Bức xúc dâng cao
Năm 2010, trang trại lợn giống của công ty TNHH Đại Thành Lộc, đóng tại xóm Tràng Đen, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chính thức bắt đầu hoạt động. Quy mô trang trại lên đến 2.400 con lợn. Cũng từ thời điểm này, cuộc sống của người dân tại các xóm Phong Sơn, Bắc Sơn và đặc biệt là xóm Tràng Đen bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trại lợn được xây cách đây 10 năm.
Bà Nguyễn Thị Lê (71 tuổi, trú tại xóm Tràng Đen) cho biết: “Mấy năm đầu tiên, người dân chúng tôi còn chịu đựng và chỉ đề xuất lên công ty và UBND xã tìm phương hướng giải quyết. Nhưng do tình trạng không được cải thiện nên 3 – 4 năm nay, năm nào người dân cũng viết đơn kiến nghị, kêu cứu gửi các cơ quan chức năng. Trong cuộc họp HĐND, tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng phản ánh. Nhưng tình trạng này không hề thay đổi”.
Theo người dân, nguồn nước thải từ việc chăn nuôi của trang trại này nhiều năm qua đã xả xuống đập Tràng Đen. Hồ này trước đây nước trong xanh nhưng nay trở thành hồ nước chết, ô nhiễm nghiêm trọng. Khi chưa có trại lợn, toàn bộ người dân ở hạ nguồn đều sử dụng nước từ hồ để sinh hoạt. Nhưng những năm trở lại đây, vì nguồn nước ô nhiễm nên bà con phải bỏ giếng đào, đầu tư làm giếng trời hứng nước mưa hoặc khoan giếng để lấy nước sử dụng.
“Ngày xưa, đập Tràng Đen là nơi người dân quanh vùng tắm rửa sinh hoạt, nhất là vào mùa hè, hai bên bờ đập người tắm đông như trẩy hội. Vậy nhưng, 5 năm trở lại đây, hồ nước chuyển màu, không những con người mà ngay cả trâu bò cũng không dám xuống tắm, uống nước”, bà Lê lắc đầu nói.
Chị Nguyễn Thị Oanh, một trong những gia đình gần trại lợn cho biết: “Từ khi có trại lợn thì ruồi nhặng cũng nhiều hơn, mùi hôi thì quá kinh khủng, nhất là thời điểm nắng nóng. Ngoài ra, giếng nước mấy năm nay cũng bắt đầu có màu khác lạ, tắm rất ngứa. Chúng tôi là người dân nên không dám nói nguyên nhân bắt đầu từ đâu, nhưng hàng chục năm trước nước sạch ở đây có như vậy đâu”.
Cá chết ở hồ Tràng Đen.
Phản ánh nhiều lần không được, cực chẳng đã vào sáng 9/8, hàng trăm hộ dân đã đã kéo ra hồ Tràng Đen rồi kéo nhau đi bộ ngược nguồn nước lên trước cổng trang trại chăn nuôi của công ty, để phản đối việc xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.
“Chúng tôi kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết dứt điểm, việc chúng tôi kéo lên trại lợn là để gây áp lực, chứ không có ý gây rối gì cả. Chúng tôi mong muốn trại lợn chuyển đi chỗ khác, nếu cứ thế này dân chúng tôi không sống được”, người dân xóm Tràng Đen bức xúc
Công ty bị xử phạt 3 lần do ô nhiễm
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, đơn vị đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về trại lợn của công ty Đại Thành Lộc gây ô nhiễm. Qua kiểm tra, UBND xã cho rằng phản ánh này có cơ sở nên đã báo cáo lên UBND huyện và sở Tài nguyên và Môi trường.
“Người dân phản ánh, trại lợn xả thải ra hồ Tràng Đen nên dẫn đến tích tụ, lắng đọng xuống phía dưới gây ô nhiễm. Còn về ban đêm, dân xung quanh phản ánh bị ngột ngạt về mùi. Qua kiểm tra thì đúng là có hiện tượng này. Còn việc ô nhiễm ra sao thì chúng tôi không đủ thẩm quyền để xét nghiệm nên có báo cáo để chi cục Môi trường lấy mẫu”, ông Xuân nói.
Cũng theo ông Xuân, trại lợn nói trên hoạt động từ năm 2010. Quy mô trang trại được phép nuôi 2.400 con lợn. Nhưng do dịch tả lợn châu Phi từ năm 2019, hiện trang trại chỉ nuôi 1.700 con lợn đẻ với mỗi tuần có khoảng 3.000 - 4.000 lợn con. Do gây ô nhiễm, công ty Đại Thành Lộc đã bị xử phạt 3 lần.
Dòng nước xả ra môi trường
Thời điểm người dân phản ứng, cán bộ chính quyền đã đến đối thoại, giải thích, đề nghị người dân giải tán đám đông. Một phần để ổn định tình hình trật tự xã hội, phần khác để thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Nhận được thông tin, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cùng cơ quan chức năng đã lên Hội trường trụ sở UBND xã Nam Hưng cùng làm việc với chủ đầu tư.
Điều đáng nói, cách đây không lâu, một số chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Nam Đàn, Tân Kỳ, TX.Thái Hòa, tỉnh Nghệ An liên tục có đơn gửi các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí đề nghị vào cuộc làm rõ vụ việc lợn chết hàng loạt do bị dịch tai xanh, nghi xuất phát từ trang trại công ty Đại Thành Lộc. Các chủ trang trại này đã lấy mẫu lợn gửi đi xét nghiệm thì được biết kết quả lợn chết do nhiễm dịch tai xanh (PRRS).
Hồ nước trong xanh ngày xưa giờ đã chuyển đen.
Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty TNHH Đại Thành Lộc khẳng định, đơn vị được phép xả nước loại B ra hồ Tràng Đen. Nhưng dân họ đòi hỏi nước trong hơn như nước sinh hoạt loại A nên mới dẫn đến việc bất đồng ý kiến. “Về việc dân phản ánh ô nhiễm, vừa rồi cơ quan chức năng đã lên trại lợn lấy mẫu hiện chưa có kết quả. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang cố gắng đầu tư thêm hệ thống xử lý chất thải, tái tạo, tuần hoàn toàn bộ nước trong trại không cho chảy ra ngoài”, ông Hòa khẳng định.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/trai-lon-o-nhiem-trong-thoi-gian-dai-hang-tram-nguoi-dan-keo-ra-phan-doi-a71553.html