Lắng nghe trẻ bằng trái tim
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư thuộc hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, Ủy viên Ban Thường vụ hội Bảo vệ quyền trẻ em, mùa hè, hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM liên tục tiếp nhận các vụ việc trẻ em bị xâm hại. Thời điểm này, các bé không đi học, không được nhà trường quản lý, cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm con cái.
Trong nhiều vụ việc, khi cha mẹ nạn nhân đến nhờ hỗ trợ, luật sư Ngọc Nữ đã không kiềm được cảm xúc và thẳng thắn phê bình họ không quan tâm, tạo cơ hội cho kẻ xấu xâm hại con trẻ.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (người thứ nhất từ phải sang) trong một phiên tòa giả định.
“Nhiều phụ huynh thoải mái cho con sử dụng điện thoại thông minh mà không quản lý việc con trao đổi với những ai, việc gì... Hoặc, cha mẹ ngó lơ cho con chọn mặc các bộ quần áo quá mát mẻ, áo hai dây, quần đùi ngắn… Những đối tượng xâm hại trẻ em vốn lệch lạc trong tâm lý nên khi nhìn thấy các em ăn mặc hở hang, dễ nảy sinh ý định đồi bại”, luật sư Ngọc Nữ phân tích.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng không quản lý giờ giấc của con cái. Như trong vụ bé gái 14 tuổi ở Bình Chánh bị hiếp dâm, bé gái đi chơi đến tận 23h mới về. Nhìn thấy bé rũ rượi, người mẹ đến thay quần áo thì phát hiện con bị xâm hại. “Nếu cha mẹ quan tâm con cái, quản lý giờ giấc sẽ không có khoảng trống để tội phạm lợi dụng. Mỗi lần có buổi tuyên truyền, tôi chú trọng nhấn mạnh với phụ huynh 3 điểm: Quản lý con em, chú ý cách ăn mặc của con, hạn chế cho con sử dụng điện thoại thông minh”, luật sư Ngọc Nữ nói.
“Việc xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhưng số vụ không xử lý được do thiếu chứng cứ cũng đáng kể. Đối với hành vi dâm ô trẻ em, nếu phát hiện được và có bằng chứng như có camera quay hình thì đối tượng khó chối cãi. Tuy nhiên, nhiều vụ xảy ra ở nơi khuất, vắng vẻ thì không có hình ảnh, nhân chứng mà chỉ có lời khai của các bé. Thế nhưng, lời khai của trẻ thì không ai tin. Tôi rất hy vọng có sự điều chỉnh để lời khai của các bé có giá trị. Tôi có niềm tin, những đứa trẻ không thể nói dối, bịa đặt được những hành vi xâm hại của người khác”, nữ luật sư phân tích.
Bên cạnh đó, các em còn quá nhỏ, dễ bị “yêu râu xanh” hù dọa, không dám nói ra. Hoặc sau khi bị xâm hại, nạn nhân bị sang chấn tâm lý, thu mình, không bày tỏ cùng người khác, thậm chí giấu cả cha mẹ.
“Do đó, tôi luôn tuyên truyền, khi phát hiện con bị xâm hại, cha mẹ cần ra cơ quan công an tố giác hoặc đến hội phụ nữ địa phương để các cán bộ hướng dẫn, tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ các bé. Việc giám định diễn ra nhanh chóng thì càng kịp thời lưu giữ những chứng cứ, tạo điều kiện thuận lợi cho chi hội của chúng tôi đấu tranh đòi lại công bằng cho nạn nhân. Bởi, nhiều vụ việc, các em bị xâm hại đã lâu mới đến tố cáo, dẫn đến việc không đủ chứng cứ đối chiếu với các đối tượng xâm hại”, nữ luật sư nhấn mạnh.
