Bác sĩ tiết lộ áp lực xuyên suốt hành trình “giải cứu" công dân Việt từ Guinea Xích đạo

Ngày 14/8, 183 người trong đoàn công dân, người lao động từ Guinea Xích đạo có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hết hạn cách ly được trở về nhà. Nhưng, để có được giây phút đoàn tụ đó thì còn có nhiều những câu chuyện chưa kể về chuyến bay đặc biệt đón đoàn 219 công dân hồi tháng Bảy.

Làm công tác tư tưởng với mẹ

Những ngày giữa tháng Tám, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật được lắng nghe tâm sự, chia sẻ của bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - người tham gia đoàn "giải cứu" công dân Việt từ Guinea Xích đạo về nước hồi cuối tháng 7/2020.

Mở đầu câu chuyện, bác sĩ Hùng cho biết mình cùng các đồng nghiệp và phi hành đoàn đang nghiêm túc thực hiện cách ly theo đúng quy định tại bệnh viện. “Cách ly nên đang rảnh có thể tâm sự nhiều”, vị bác sĩ vui vẻ chia sẻ.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng nhớ lại về hành trình đi đón 219 công dân từ Guinea Xích Đạo về nước.

Được biết, 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước, có 120 người được xác định mắc Covid-19. Chúng tôi hỏi bác sĩ Hùng có sợ không? Vị bác sĩ thẳng thắn trả lời “không” vì đây không phải lần đầu tiên anh tham gia xử trí những công việc như vậy. Có điều, lần này là chuyến bay đặc biệt, đầy trách nhiệm và cũng là vinh dự cao cả khi được đón đồng bào về nước.

“Đây không phải lần đầu tiên tôi tham gia vào công việc như vậy, lần này tính chất có nguy hiểm hơn. Mọi người trong gia đình như vợ và con thì hiểu và thông cảm cho công việc của tôi. Tuy nhiên, mẹ đã lớn tuổi rồi nên hay lo lắng, tôi phải dùng biện pháp tâm lý để thuyết phục mẹ an tâm cho tôi hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Đoàn công tác của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được cử đi đón đoàn 219 công dân Việt từ Guinea Xích đạo về ngoài bác sĩ Hùng còn có bác sĩ Nguyễn Xuân Thành cùng 2 điều dưỡng Trương Văn Trường, Hoàng Quốc Thắng.

Đoàn công tác chuẩn bị lên đường.

Nhận nhiệm vụ từ trước 3 tuần, nắm được số lượng người mắc Covid-19 nên đoàn đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng những kiến thức, trang thiết bị y tế cần thiết.

“Mặc dù đều có kiến thức, nhưng chúng tôi không quên đề ra những nguyên tắc trên chuyến bay để làm sao tránh lây nhiễm thấp nhất trên hành trình bay”, bác sĩ Hùng chia sẻ..

Bác sĩ Hùng tâm sự thêm: “Đã có các chuyến bay giải cứu công dân đi về từ vùng dịch, nhưng chuyến bay này đặc biệt ở chỗ là vận chuyển bệnh nhân đã phát hiện dương tính Covid-19. Vì thế, khâu chuẩn bị chúng tôi phải rất kỹ lưỡng. Bởi, trong máy bay không gian rất hẹp, số lượng người dương tính Covid-19 là 120 người, nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và phi hành đoàn rất cao”.

Bởi thế, các phương án, kịch bản được đưa ra chi tiết và cụ thể. Máy bay được chia làm 4 khu gồm: Khu đuôi máy bay dành cho bệnh nhân dương tính; khu bệnh nhân chưa có kết quả xét nghiệm và bệnh nhân âm tính; khu 3 là nhân viên y tế; khu thứ 4 là của phi hành đoàn, giữa các khoang yêu cầu kỹ thuật của hàng không lắp đặt những chiếc rèm trong để hạn chế bớt giọt bắn từ khoang nọ sang khoang kia. Ngoài ra các máy móc, thiết bị vật tư đi kèm như: Máy thở, khí dung, ống đặt nội khí quản… cũng được chúng tôi cân nhắc, tính toán và mang theo cho hợp lý”.

Áp lực vô hình

Trong cuộc trò chuyện với PV tại khu vực phòng cách ly khi đã đón đoàn về nước an toàn, bác sĩ Hùng không giấu nổi những cảm xúc trước, trong và sau khi đã cùng các đồng nghiệp hoàn thành chuyến bay đặc biệt.

