73 năm Ngày Thương binh, Liệt sỹ: Ước nguyện đau đáu của Mẹ

Trên khắp dải đất hình chữ S hiện vẫn có hàng nghìn, hàng vạn nấm mồ liệt sỹ có danh và chưa xác định danh tính nằm im lìm, xếp thành hàng trong những khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ.

Hơn 40 năm sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thống nhất, nơi phên dậu của Tổ quốc cũng im tiếng súng. Nhưng trên khắp dải đất hình chữ S là hàng nghìn, hàng vạn nấm mồ liệt sỹ có danh và chưa xác định danh tính nằm im lìm, xếp thành hàng trong những khu tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ.

Hàng vạn người gửi một phần cơ thể nơi tiền tuyến. Những người Mẹ Việt Nam vời vợi nỗi đau mất con, ngày đêm ước nguyện tìm được, dù chỉ là nắm đất đen hài cốt của con để đưa về quê hương rồi yên lòng nhắm mắt xuôi tay…

Tượng đài Mẹ Nguyễn Thị Thứ Tượng đài Mẹ Nguyễn Thị Thứ

Chiến tranh đã lùi xa nhưng đau thương mà nó để lại vẫn âm ỉ. Sẽ không có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh của cả một lớp người đi trước, của những người Mẹ Việt Nam cho đất nước, quê hương.

Ngồi trên chiếc giường nhỏ, lưng bà Trần Thị Dậu, 96 tuổi, còng xuống như dấu hỏi. Đôi mắt bà mờ đục trông về ban thờ, nơi ba nén nhang đương đỏ đòng đọc và tấm ảnh liệt sỹ Dương Hùng Phong - đứa con trai mãi mãi tuổi hai mươi mà bà hiến dâng cho Tổ quốc.

Phía ngoài, nắng tháng Bảy xiên qua những lá bàng xanh ngắt đổ xuống trước ngôi nhà cuối ngõ 205 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Bốn mươi hai năm trước cũng dưới tán bàng này, bà Trần Thị Dậu bấu chặt tay vào thân cây lặng người đón nhận tin báo tử của con trai mình. Cũng từng ấy thời gian giằng xé, đeo đẳng bà một ước nguyện về người con liệt sỹ ấy...

Ngoài tấm bằng Tổ quốc ghi công “Liệt sỹ Dương Hùng Phong, Hạ sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên quán: Xã Văn Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình; đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ngày 19 tháng 3 năm 1968,” kỷ vật mà bà Trần Thị Dậu lưu giữ có những lá thư cuối cùng anh viết nơi tiền tuyến gửi về nhà. Những lá thư ấy được gia đình bà Dậu cẩn thận đóng thành tập, phía ngoài là những dòng chữ “Nhớ con”:

… Con nằm dưới đất vùi sâu
Có nghe tiếng mẹ rầu rầu khóc con
Con đi vì nước vì non
Đuổi quân xâm lược, đền ơn nước nhà
Vắng con bao tháng năm qua
Đêm nào mẹ cũng lệ nhòa thâu canh…

Bàn tay bà Trần Thị Dậu run rẩy lật mở tập thư. Những dòng chữ nghiêng nghiêng, nắn nót, nhiều chỗ đã nhòe:

“Vĩnh Yên, 3/3/1965

Kính thưa ba, mẹ
Tranh thủ trước giờ sinh hoạt, con viết thư này để về thăm gia đình. Thưa ba, mẹ! Con hiện nay đang học lớp huấn luyện tân binh. Suốt ngày tập đi, đếm, nghỉ. Mệt lắm nhưng không ảnh hưởng gì đến việc tập luyện của con. Mọi việc ở đây rất khẩn trương và có giờ giấc. Bây giờ con đã quen nhiều…”

“23/5/1965
Kính thưa ba, mẹ…

Theo con được biết, tình hình Hà Nội bây giờ gay go lắm. Ngày 21/5 vừa qua, Đế quốc Mỹ đã cho 3 tốp máy bay tới Hà Nội. Không quân ta đã lên đuổi. Ở nóc nhà máy, trên nóc cầu Long Biên, ta đã bắc rất nhiều súng chống máy bay oanh tạc...”

