sáng tôi ra đầu xóm nằm ven sông, gần hẻm 193 đường Trần Hưng Đạo và mời anh Phụng cốc cà phê đá, bữa cơm sáng trong quán cơm bình dân. Sau khi nhấp ngụm cà phê, dõi ánh mắt nhìn ra đường với vẻ vô định, anh lại úp bát cơm mang gởi cho chị chủ quán ở đầu hẻm. Ly cà phê đá lạnh buốt kia được xem như một thứ thức ăn bổ dưỡng tráng dạ dày người phu xe.

Chị chủ quán nơi anh Phụng gởi bát cơm úp nói nhỏ: “Làm cái nghề xe kéo mỗi ngày chỉ ăn chừng 2 bữa thôi, nhịn đói bữa sáng để kéo xe là chuyện bình thường, nhà đó mấy anh em làm nghề xe kéo thì ai cũng khổ”.

Chuyện ăn ngày 2 bữa chỉ còn nghe văng vẳng như thời bao cấp. Nhưng đối với những người làm nghề xe kéo ở thành phố Châu Đốc, vì kiếm sống đắp đổi qua ngày nên có người mỗi buổi sáng ra đường kéo xe với chiếc bao tử rỗng.

“Sao không rời quê lên thành phố, đi Bình Dương làm việc ở các khu công nghiệp để thay đổi cuộc sống?” - tôi gặng hỏi và cũng là gợi ý về lối thoát, nhưng anh Tuấn và anh Phụng trả lời: “Cả đời sống bên cha, ổng làm nghề xe kéo cực khổ nuôi mình lớn, giờ ổng già thì mình chăm sóc cho đến khi cha qua đời, không thể rời bỏ quê để đi làm ăn xa được”.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/doi-xe-loi-a70913.html