Trong lúc Đà Nẵng trở thành điểm nóng của dịch Covid-19, các thành viên câu lạc bộ Xe bán tải thành phố Đà Nẵng (PDC), nhóm quy tụ những người có niềm đam mê với xe bán tải, cũng dốc hết sức mình chạy những chuyến hàng mang đồ cứu trợ, nhu yếu phẩm đến khắp các bệnh viện, trung tâm y tế và điểm cách ly.
Các thành viên của CLB phần lớn là chủ doanh nghiệp, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê và nhiều lĩnh vực khác tại Đà Nẵng. Họ không ngại ngần “trực chiến”, sẵn sàng bốc vác hàng trăm kilogram hàng hóa để chuyển đến tay người cần trong thời điểm khó khăn.
"Mình không làm thì ai làm"
Anh Nguyễn Sơn (chủ nhiệm CLB PDC) kể với Zing trong đêm 2/8, khi được Thành đoàn Đà Nẵng gọi thông báo về việc cần hỗ trợ vận chuyển các bộ kit xét nghiệm từ sân bay Phú Bài (Huế) tới Đà Nẵng và Quảng Nam, đội đã cử 3 thành viên là Nguyễn Hoài Dương, Hưng Lê và Nguyễn Quý lập tức lên đường.
“Đêm đó, các anh em đã bốc vác, vận chuyển 25.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19. Nửa đêm, khi vừa giao 16.000 bộ cho CDC (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật) thành phố Đà Nẵng, nhóm tiếp tục đưa 9.000 bộ kit sang trao cho CDC Quảng Nam. Đến sáng hôm sau, công việc mới hoàn thành”.
|
Nhóm tài xế đến sân bay ở Huế, chở hàng chục nghìn bộ kit xét nghiệm Covid-19 về Đà Nẵng và Quảng Nam. |
Anh Sơn cho biết các thành viên tham gia hoạt động hỗ trợ của PDC có nhóm chat riêng. Tất cả thông tin nhận được, trong trường hợp cấp bách, sẽ được gửi thẳng lên cho nhóm phản ứng nhanh. “Trong đội phản ứng nhanh, các anh em luôn ở trạng thái sẵn sàng, chỉ cần có tin báo sẽ di chuyển ngay”.
“Ban chủ nhiệm luân phiên trực 24/24. Các thành viên khác bắt đầu hoạt động từ 5h, có những ngày cần sẽ làm việc từ 4h. Luôn có 10 xe trực tại văn phòng của CLB - nơi tập trung hàng hóa được ủng hộ. Các mạnh thường quân nếu muốn gửi đồ ủng hộ sẽ gọi, thành viên trực của nhóm đến chở về tập kết tại văn phòng rồi phân phát đến nơi cần”, anh Sơn cho hay.
Nguyễn Trần Hoàng Anh (sinh năm 1978) là đội trưởng đội phản ứng nhanh. Anh kể với Zing khi dịch bùng phát trở lại, Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội, thấy các bệnh viện, trung tâm y tế và những điểm cách ly thiếu thốn đủ thứ, nhóm anh "đứng ngồi không yên".
"Vì thế đội phản ứng nhanh được thành lập nhằm hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm vào vùng dịch. Nhận được sự đồng ý của Thành đoàn Đà Nẵng, nhóm cũng được cấp giấy thông hành nên việc di chuyển của chúng tôi có phần thuận lợi hơn”, anh Hoàng Anh kể.
Nếu nhận được thông báo cần hỗ trợ, anh gọi trực tiếp cho đơn vị của mình để điều động, trình bày rõ cần bao nhiêu xe, đi đến đâu và cách thức thực hiện cụ thể. Các thành viên nhận thông tin qua bộ đàm, người nào ở gần khu vực cần hỗ trợ nhất sẽ chạy tới.
Trong những lần cùng đoàn vận chuyển hàng hóa chống dịch, anh Hoàng Anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
“Có lần, chúng tôi vừa xuống xe, người ta đã chạy tán loạn vì thấy mình mặc đồ bảo hộ chống dịch, sợ lây nhiễm. Một lần khác, nhóm giúp vận chuyển băng vệ sinh do một người dân ủng hộ cho các y bác sĩ nữ của bệnh viện, mấy anh em có chút ngượng ngùng”.
Những chuyến hàng ủng hộ được kịp thời chở đến khắp các trung tâm y tế, khu cách ly tại Đà Nẵng. |
Anh Hoàng Anh bày tỏ việc tiếp cận các vùng cách ly và những điểm tâm dịch khiến các anh không khỏi lo lắng, nhưng vượt lên nỗi sợ, mọi người đều hết mình vì việc chung. “Nếu mình không làm thì ai làm, chúng tôi luôn cố gắng hết sức có thể”.
Đến nay, mọi người thấy may mắn khi tất cả thành viên đều có sức khỏe tốt, không ai nhiễm bệnh.
Anh Hoàng Anh kể thêm trong PDC có một thành viên rất năng nổ là anh Mai Tiến Công, người góp sức rất lớn cho đội phản ứng nhanh. “Anh ấy đồng ý hỗ trợ nhiên liệu cho tất cả các thành viên trong đội xe, cứ hết dầu là đến lấy phiếu nhận dầu từ anh để đổ. Vợ anh cũng tham gia tổ hậu cần, nấu ăn phục vụ cho mọi người”.
Gia đình là hậu phương
Tham gia vận chuyển miễn phí hàng hóa chống dịch, các thành viên nhóm PDC luôn đề cao sự an toàn, thực hiện nghiêm chỉnh các bước phòng dịch để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Buổi sáng, mỗi tài xế nhận 3 bộ quần áo bảo hộ: lúc xuất phát buổi sáng mặc một bộ, trưa về thay một bộ khác và một bộ dự phòng cho trường hợp buổi tối cần chạy tăng cường. Nhóm có một đội khử trùng được hỗ trợ từ đơn vị khử trùng của thành phố. Các xe và tài xế đều được khử trùng vào buổi sáng và trước khi nhận nhiệm vụ.
Nhiều lúc vì để kịp giao hàng đến nơi cần, các tài xế ăn vội bữa cơm ngay trên xe. |
Buổi trưa, mọi người sẽ trở lại văn phòng để ăn uống. Đội hậu cần đảm nhận việc nấu nướng. Để giữ an toàn, khi ăn, các thành viên đều ngồi cách nhau tối thiểu 2 m, hạn chế nói chuyện trực tiếp.
Hết lòng vì lợi ích chung, thành viên của nhóm cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình. Nhóm có khoảng 20% thành viên là nữ - đa số là người thân của các anh em còn lại.
“Các anh em đa phần làm doanh nghiệp, người là chủ nhà hàng hay chủ quán cà phê… Thế nên khi dịch bùng phát, việc làm ăn không tránh được khó khăn. Giờ chỉ có một cách để công việc được ổn định trở lại là đẩy lùi dịch bệnh. Hiểu được điều đó, không chỉ anh em trong đội hết lòng hỗ trợ chống dịch mà người thân của họ và những người xung quanh cũng dành lời động viên”, anh Sơn nói.
Điều các thành viên mong mỏi nhất là dịch bệnh sớm được dập tắt, ai nấy được về lại với cuộc sống bình thường.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/nhung-ong-chu-thanh-boc-vac-tai-xe-cho-hang-chong-dich-o-da-nang-a71475.html