Cầm lá thư đề ngày 26/4/1967 với những dòng tâm sự của con: “Không cái gì có thể làm con lùi bước. Con đã cùng anh em trong đơn vị tiến lên, làm nghĩa vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó…” - bà Dậu chầm chậm nói: Đó là bức thư cuối cùng của con tôi gửi cho gia đình ở tuổi hai mươi hai.

Chắp nối các lá thư và những mảnh ký ức rời rạc của bà Trần Thị Dậu, có thể khái quát câu chuyện về liệt sỹ Dương Hùng Phong như sau: Anh là người con lớn trong gia đình có 8 anh, chị, em. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1965, anh lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Từ đầu năm 1965 đến đầu năm 1967, những cánh thư theo bước chân hành quân của anh đều đặn gửi về cho gia đình, thăm hỏi ba mẹ và các em.

Nhưng rồi liên lạc của anh với gia đình bặt đi sau ngày 26 tháng 4 năm 1967. Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất một năm, hai năm rồi ba năm, nhưng gia đình vẫn không thấy anh về.

Bố, mẹ và các em đã tìm kiếm anh khắp nơi, cung cấp cả những lá thư cuối cùng của anh cho Bộ Tư lệnh Thủ đô với lời đề nghị mang hy vọng mỏng manh lẫn những dự cảm chẳng lành: Xác định xem anh còn sống hay đã chết! Để rồi đến tháng 4/1978, họ nhận được tin anh Dương Hùng Phong đã hy sinh ngày 19/3/1968. Lúc đó bà Dậu lặng người đi, mắt trân trân nhìn tấm giấy báo tử, tay bà bấu chặt vào cây bàng trước cửa...

Nhắc tới chuyện hơn hai mươi năm ròng rã tìm kiếm với mong muốn đưa hài cốt anh trai mình về, ông Dương Hùng Hải - em liệt sỹ Dương Hùng Phong thở dài rồi cho hay: “Điều mẹ tôi mong mỏi nhất hằng chục năm qua là đưa anh tôi về. Mẹ tôi bảo, sống còn người mà chết còn nhúm xương, dù chỉ là nắm đất đen hài cốt.”

Nhưng khó khăn là ngoài tin báo tử thì gia đình không có một thông tin nào về việc anh Phong hy sinh ở đâu, trong hoàn cảnh nào và tại đơn vị nào. Lần theo thông tin từ những lá thư cuối cùng của anh để tìm đến chiến trường cũ nơi anh đóng quân thì họ cũng không thể giải mã được những phiên hiệu ghi trên giấy như hòm thư “21361GM,” hòm thư “43910 KP.”

Bà Trần Thị Dậu và 7 người em của liệt sỹ Dương Hùng Phong không thể nhớ nổi đã bao nhiêu tìm kiếm, chờ đợi, hy vọng để rồi lại hụt hẫng nhận ra những sự nhầm lẫn đáng tiếc: Đó không phải là con, là anh trai mình.

Năm 2003, theo lời chỉ dẫn của một nhà ngoại cảm, gia đình bà Trần Thị Dậu lại tìm đến một ngôi mộ liệt sỹ vô danh ở Nghĩa trang Long Thành tại Đồng Nai. Nhưng đến nơi, bà không tin là mộ của con trai mình.

Họ cũng không có bất kỳ chứng cứ, thông tin nào phục vụ cho việc tìm hài cốt liệt sỹ như đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh thực tế và trường hợp hy sinh để chứng minh ngôi mộ liệt sỹ vô danh đó là của anh. Vì vậy mà nghĩa trang không cho phép đào lên để xét nghiệm sinh phẩm từ hài cốt để so sánh ADN.

“Nhưng mẹ tôi bảo rằng, dù người nằm dưới mộ không phải là anh của các con thì đó cũng là đồng đội của anh. Các con khấn như nào cho phải đạo hiếu kính với người đã vì Tổ quốc hy sinh, cho người dưới mộ đỡ ngậm ngùi. Vì thế mà dù không có điều kiện nhưng cứ dịp 27/7 hằng năm, anh em chúng tôi lại thay nhau đến đó thắp lên mộ nén hương. Có điều mẹ tôi nhiều năm qua, lắm khi đêm vẫn không ngủ được, bà vẫn nghĩ suy đến thẫn thờ, vẫn ước nguyện được đem về nhúm ruột của mình…” - ông Dương Hùng Hải kể./.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/73-nam-ngay-thuong-binh-liet-sy-uoc-nguyen-dau-dau-cua-me-a71067.html