Trong đơn gửi đến cơ quan Công an, chị N (SN 1987, trú ở phường An Cựu, TP Huế) trình bày, vợ chồng chị có một cửa hàng buôn bán nhỏ tại chợ An Cựu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh doanh khó khăn khiến gia đình chị rơi vào cảnh "thiếu trước hụt sau".
Được một người bạn giới thiệu có thể vay tiền nhanh chóng thông qua App trên ĐTDĐ nên chị tìm hiểu và cài đặt App này để vay tiền.
"Khi truy cập vào App vay tiền có tên "Vaytocdo", tôi được hướng dẫn tạo một tài khoản bằng cách cung cấp hình ảnh chụp CMND của bản thân, ảnh cá nhân, số CMND và số tài khoản ngân hàng.
Qua tìm hiểu, chị N biết được, gần 300 nghìn đồng còn lại chị không nhận được khi vay qua App là do bị trừ các khoản phí dịch vụ. Và, trong vòng 8 ngày tiếp theo, chị phải trả hơn 2 triệu đồng, trong đó gồm 1,7 triệu đồng số tiền vay và hơn 300 nghìn đồng tiền lãi. Nếu chị chậm trả khoản vay thì sẽ bị phạt mỗi ngày 102 nghìn đồng. Sau khi đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử ở App này thì ít phút sau, tài khoản ngân hàng của tôi nhận được số tiền hơn 1,4 triệu đồng, dù lần vay đầu tiên tôi được duyệt vay số tiền 1,7 triệu đồng", chị N kể lại.
Đại úy Lưu Thanh Tùng, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, nắm bắt nhu cầu muốn vay tiền nhanh của nhiều người, các đối tượng cho vay tiền đã tạo ra nhiều ứng dụng trên ĐTDĐ (App) để cho vay tiền.
Các ứng dụng này thường mang tên "VD online","Vaytocdo", "Moreloan" và được quảng cáo trên mạng Internet để người có nhu cầu vay tiền tự tìm hiểu, cài đặt sử dụng.
Sau khi tải 1 trong số các App này về ĐTDĐ và tạo tài khoản cá nhân, nếu người vay tiền chấp nhận mọi điều khoản thì ứng dựng tự báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiền tiếp nhận, liên lạc qua điện thoại với người vay tiền để thu thập, kiểm tra thông tin đăng ký trên App.
Khi người vay chấp nhận các điều kiện vay tiền, hệ thống tài khoản của App sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản của người vay. Thông thường, đối với khách hàng vay qua ứng dụng "Vaytocdo" thì người vay lần đầu chỉ được vay 1,7 triệu đồng nhưng tài khoản thực nhận chỉ có 1,428 triệu đồng, còn 272 nghìn đồng tiền phí dịch vụ.
Trong 8 ngày, người vay phải trả 2,040 triệu đồng (trong đó có 1,7 triệu đồng đồng tiền gốc và 340 nghìn đồng tiền lãi 8 ngày); khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102 nghìn đồng/ngày.
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng "Moreloan" và "VD online" thì người vay lần đầu được duyệt vay 1,5 triệu đồng nhưng tài khoản thực nhận chỉ 900 nghìn đồng, còn 600 nghìn đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay, trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2% đến 5%/ngày.
Nếu người vay trả tiền đúng hạn thì sẽ được vay qua App đến cấp độ 7 (mức cao nhất) với số tiền 2,750 triệu đồng. Với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm.
Cũng theo Đại úy Lưu Thanh Tùng, quá trình xác minh cho thấy, trước khi chuyển tiền vào tài khoản, các App này thu thập thông tin về người vay lẫn người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để thực hiện việc đòi nợ. Nhiều người vay tiền chưa có khả năng thanh toán trả hết tiền gốc lẫn lãi liền bị các đối tượng gọi đến đe dọa.
Các đối tượng còn "ép" người vay thực hiện vay tiền của App khác để lấy tiền trả nợ. Đặc biệt, để vay được tiền, trong hợp đồng điện tử trên App, người vay tiền buộc phải chấp nhận điều khoản "Người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập vào danh bạ trên ĐTDĐ".
Vì thế sau vài ngày, người vay không trả nợ thì các đối tượng sẽ gọi điện thoại "khủng bố" người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay để ép người vay trả tiền hoặc chúng bêu rếu, bôi xấu hình ảnh người vay tiền lên mạng xã hội Facebook, Zalo…
Ví dụ như, ngày 12/7/2020, anh L (SN 1994, trú đường Phùng Khắc Khoan, TP Huế) đã gửi đơn trình báo đến Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế về sự việc những người thân trong gia đình anh bị các đối tượng không rõ lai lịch chửi bới, bôi xấu hình ảnh lên mạng xã hội để ép một người bạn của anh L có kết bạn trên Facebook trả tiền sau khi vay tiền qua App.
Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế trao đổi, các App cho vay tiền nói trên do các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất cao nên người dân cần phải cảnh giác khi vay tiền qua những ứng dụng này.
Nếu gặp khó khăn về vấn đề tài chính, có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả tiền vay. Đồng thời khi phát hiện những App cho vay tiền với lãi suất cao, người dân cần liên hệ đến cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ nhằm tránh hệ lụy khi vay tiền qua App hoặc qua các đối tượng "tín dụng đen"...
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/canh-giac-khi-vay-tien-qua-app-voi-lai-suat-cat-co-a71036.html