Khổ vì rừng
Mới đây chúng tôi nhận được đơn thư phản ánh của 1 số hộ dân ở làng Mán, ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai phản ánh về việc trồng rừng hơn 30 năm không được khai thác. Theo đơn, những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, vì cuộc sống mưu sinh mà 18 hộ gia đình đa số là người Dao (hay còn gọi là người Mán ở Quảng Ninh) vào đây lập nghiệp, khai hoang, vỡ đất trồng rừng. Nhiều năm nay, do vướng những quy định về quản lý rừng nên các hộ dân tại đây không được khai thác rừng trồng từ hơn 30 năm qua. Những chính sách “sinh ra” sau cây rừng của những người dân ở làng Mán, xã Xuân Tâm đang làm cho cuộc sống của nhiều hộ dân trở nên khó khăn.
Bà Lê Thị Ngọc Vinh, 63 tuổi, ấp Gia Ui chia sẽ cùng phóng viên về khó khăn vì không được khai thác cây mình trồng
Ông Đỗ Thanh Liêm, ngụ ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm cho biết, để được những vườn tiêu, vườn cây ăn trái bên cạnh hay dưới những tán cây sao, cây dầu,… như hiện nay, thì từ những năm 1987, gia đình ông và những hộ dân đã phải trải qua quá trình khai hoang và trồng, chăm sóc rất vất vả. Khu đất các hộ gia đình khai hoang là nơi rừng bị chiến tranh tàn phá, chằng chịt dây leo.
Còn ông Lý Văn Ban thì cho hay, bản thân là một trong những gia đình đầu tiên vào vùng đất này khai hoang từ đầu năm 1987. Cũng trong 1987, Lâm trường Xuân Lộc ký Hợp đồng “Liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” với 18 hộ dân làng Mán. Đến năm 1994, các hộ dân lại ký tiếp với lâm trường hợp đồng “Sử dụng đất để sản xuất Lâm Nông nghiệp”. Theo nội dung các hợp đồng này, lâm trường có nghĩa vụ hỗ trợ người dân trong trồng rừng. Nhưng thực tế thì các hộ dân tự xoay xở mua cây giống, tự trồng cây, tự đào ao lấy nước để chăm sóc cây trồng.
“Theo hợp đồng với Lâm trường Xuân Lộc, họ sẽ phóng lô, đắp đập, làm trường học, ủi đường, nhưng đến nay vẫn chưa làm gì cho dân. Tự người dân làm hết. Những cây dầu, cây sao, lâm trường cũng bán lại cho người dân trồng chứ không phải cấp cho người dân như hợp đồng”, ông Ban cho biết thêm.
Hiện nay, khu vực hơn 200ha do 18 hộ gia đình tham gia thực hiện hợp đồng ký Hợp đồng “liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” với Lâm trường đã trở thành một phần khu vực ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc với những vườn cây có múi, vườn tiêu xanh tốt dưới tán lá của những cây sao, cây dầu hơn 30 năm tuổi.
Từ 18 hộ dân lúc ban đầu, đến nay đã tăng lên 72 hộ với khoảng 415 nhân khẩu canh tác trên diện tích hơn 285ha, trong đó diện tích rừng là 281ha. Phần lớn cây rừng được trồng trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 1994 theo mô hình nông - lâm kết hợp.
Với những người dân nghèo, trồng rừng cũng chỉ mong đến ngày được “hái quả”. Nhưng tới khi những cây dầu, cây sao đến độ thu hoạch thì họ chỉ được chặt cành, thu lá, còn đốn cây thì Lâm trường Xuân Lộc không cho.
Bà Lê Thị Ngọc Vinh, 63 tuổi, ấp Gia Ui than thở: “Người dân không có tiền đóng học phí cho con xin Lâm trường khai thác mà họ không cho. Người dân chở cây đi bán thì họ cho người đốt luôn cây, thậm chí trồng cây lên, lâm trường đến chặt hết cây. Cây bị bỏ, không được bán, bị mọt ăn không một ai giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”.
Quá khó khăn vì không được khai thác cây, nhiều người dân Gia Ui đành phải lén lút chặt cây do chính mình đổ mồ hôi, nước mắt tạo nên. Theo thống kê, trong năm 2019 xảy ra hàng chục vụ "vi phạm về khai thác, phá rừng trái phép" mà chủ yếu là do người dân làng Mán thực hiện.
Ngoài những bất về những quy phạm pháp luật trong quản lý rừng trồng của người dân thì hiện còn tồn tại vấn đề nan giải nữa là cây rừng quá lớn, tán nhiều có độ che phủ lớn. Vì vậy các loại cây dưới tán rừng như tiêu, điều, cà phê... không thể phát triển được. Đây là khó khăn rất lớn đối với cuộc sống của người dân.
Ban quản lý kêu khó
Trước tồn tại trên của những hộ dân tại ấp Gia Ui, phóng viên đã có buổi làm việc với Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, đại diện BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết, những phản ánh về khó khăn của các hộ dân tại làng Mán thuộc ấp Gia Ui cũng như mong muốn khai thác cây trồng là chính đáng.
Những cây sao đến tuổi khai thác nhưng không được thu
Tuy nhiên, bản thân BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho rằng họ cũng gặp khó vì vướng nhiều quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng. Vào năm 1987, Lâm trường có hợp đồng liên kết với những hộ dân này trồng cà phê, tiêu, điều... dưới tán rừng gỗ lớn (dầu, sao) với diện tích khoảng 65ha, sau đó tăng dần lên cả về số hộ và diện tích, đến nay có 72 hộ với khoảng 415 nhân khẩu canh tác trên diện tích hơn 285ha tập trung, trong đó diện tích rừng là 281ha, phần lớn cây rừng được trồng trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 1994 theo mô hình nông – lâm kết hợp.
Dẫn ra một loạt văn bản từ năm 2005, 2008, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho hay, việc người dân không được quyền khai thác cây rừng do chính mình trồng cách đây 30 năm là do vướng các quy định về bảo vệ và khai thác rừng, nên "diện tích rừng trồng của người dân làng Mán thuộc phạm vi rừng không đủ điều kiện khai thác".
Theo ông Hoàng Đình Long, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, hiện Ban Quản lý đã đề xuất UBND các cấp cùng các sở, ngành và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Chính phủ và Bộ NN&PTNT nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh các vướng mắc, bất cập để bà con được hưởng những thành quả đã chăm sóc từ hơn 30 năm qua.
"Mong muốn của chúng tôi là giải quyết những bất cập hiện nay. Nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách về lâm nghiệp, tháo gỡ cho bà con, để làm sao bà con ổn định sản xuất, chấp hành đúng quy định của Nhà nước để cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", ông Long nói.
Hy vọng trong thời gian tới, những đề xuất của Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc "không còn nằm trên giấy", sớm tháo gỡ những vô lý trong các quy định về rừng, giúp người dân không phải ngóng đợi, rồi lén lút khai thác chính thành quả của mình. Để cho lợi ích của người dân và BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc không bị xung đột, thúc đẩy những cánh rừng ở Xuân Lộc ngày càng thêm xanh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Long Vũ