Mô hình một điểm dừng bảo vệ trẻ bị xâm hại
Luật sư Ngọc Nữ xót xa: “Trước đây, chúng tôi tuyên truyền các em thấy người lạ phải tránh xa. Bây giờ, tôi phải ngậm ngùi thêm chữ “người quen” vào giáo trình tuyên truyền. Tức là, trẻ cần đề phòng cả người lạ lẫn người quen, ngay cả cha ruột cũng có thể biến thành đối tượng xâm hại con trẻ”. Trước chiều hướng tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, luật sư Ngọc Nữ rất mong các cơ quan đoàn thể phối hợp, hợp tác một cách chặt chẽ với chi hội luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi trẻ em.
Luật sư Ngọc Nữ liên tục tiếp nhận nhiều đơn thư cầu cứu từ người thân của trẻ bị xâm hại.
Đấu tranh để đối tượng xâm hại trẻ em phải chịu sự trừng trị của pháp luật đã khó thì việc đòi bồi thường cho nạn nhân trong những vụ việc này càng nhiêu khê. Theo luật sư Ngọc Nữ, nhiều vụ việc đối tượng phạm tội chịu án phạt, chấp nhận bồi thường nhưng không có bất kỳ tài sản nào để thi hành án. Những trẻ bị xâm hại không có tiền để điều trị vết thương, sang chấn tâm lý. Gia cảnh của trẻ bị xâm hại thường nghèo xơ nghèo xác, cha mẹ đều có trình độ thấp. Thế nên, mọi thiệt thòi đều đổ dồn lên các nạn nhân.
Bởi vậy, không chỉ tìm lại công lý cho trẻ bị xâm hại, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ còn hỗ trợ các em trở về với cuộc sống bình thường. Nữ luật sư cho biết: “Hiện tại, tôi còn thu nhập từ việc giảng dạy. Mỗi lần nhận thù lao, tôi thường chia nhỏ, gửi cho các bé bị xâm hại. Hoặc, tôi giới thiệu cha mẹ các em đến những bác sĩ phụ khoa thân quen, để các bé được khám chữa miễn phí. Nhiều bé ở xa, tôi gửi tiền để gia đình tới lui thăm khám.
Sau mỗi vụ việc, chúng tôi vẫn theo dõi hỗ trợ các bé. Đối với các bé câm điếc, dịp Tết, xin được quà gì, tôi gửi cho các em quà đó hoặc đưa các bé đến trường chuyên biệt. Đối với những bé bị sang chấn tâm lý nặng, khó tái hoà nhập cộng đồng sau khi bị xâm hại, tôi gửi đến Nhịp cầu hạnh phúc, ngôi nhà chuyên biệt nuôi dưỡng và chăm sóc tâm lý cho các em. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ các em bằng hành động”.
Nữ luật sư chuyên bảo vệ trẻ em này hào hứng cho biết: “Chúng tôi đã trình Quốc hội mô hình một điểm dừng cho trẻ bị xâm hại. Trong dự án này, khi bị xâm hại, trẻ em chỉ cần đến một nơi cố định. Ví dụ, các em bị xâm hại sẽ đến hội Phụ nữ địa phương. Tại đây, hội Phụ nữ sẽ thông báo để hội Bảo vệ trẻ em, công an, giám định pháp y, chuyên gia tâm lý… đến làm việc. Nếu được áp dụng, mô hình này sẽ rất hữu ích, giúp nhanh chóng lưu giữ lại các chứng cứ, đảm bảo tâm lý cho nạn nhân…”.
“Không có gì để mất” Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ: “Nhiều vụ theo niềm tin nội tâm, tôi biết người này có xâm hại nhưng không tìm ra chứng cứ, lực bất tòng tâm. Mỗi lần như vậy, nhìn thấy các em, tôi đau khổ lắm. Tôi không có gì để mất, không chức vụ, không tiền lương nên tôi vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh tìm lại công lý cho các em”. |
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bai-cuoi-lang-nghe-tre-bang-trai-tim-va-bao-ve-cac-em-bang-hanh-dong-a71228.html