Phòng chống mua bán trẻ em: Cuộc chiến chưa có hồi kết

Thực trạng mua bán trẻ em diễn ra ngày càng tinh vi. Ngoài những vụ bắt cóc, lừa bán trẻ, tại một số bản làng miền núi Nghệ An còn xuất hiện tình trạng dụ dỗ trẻ em “tự bán mình”, với sự thỏa hiệp của bố mẹ. Tùy theo độ tuổi, mỗi đứa trẻ thường có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, chủ yếu là trẻ em gái.

Kỳ 1: Những đứa trẻ tự bán mình

 

Trở về từ Trung Quốc từ cuối năm 2018, đến nay Lữ Thị C. (SN 2001, trú ở bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) đã lấy chồng mới. 18 tuổi, C. nói rằng “ở đâu” mình cũng có chồng cả; ở Trung Quốc, cô gái người Khơ mú này cũng là vợ của người đàn ông 22 tuổi và đã sinh cho anh ta 1 đứa con gái. Cuộc hôn nhân không được luật pháp thừa nhận ấy là hệ quả của lần trốn chạy theo bọn mua bán người năm Lữ Thị C. mới 15 tuổi.

C. kể về chuyến đi Trung Quốc cách đây 3 năm với vẻ hồn nhiên: “Em đi từ năm 2016, lúc đó đang học dở lớp 8, mới 15 tuổi thôi. Đi lâu rồi nên không nhớ ngày tháng nữa. Nhà nghèo quá, chị Mùi là người cùng bản hỏi có đi Trung Quốc lấy chồng không, nếu đi thì chị đưa cho 100 triệu đồng. Thế là em đi”.

Nơi ở của Lữ Thị C. và gia đình hiện tại ở bản Lưu Tiến.

Nơi ở của Lữ Thị C. và gia đình hiện tại ở bản Lưu Tiến.

Bố của C. – ông Lữ Văn Thuyết nói rằng ban đầu không đồng ý để con đi Trung Quốc vì còn nhỏ quá. Nhưng rồi C. kiên quyết: Nếu không đồng ý thì cũng đi, mất con, mất cả tiền. Thời điểm đó, nhà đang cần tiền để mua gia súc chăn nuôi. Nghe con nói vậy, người đàn ông này suy nghĩ thêm một chút rồi gật đầu. Thậm chí, ông bố này còn cùng với “chị Mùi” lập một bản cam kết hứa không kiện cáo.

Buổi tối vài ngày sau, C. đi theo đối tượng Moong Thị Mùi chờ đón xe ở cầu Khe Tang xuống TP. Vinh; từ đây, 2 người lên xe khách liên tỉnh ra Móng Cái (Quảng Ninh). Tại địa điểm hẹn sẵn, C. được người liên lạc dẫn sâu vào nội địa Trung Quốc. Không lâu sau, cô bé 15 tuổi này được bán làm vợ cho một người đàn ông 22 tuổi với giá 6 vạn nhân dân tệ. Cùng thời điểm, ở quê nhà Lưu Tiến, bố mẹ của C. được bọn buôn người trả cho 100 triệu đồng.

Bố của Moong Thị N. - nạn nhân mua bán người hiện đang ở Trung Quốc.

Bố của Moong Thị N. - nạn nhân mua bán người hiện đang ở Trung Quốc.

Cùng quyết định như C. là cô bé Moong Thị N. ở bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Năm N. nhận lời đi cùng bọn buôn người, cô bé chưa học xong lớp 6. Ông Moong Văn Thương – bố N. nói: “Trước đó nó trốn đi một lần rồi nhưng không thành, bị công an bắt được. Lần này nó trốn tiếp, đi gần 1 tháng, có người đến nhà gửi 90 triệu thì mình mới biết”. Ông Thương chỉ tay vào bộ bàn ghế nom có vẻ đắt tiền – vật dụng giá trị nhất trong nhà và cho biết, nó được mua từ số tiền con gái gửi về.

Theo ông Lô Văn Nghệ – Bí thư Chi bộ bản Na Bè, đi cùng năm với Moong Thị N. còn có Moong Thị T. Khi nghe theo lời dụ dỗ của bọn buôn người đi sang Trung Quốc, T. cũng chỉ khoảng 15 tuổi. Cách đây vài tuần, T. có gọi điện về nhà và kể rằng mình bị nhà chồng đánh đập, ngược đãi. Cũng như nhiều gia đình khác có con gái đi theo bọn buôn người sang Trung Quốc, gia đình Moong Thị T. hiếm khi liên lạc với con mình. Số tiền nhận được dường như là mối liên hệ rõ ràng nhất, còn lại, bố mẹ của những đứa trẻ ấy không biết rõ đứa con đang tuổi vị thành niên của mình được gả cho người chồng như thế nào, địa chỉ ở đâu, cuộc sống ra sao?

Đối tượng Moong Thị Mùi - người dụ dỗ em Lữ Thị C. bán mình sang Trung Quốc khai báo tại cơ quan điều tra.

