Chết để trừng phạt người sống?...
Từ trước đến nay những vụ cha, mẹ tự tử và bắt con chết theo xảy ra không phải hiếm. Hầu hết những vụ việc đó đều để lại những nỗi đau và ám ảnh khôn nguôi. Điều đáng báo động là cha, mẹ không chỉ ôm theo một con, hai con mà họ ôm hết những đứa con của mình để cùng... chết.
Mới đây, dư luận rúng động khi một người mẹ ôm theo 3 con nhỏ (cháu 5 tuổi, cháu 2 tuổi và một bé mới chỉ 5 tháng tuổi) nhảy xuống con suối nhỏ thuộc nhánh sông Bôi (xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, Hoà Bình) tự tử.
Sự việc không chỉ khiến dư luận bàng hoàng mà còn để lại nỗi đau không thể nào nguôi với những người thân trong gia đình nạn nhân. Trong khi dư luận và chính người thân trong gia đình còn chưa tìm được nguồn cơn dẫn tới sự việc thì mới đây tiếp tục lại thêm người mẹ ôm theo cả hai con nhỏ (cháu lớn 4 tuổi, cháu nhỏ mới 1 tuổi) gieo mình tự tử trên dòng sông Thương đoạn chảy qua TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, mẹ luôn là người yêu thương con nhiều nhất, họ sẵn sàng hy sinh tất cả cho con. Vậy vì sao lại có những người mẹ lại hành động tiêu cực như vậy? Giải thích nguyên nhân về các trường hợp như trên, trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, chuyên gia tâm lý, TS. Khuất Thu Hồng (viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho biết có nhiều cách lý giải.
Trước hết là do vấn đề tâm lý. Trong cuộc sống, trong công việc hoặc chuyện gia đình, người mẹ rơi vào tình trạng bế tắc không tìm được lối thoát. Đặc biệt, họ không tìm được sự hỗ trợ, chia sẻ của người thân xung quanh những lúc họ cần nhất.
Người mẹ ôm con cùng kết liễu cuộc sống vì trong lúc cùng quẫn, rối trí, họ nghĩ rằng chỉ có mình mới yêu thương, quan tâm đến con. Nếu mình chết đi, con ở lại sẽ bơ vơ nên thà mang con đi theo cùng còn hơn là để con chịu khổ.
Một trong những nguyên nhân có thể là suy nghĩ của rất nhiều người phụ nữ khi họ quyết định tự tử đó là họ muốn dùng cái chết của mình để "trừng phạt" người ở lại. Khi họ ôm theo con để cùng chết sẽ khiến những người còn sống phải ám ảnh, ân hận.
Ngoài ra còn có vấn đề quyền lực. Thông thường khi người đàn ông tức giận, họ thường trút giận vào người yếu thế hơn mình, và nạn nhân ở đây là phụ nữ, trẻ em. Khi người phụ nữ tức giận hoặc bế tắc, họ cũng muốn tìm cách trút giận vào ai đó yếu đuối hơn mình. Và những đứa con chính là đối tượng đầu tiên để họ thể hiện quyền lực đó.
Đằng sau quyết định bi kịch trên có quá nhiều nguyên nhân để lý giải, nhưng dù nguyên nhân là gì thì đều có chung kết quả là sự đau lòng, tàn nhẫn bởi trong mọi trường hợp, những đứa trẻ hoàn toàn vô tội.
Cần sự hỗ trợ kịp thời của gia đình
Để tìm hiểu thêm vấn đề, đặc biệt là giải pháp để phòng, tránh và hạn chế xảy ra những sự việc tương tự, PV đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Minh Hương - Trưởng ban Tuyên giáo (hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).
Thưa bà, chúng ta thấy gì qua việc cha, mẹ tìm đến cái chết tiêu cực như một số vụ việc kể trên?
Đây thực sự là những vụ việc rất đáng tiếc bởi tôi tin rằng nếu có sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ kịp thời và phù hợp của gia đình và cộng đồng thì những cái chết thương tâm đó có thể tránh được. Từ đó cũng sẽ không làm cho những người còn sống đau đớn vì hối hận và nuối tiếc.
Điều đáng buồn ở đây là những phụ nữ này không chỉ chấm dứt cuộc sống của mình mà còn tước đoạt quyền được sống của những đứa con do chính họ mang nặng đẻ đau. Dù rằng, lý do họ tước đoạt sinh mạng của con là nghĩ cho con đỡ khổ, không bị bơ vơ khi không còn mẹ thì đây là việc làm rất đáng lên án về đạo đức và cả pháp luật.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".
