Cảm phục người đàn bà không chồng 20 năm làm mẹ chăm lo cho đàn con ở làng trẻ SOS

Suốt hơn 20 năm qua, mọi người ở làng trẻ SOS Việt Trì (Phú Thọ) đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ luôn lạc quan, yêu đời với nụ cười luôn nở trên môi. Thế nhưng, mấy ai biết, phía sau nụ cười hiền hậu ấy, cô phải chôn chặt trong tim cả tuổi xuân, với biết bao nhọc nhằn buồn tủi...

Số phận nghiệt ngã

Trải qua một hành trình mưa gió bão bùng trong một ngày thời tiết không chiều lòng người, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có mặt tại làng trẻ SOS Việt Trì (Phú Thọ). Dưới sự chỉ dẫn tận tình của các “hướng dẫn viên” nhí, chúng tôi đã tìm đến ngôi nhà Hoa Đào, nơi cô Nguyễn Thị Ngọc và những đứa con thân yêu sinh sống.

Đang lúi lúi chuẩn bị bữa trưa, nghe các con báo có khách đến thăm, cô Ngọc tất tả chạy ra tiếp đón. Nở nụ cười đôn hậu cô Ngọc đon đả mời chúng tôi vào nhà.

Mời chúng tôi một chén nước mát lạnh, cô Ngọc hồ hởi chia sẻ: “Mỗi đứa con của tôi đều có một số phận, hoàn cảnh khác nhau, đứa thì thiếu đi tình thương của mẹ, đứa lại thiếu hơi ấm của cha. Tôi thương lắm. Tôi cũng như những bà mẹ khác ở đây luôn nỗ lực đem chút tình thương nhỏ bé của mình để phần nào đó xoa dịu và bù đắp được phần nào đó nỗi đau, sự mất mát mà các con phải gánh chịu”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc, người dành cả tuổi thanh xuân của mình tại làng trẻ SOS Việt Trì, Phú Thọ tâm sự với PV Người Đưa Tin Pháp Luật.

Nhìn những đứa con bằng ánh mắt hiền từ, cô Ngọc cho biết, những người con mà cô tự tay nuôi dạy trong suốt những năm qua là món quà quý giá nhất. Các con chính là nguồn sức mạnh giúp cô vững tin hơn trước mọi sóng gió cuộc đời.

Cô Ngọc cho biết, bản thân không thể có con nên khao khát được làm mẹ của người phụ nữ này luôn cháy bỏng. Qua lời giới thiệu của người thân, cô nộp đơn và gắn bó với làng trẻ SOS Việt Trì suốt hơn 20 năm qua.

Với giọng nói buồn buồn, cô Ngọc kể cho chúng tôi nghe cuộc đời truân chuyên của mình. Được biết, lúc còn xuân xanh, cũng như bao cô gái khác, cô Ngọc cũng luôn ao ước có một tổ ấm hạnh phúc.

Người phụ nữ bất hạnh ấy bật khóc khi nói về cuộc đời cuộc đời mình.

Ước mơ ấy đã gần thành sự thật khi cô có một tình yêu đẹp và chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, số phận nghiệt ngã đã cướp đi tổ ấm mà cô hằng ao ước: “Năm 22 tuổi, khi tôi chuẩn bị lập gia đình thì mắc bạo bệnh, phải phẫu thuật cắt cả hai bên buồng trứng. Lúc ấy, tôi buồn lắm. Chỉ trách số phận tại sao lại nghiệt ngã với tôi như vậy? Chồng sắp cưới của tôi là con trưởng chịu nhiều sức ép nên tôi lựa chọn ra đi”.

Chứng kiến đôi vai gầy đang run rẩy, gương mặt đượm buồn của cô, chúng tôi biết người phụ nữ ấy đang nhớ lại những ngày tháng đau khổ trong quá khứ của mình. Nó vừa là nỗi đau, song cũng hun đúc ý chí và nghị lực cho phụ nữ nhân hậu khi xưa.

Thời điểm đó, cô đã nghĩ đến cái chết để mong giải thoát. Rất may, trong những lúc như vậy, gia đình luôn ở bên cạnh động viên tinh thần giúp cô có thêm động lực để sống.

“Nhiều khi nhìn thấy những cô gái trẻ đang mang bầu hoặc dắt con nhỏ đi chơi, tôi thèm lắm. Khao khát được một lần làm mẹ, được nghe một tiếng mẹ ơi mà lực bất tòng tâm. Những lúc như vậy, tôi chỉ biết khóc thầm mà thôi”, cô Ngọc tâm sự.

Ngã rẽ cuộc đời và niềm hạnh phúc vô bờ

Những ngày tháng đau khổ, dằn vặt của cô chấm dứt khi cô được nhận vào làng trẻ SOS Việt Trì để làm mẹ. “Làm việc ở nông trường khoảng 12 năm, tôi không dám nghĩ đến một ngày mình lại được làm mẹ. Khi tôi nhận được thông báo trúng tuyển vào làng trẻ SOS Việt Trì, tôi hạnh phúc lắm. Cảm ơn ông trời đã cho tôi được làm mẹ, được nghe những tiếng mẹ ơi đầy thân thương của các con”, cô Ngọc bồi hồi nhớ lại.