Đối tượng Moong Thị Mùi - người dụ dỗ em Lữ Thị C. bán mình sang Trung Quốc khai báo tại cơ quan điều tra.

Xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn có 11 bản, với khoảng 1.500 hộ và gần 7.000 nhân khẩu. Xã nghèo này cũng là địa bàn có số lượng người đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài đông, với 434 người, hơn một nửa trong số đó là đi Trung Quốc dưới nhiều hình thức khác nhau. Ông Lương Thịnh Vượng – Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu cho biết, qua thực tế tìm hiểu đời sống, tâm tư của bà con, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em gái có ý định vượt biên lấy chồng, ghi nhận nhiều ý kiến gây “sốc”. “Tôi nói các chị cứ nói thật đi để tôi biết thêm thôi. Người ta lừa các chị đi bán, các chị về được sao lại không đi kiện? Họ nói không phải, bọn em không tự đi bán mình được, phải nhờ người môi giới mới được giá cao.” – ông Vượng nói. Thực tế này diễn ra tại nhiều bản ở xã Chiêu Lưu, chủ yếu “rơi” vào cộng đồng dân tộc Khơ mú.

Tại bản Cù, trao đổi với trưởng bản Lô Thị Tâm, bà dẫn chứng cụ thể một vài câu chuyện trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên nhờ người môi giới dẫn sang Trung Quốc lấy chồng. Trước khi làm trưởng bản, bà Tâm nhiều năm liền đảm nhiệm công tác hội phụ nữ tại địa phương, vì vậy khá thông thuộc và sâu sát với hoàn cảnh từng phụ nữ, trẻ em gái. Bà Tâm kể: Như trường hợp cháu M. đi Trung Quốc cách đây vài năm, bố mẹ bỏ nhau, nói thật lúc M. đi còn chưa hết đái dầm mà, vậy mà nghe người này người kia nói rồi cũng đi sang đó làm vợ người ta. Nữ trưởng bản này còn chia sẻ thêm, qua trò chuyện với bà con, nghe thấy họ sử dụng cụm từ “hàng quay” để nói về những phụ nữ, trẻ em gái tự nguyện đi theo bọn mua bán người lấy chồng Trung Quốc, trước khi đi cam kết một thời gian sẽ liên hệ với nhau để tổ chức trốn về, sau đó lại đưa đi bán ở vùng khác.

Lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn vận động các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về mua bán người, mua bán trẻ em, mua bán bào thai.

Lực lượng chức năng huyện Kỳ Sơn vận động các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật về mua bán người, mua bán trẻ em, mua bán bào thai.

Thực trạng mua bán trẻ em tại địa bàn một số huyện vùng cao Nghệ An tiềm ẩn nhiều phức tạp. Công an tỉnh cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, mở 2 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Kết quả, đã phát hiện, bắt giữ 29 vụ, 49 đối tượng phạm tội mua bán người, có liên quan đến 33 nạn nhân, trong đó có 22 phụ nữ và 11 trẻ em. Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng cho biết, qua công tác điều tra và thông tin tố giác tội phạm, tính đến năm 2018, đã phát hiện 13 đối tượng, đường dây nghi vấn về hoạt động mua bán người trên địa bàn vùng biên; ghi nhận 53 nạn nhân bị mua bán chưa được giải cứu. Tuy nhiên, không ai khẳng định được con số nạn nhân chưa được giải cứu này đã phản ánh hết thực tế hay chưa. Vẫn còn đó “tảng băng chìm” trong thực trạng mua bán người, mua bán trẻ em./.

Khác với những đứa trẻ dại dột nghe theo lời dụ dỗ của bọn buôn người, chủ động “tự bán mình” sang Trung Quốc, thì những đứa trẻ bị bắt cóc, lừa bán lại mang theo nỗi ám ảnh, sợ hãi suốt một thời gian dài. Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi gặp gỡ với em Moong Thị T. M. (SN 2011, trú tại bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) và em Kha H.L. (SN 2007, trú tại bản Minh Phương, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương). M. bị bắt cóc năm 5 tuổi, còn L. bị bắt cóc năm 7 tuổi. Từ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an, cô bé T.M được giải cứu sau gần 20 ngày bị bán sang Trung Quốc cho một gia đình hiếm muộn; còn H.L được giải cứu sau 16 ngày lưu lạc theo chân kẻ bắt cóc khi đang lẩn trốn tại TP. Huế. Đến nay, đã nhiều năm trôi qua, những đứa trẻ này vẫn còn nguyên nỗi ám ảnh và sợ hãi với người lớn tuổi, người lạ mặt.

Bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn - địa bàn có một số trẻ em bị mua bán sang Trung Quốc.

Bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn - địa bàn có một số trẻ em bị mua bán sang Trung Quốc.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/phong-chong-mua-ban-tre-em-cuoc-chien-chua-co-hoi-ket-a70941.html