Mẹ Nguyễn Thị Hiên năm nay đã 98 tuổi. Mẹ có 4 người con, trong đó, 2 người con trai là liệt sỹ: Liệt sỹ Lê Minh Xuyến (SN 1950) và liệt sỹ Lê Minh Luyến (SN 1954). Hiện, mẹ sống cùng người con trai út – ông Lê Minh Trọng trong ngôi nhà tầng khang trang nằm ngay cạnh Quốc lộ 1A. Thật nhiều yêu thương và chăm sóc mỗi ngày mà ông Trọng và vợ dành cho mẹ, ấy nhưng, trong những chập choạng tỉnh mê, mẹ vẫn thường nhớ về ngôi nhà ngói cũ, nhỏ nhoi trong lòng làng quê nghèo khó. Làng quê vùng nông giang mang tên Ái Quốc, có bờ tre kĩu kịt, có gốc đa già bóng mát chở che cho biết bao trưa hè đổ nắng; ngôi nhà lợp ngói xỉn màu, có giếng nước mát lạnh, có ngõ nhỏ quanh quanh… Cái ngõ nhỏ mà từ chái bếp nhìn ra, mẹ vừa thổi lửa nấu cơm, vừa nhác mắt là thấy thằng Xuyến, thằng Luyến… gồng gánh trên vai nào thóc lúa, rạ rơm, nào sắn, khoai, rau cỏ…
Số mẹ khổ nhiều, 40 tuổi đã thành góa phụ, bấy giờ lại đang bụng mang dạ chửa đứa con út. Cô con gái đầu và 2 cậu con trai Xuyến, Luyến đã lớn đủ hiểu chuyện, thương mẹ, biết đỡ đần nhiều chuyện trong nhà. Cả làng ai cũng khen con mẹ nhanh nhẹn, tháo vát, như Xuyến hoạt động thanh niên năng nổ lắm, như Luyến làm kiểm soát nông nghiệp ở xã đâu ra đấy… Tuổi thanh niên “bẻ gãy sừng trâu”, hưởng ứng lời kêu gọi nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc, 2 đứa con trai của mẹ cũng lên đường.
Lê Minh Xuyến nhập ngũ năm 1969, năm đó vừa tròn 19 tuổi. Thời điểm đó, anh đang theo học tại Trường Trung cấp luyện kim Thái Nguyên. Tình hình chiến trường Quảng Trị diễn ra ác liệt, lệnh lên đường gấp rút, anh không kịp về thăm nhà, thăm mẹ, thậm chí cũng chẳng có cách nào báo tin. Mãi sau này gia đình mới biết, khi tàu chở binh dừng đỗ chốc lát tại ga Cầu Giát, anh Xuyến tìm vội mẩu giấy viết vài dòng rồi ném hú họa xuống đất, mặt sau ghi rõ “Nhờ ai nhặt được xin gửi về gia đình tôi theo địa chỉ:…”. Có những điều mà đến nay ngỡ là không tưởng đã thực sự xảy ra trong thời chiến, những nhắn gửi vội vàng ấy vẫn về được đến tay mẹ Hiên. Đó là bút tích, là vệt ký ức cuối cùng mà Xuyến dành cho mẹ, cho đến ngày giấy báo tử gửi về…
Tiếp bước anh trai, Lê Minh Luyến cũng lên đường nhập ngũ vào năm 1971. Năm đó, mẹ đứng đầu làng, mặc chiếc áo nâu, lẫn vào trong bóng dáng trập trùng của đoàn quân áo xanh và bao người đưa tiễn, dõi theo bước đi của con mình. Cũng mũ tai bèo, cũng áo tân binh, cũng tóc ngắn củn và dáng cao gầy nom như bao người khác, nhưng mẹ nhìn thoáng qua là đã nhận ra anh. Năm 1971, khi Luyến lên đường thì anh Xuyến đã vào chiến trường được 2 năm, không một lá thư báo bình an. Mẹ đằng đẵng đợi chờ, rồi lại mỏi mòn chờ đợi. Cũng như bao người mẹ thời chiến khác, mẹ Hiên vẫn gợn lên những dự cảm chẳng lành. Chiến tranh mà, đạn bom mà, đâu có mắt… Ngày ngày, mẹ lam lũ trên cánh đồng, tất bật với công tác phụ nữ tại địa phương; đêm về, khi con cái đã say giấc, mẹ lại nhẹ trở người dậy, thắp nén hương lên ban thờ người chồng quá cố, nguyện cầu bình an cho những đứa con đang ở chiến trường. Hẳn là đã có hàng trăm đêm như thế, chỉ có bóng mẹ ngồi tựa cửa dõi về xa xăm và ánh lập lòe đom đóm làm bạn với nhau trong thinh lặng.