Theo lời kể của cô Ngọc, để được làm mẹ ở đây không hề dễ dàng. Những bà mẹ như cô phải trải hàng loạt đợt kiểm tra và các yêu cầu khá khắt khe. Những người trúng tuyển phải học qua một lớp tập huấn về giáo dục và chăm sóc trẻ.

Những người con của cô Ngọc thường tụ tập chơi với nhau môi khi rảnh rỗi.

Nhớ lại lần đầu tiên nghe các con gọi mình là mẹ, cô không kìm được nước mắt bởi ước nguyện bấy lâu nay đã thành hiện thực: “Ngày ấy, các con vì lạ nên gần như không ai gọi tôi là mẹ cả. Tôi cũng buồn nhưng hết lòng chăm sóc các con. Cuối cùng, các con cũng gọi tôi là mẹ. Hạnh phúc lắm, nước mắt cứ thế chảy dài”.

Những đứa con ngoan ngoãn của cô Ngọc luôn biết phân chia, làm việc nhà.

Hàng ngày phải lo cho cái ăn, cái mặc, và việc học hành của các con khiến cô nhiều lúc thấy mệt mỏi nhưng hạnh phúc. Cô vui vẻ hơn, cười nhiều hơn.

Trong mái ấm của mình, cô Ngọc hiện đang nuôi dạy 9 người con thuộc nhiều lứa tuổi. Thế nhưng, mọi việc trong nhà đều được phân công, sắp xếp rất trật tự, đứa thì dọn nhà, đứa rửa bát, đứa nấu cơm, đứa lớn dạy em học, đứa giặt quấn áo…

Ánh mắt toát lên niềm tự hào, cô Ngọc cho biết, các con của cô dù thiệt thòi về nhiều mặt nhưng con nào cũngngoan ngoãn, học giỏi: “Dù không được đầy đủ như những bạn đồng trang lứa nhưng bù lại các con lại học tập rất tốt. Có những con sau khi học xong đã có việc làm ổn định và thành lập gia đình. Đây là niềm tự hào mà một người mẹ như tôi có được”, cô Ngọc chia sẻ.

Nỗi trăn trở của người mẹ hiền

Vuốt lại mái tóc đã điểm bạc của mình, cô Ngọc cho biết, cô ở thời điểm hiện tại, được làm mẹ của một đàn con ngoan ngoãn, giỏi giang là điều hạnh phúc nhất.

Thêm một lần nữa, cô Ngọc bật khóc khi mình sắp phải rời xa những đứa con thân yêu.

“Đối với tôi, các con trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống vẫn nhớ về mẹ, thăm mẹ, mua tặng mẹ những món quà dù giá trị không cao nhưng điều đó khiến tôi xúc động nhất. Tôi chẳng cầu mong gì, chỉ mong sao các con sống hạnh phúc bên mái ấm riêng là mãn nguyện rồi”, cô Ngọc tâm sự.

Lặng lẽ nhìn đàn con thơ hồi lâu, cô cho biết sắp phải chia tay với làng trẻ SOS, nơi cô luôn coi là mái nhà thứ hai của mình: “Ở thời điểm này, tôi đã quá mãn nguyện. Vậy nhưng vẫn có đôi chút tiếc nuối khi mình sắp phải chia tay nơi đây, chia tay những người con thân yêu của mình vì tôi sắp nghỉ hưu”.

Mẹ Ngọc bên đàn con thân yêu của mình.

Nghĩ đến ngày mình rời xa nơi đây, cô bật khóc. Chứng kiến hình ảnh người mẹ hiền ngồi ôm mặt khóc, chúng tôi cảm nhận được tình yêu bao la mà người phụ nữ ấy dành trọn cho đàn con, dành trọn cho mái nhà mà mình đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua.

“Tôi chỉ có một mong ước tột bậc là dù tuổi tác đã cao nhưng mình được tiếp tục được gắn bó với nơi đây. Được ngày ngày nấu từng bữa cơm rồi đợi đàn con đi học trở về”, cô Ngọc nghẹn ngào nói.

Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Lê Xuân Tùng, Giám đốc làng trẻ SOS Việt Trì cho biết: “Tất cả các bà mẹ trong làng trẻ SOS Việt Trì đều có hoàn cảnh đặc biệt như không có con, không xây dựng gia đình và cô Ngọc là một trong số đó. Cô là một người hiền lành, chăm chỉ, thương yêu đàn con. Dưới sự chăm sóc, chỉ dạy của cô, các con đều trưởng thành và gặt hái được nhiều thành công trong công việc cũng như cuộc sống”.

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/cam-phuc-nguoi-dan-ba-khong-chong-20-nam-lam-me-cham-lo-cho-dan-con-o-lang-tre-sos-a71603.html