Khi phát hiện người phụ nữ bắt đầu có những biểu hiện tiêu cực, người thân trong gia đình cần có cách ứng xử ra sao để giúp họ cân bằng lại?
Quyết định đi đến cái chết thường không phải là quyết định tức thời, mà có quá trình suy nghĩ. Vì vậy người nhà cần quan tâm, chú ý để phát hiện người thân của mình có những suy nghĩ, câu nói tiêu cực để kịp thời hỗ trợ. Gia đình cần khéo léo tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp giải quyết phù hợp.
Ví dụ nếu nguyên nhân là những hiểu lầm trong các mối quan hệ thì nên nói chuyện với nhau một cách cởi mở, thẳng thắn. Nếu đó là những khó khăn về kinh tế thì cần cùng nhau bàn bạc, thảo luận phương án tháo gỡ. Mọi người trong gia đình cũng cần tìm hiểu các thông tin, kiến thức về các biểu hiện của tình trạng rối loạn tâm thần để kịp thời thăm khám, chữa trị.
Bên cạnh đó, cần lưu ý xây dựng, vun đắp mối quan hệ yêu thương, bình đẳng, cởi mở, hỗ trợ lẫn nhau trong gia đình để gia đình thực sự là tổ ấm, là nơi mọi người, dù là nam hay nữ, nhiều tuổi hay ít tuổi đều có thể dễ dàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tìm sự hỗ trợ khi khó khăn.
Lập danh sách theo dõi để chống bạo lực gia đình và đưa vào diện "cảnh báo", những người đàn ông có hành vi bạo hành để những phụ nữ trước khi kết hôn tham khảo. Bởi vì tác động từ cách cư xử, hành vi tiêu cực của người chồng ảnh hưởng đến tâm lý người vợ là rất lớn. Do đó, cơ quan liên ngành của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) đã nhất trí ban hành về việc thiết lập một hệ thống điều tra về những người có liên quan đến bạo lực gia đình trước khi đăng ký kết hôn. Theo đó, mục đích của hệ thống này nhằm ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện của bạo lực gia đình và xây dựng một gia đình hòa thuận. Tại đây, những người phụ nữ trước khi kết hôn có thể tra cứu thông tin xem chồng tương lai có tiền sử bạo lực gia đình hay không. Trên cơ sở đó mới đưa ra quyết định cuối cùng. |
Không chỉ ở nguyên nhân khách quan, bản thân những người phụ nữ (người mẹ) cũng cần làm gì thưa bà?
Để tránh những lựa chọn tiêu cực thì người phụ nữ cũng phải trang bị rất nhiều kỹ năng. Bản thân người phụ nữ cần chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng trước khi bước vào hôn nhân.
Đặc biệt, sau kết hôn, người phụ nữ sẽ bắt đầu những mối quan hệ với các thành viên, đặc biệt, mối quan hệ (vợ-chồng) hay (mẹ chồng-nàng dâu) thường dễ xảy ra mâu thuẫn. Do đó, người phụ nữ phải trang bị tốt những kỹ năng quan trọng như tổ chức cuộc sống gia đình, cách giải quyết mâu thuẫn gia đình, kỹ năng quản lý kinh tế gia đình và tìm hiểu kỹ phong tục, tập quán, nếp sống gia đình của người bạn đời tương lai...
Khi gặp bế tắc, người phụ nữ cũng phải học cách giải quyết xung đột, chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân hoặc những người đáng tin cậy. Nếu không nhờ được chồng thì tìm bố mẹ, bạn bè. Sẽ luôn có lối thoát trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nên tuyệt đối không chọn kết thúc bi thảm như vậy. Chị em cũng cần nắm được các địa chỉ hỗ trợ, tư vấn cho phụ nữ khi bị bạo lực như "Phím số Bình Yên" tổng đài tư vấn 1900969680, các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, địa phương.
Hiện nay cũng có những lớp học cho các bạn trẻ có thể và nên tham gia các lớp tập huấn về giáo dục tiền hôn nhân. Qua đó các bạn sẽ được trang bị thêm những kỹ năng cần thiết.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/di-tim-loi-giai-cho-nhung-cai-chet-thuong-tam-cha-me-om-theo-con-quyen-sinh-a70935.html