Bác sĩ Hùng nhớ lại: “Chúng tôi xác định có thể về sẽ bị lây nhiễm bệnh, nhưng điều quan trọnglà cách mình đối đầu với những lo lắng, nguy hiểm đó như thế nào mà thôi”.

Bác sĩ Hùng cùng đồng nghiệp trên chuyến bay đặc biệt.

Vượt qua những suy nghĩ, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm mà mình có thể mắc phải, bác sĩ Thân Mạnh Hùng cùng đồng nghiệp và phi hành đoàn VN5022 của Vietnam Airlines đã xuất phát tại sân bay Nội Bài lúc 7h sáng ngày 28/7, tổng thời gian trên chuyến bay là 30 giờ đồng hồ cả đi và về. Được biết chuyến bay này không dừng lại dọc đường trừ trường hợp khẩn cấp để đảm bảo tránh lây nhiễm.

Chia sẻ về hành trình đặc biệt, bác sĩ Hùng vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc hồi hộp, lo lắng nhưng trên hết là tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của bệnh nhân.

“Khi khởi hành chưa có bệnh nhân nên không đáng ngại, nhưng khi quay trở về 13 tiếng bay liên tục, trước khi bắt đầu đón bệnh nhân lên chúng tôi đã phải mặc quần áo phòng hộ, khẩu trang… Các bạn biết đấy mặc bộ quần áo phòng hộ rất nóng, khó chịu, phải mặc trong một thời gian dài là trở ngại, khó khăn đối với chúng tôi. Trong 13 tiếng đồng hồ, việc mà chúng tôi ngại nhất là đi vệ sinh và ăn uống. Bởi, đây là thời điểm bỏ khẩu trang ra như vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao, đây cũng là áp lực vô hình đối với chúng tôi”, bác sĩ Hùng bộc bạch.

Trong 13 tiếng từ Guinea Xích đạo về đến Nội Bài có 15-20 bệnh nhân có biểu hiện sốt, sốt cao kèm đi ngoài. 5-6 bệnh nhân có biểu hiện khó thở. Rất may, những bệnh nhân này không có ca nào diễn biến nặng, nên bác sĩ Hùng cùng các đồng nghiệp chỉ phải can thiệp bằng cách hỗ trợ ô xy nhẹ nhàng, dùng thuốc hạ sốt.

“Chuyến bay đã trở về nước an toàn, tôi cùng các thành viên trong đoàn đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Mặc dù khó khăn là thế, áp lực là thế nhưng chúng tôi như trút được gánh nặng, tâm lý giờ đây cũng đã thoải mái hơn rất nhiều”, bác sĩ Hùng thở phào khi trút được tâm lý căng thẳng.

183 người trong đoàn đã hoàn thành cách ly và trở về nhà.

Hiện nay, 183 người trong đoàn công dân, người lao động từ Guinea Xích đạo có kết quả xét nghiệm âm tính, hết hạn cách ly được trở về nhà. Ở giây phút ý nghĩa ấy, họ đều vui mừng và bày tỏ lòng cảm ơn, cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Đảng, cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn những người đã giúp đỡ họ được trở về nhà an toàn. Còn bác sĩ Hùng cùng 4 nhân viên y tế và toàn bộ phi hành đoàn đều đang thực hiện cách ly tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sức khoẻ ổn định. “Chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm lần 3, nếu ổn sẽ hoàn thành cách ly vào tuần tới”, bác sĩ Hùng cho biết.

Bác sĩ Hùng coi đây là vinh dự cao cả.

Tiếp tục cùng đồng nghiệp chiến đấu chống Covid-19

“Sau khi cách ly xong, tôi cùng các đồng nghiệp sẽ tiếp tục quay trở lại công việc thường nhật là cứu chữa cho các bệnh nhân tại khoa Cấp cứu của bệnh viện, đồng thời sẽ dành chút ít thời gian cho gia đình”, bác sĩ Hùng chia sẻ thêm về những dự định sau khi kết thúc cách ly.

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bac-si-tiet-lo-ap-luc-xuyen-suot-hanh-trinh-giai-cuu-cong-dan-viet-tu-guinea-xich-dao-a71643.html