Nỗi thinh lặng ấy rồi cũng vỡ òa. Năm 1972, tin báo tử dội về liên tiếp. Tháng 3/1972, mẹ nhận tin Xuyến hy sinh. 9 tháng sau là tin buồn của Luyến. 2 thằng con trai, 2 hòn máu mẹ dứt ruột đẻ ra đã không còn nữa. Nỗi đau thấu tâm can, nỗi đớn đau mà dường như mẹ đã dốc cạn nước mắt đời mình vào những tháng năm ấy. Trước ngày ra đi, cả Xuyến và Luyến đều đã có ước hẹn trăm năm với 2 thiếu nữ cùng xã, thậm chí như Luyến đã hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn, chỉ chờ ngày pháo nổ, rượu mừng. Hạnh phúc riêng tư tạm gác lại chờ ngày vui chung của cả dân tộc, nhưng 2 anh đã không chờ được nữa, người yêu của các anh cũng không chờ được nữa, và mẹ cũng không chờ được nữa… Cho đến nay, điều hối tiếc nhất của mẹ là không tìm được mộ của 2 đứa con trai. Chiến tranh loạn lạc, bao đổi dời thời cuộc, nhiều lần gia đình lặn lội vào chiến trường xưa, tìm đến đơn vị cũ, đồng đội cũ, dò từng mộ chí ở khắp các nghĩa trang Bình – Trị Thiên nhưng vẫn không tăm tích.
Trên đất nước Việt Nam, có biết bao người mẹ phải trải nỗi đau mất con, như mẹ Hiên? Riêng huyện Quỳnh Lưu, đến nay có 278 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó, chỉ 8 mẹ còn sống. Cách nhà mẹ Hiên không xa là gia đình mẹ Hồ Thị Mai. Ở tuổi 87, mẹ Mai vẫn còn minh mẫn. Mẹ nhớ rõ ngày tháng năm sinh của từng đứa con, đặc biệt với con trai đầu Hồ Xuân Thảo và con trai thứ 3 Hồ Xuân Từ – mẹ nhớ năm nhập ngũ, năm báo tử, rành rọt từng chuyện nhỏ nhặt về con, mẹ đều nhớ kỹ. Mẹ bảo, con mẹ đứa nào cũng ngoan ngoãn, hiền lành, mấy đứa ở nhà đỡ đần mẹ được nhiều việc lắm. Ấy nhưng “đất nước có chiến tranh, thân trai tráng thì phải có trách nhiệm lên đường cứu nước”, mẹ có 3 người con trai đều đi bộ đội nhưng chỉ 1 người về với mẹ. Thảo hy sinh năm 1978 ở chiến trường Tây Nam, Từ hy sinh năm 1986 khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.
Ngày nhận tin Thảo hy sinh, mẹ tưởng như ngã gục trong đau đớn, nhưng rồi lại nén chặt mọi nỗi niềm, lần lượt tiễn những đứa con trai tiếp theo lên đường nhập ngũ. Mẹ nhớ, trước ngày ra đi, đứa nào cũng nắm chặt tay mẹ, dặn mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, con đi rồi con sẽ về. “Chúng nó nói thế nhưng có về đâu?” – Mẹ Mai nói, đôi mắt mờ đục vì thời gian, vì nước mắt, vì nỗi nhớ thương con cuộn xót tháng năm.
Có lần, mẹ mơ thấy Thảo. Thảo mặc bộ đồ bộ đội, đứng trong ngõ nhỏ mà không bước vào nhà, từ xa xa nhìn mẹ. “Mẹ hỏi, mi đi mô về mà không vô nhà rứa? Hắn không nói chi, cứ im im rứa nhìn mẹ một hồi rồi đi…” – Mẹ Mai nhớ lại. Đó là lần duy nhất anh về trong chiêm bao mẹ, mãi cho sau này, dù mẹ cố gắng dỗ mình vào giấc ngủ, dẫu mẹ lầm rầm khấn nguyện được thêm một lần gặp gỡ… thì vẫn không có lần nào nữa. Cũng như bao thân nhân liệt sỹ khác, mẹ Mai và gia đình không tìm được mộ các anh. Bao ngổn ngang sau những cuộc chiến trường kỳ đòi hỏi cả dân tộc phải dốc sức bước vào công cuộc dựng xây, những trận địa xưa nay đã mọc lên cao ốc, những khu rừng bát ngát giờ đã ngời lên bao dự án sinh thái… Các anh vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất, trong lòng mẹ, mãi mãi tuổi đôi mươi…
Chẳng thể nào nói hết và tả xiết những nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh. Có những nỗi đau thương nay đã dần khép vết, có những mất mát phần nào đã được đắp bồi, nhưng với những người Mẹ Việt Nam anh hùng, chẳng điều gì có thể trả lại một phần máu thịt trong họ, xoa dịu khoảng trống vắng vô tận trong lòng họ. Không có nỗi đau đớn nào lớn hơn, không có sự vinh danh nào sánh được. Xin nghiêng mình trước các mẹ – những người mẹ anh hùng của dân tộc anh hùng. Xin gửi lời tri ân tha thiết đến lòng mẹ bao la – những tượng đài về đức hy sinh, sự cao cả. Những ngày tháng Bảy này, hãy dành tưởng niệm lòng mình cho những tượng đài cao đẹp mà giản dị ấy…
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/tuong-dai-long-me-a71184.html