“Quan toà trên mạng” và nguy cơ hầu tòa vì bị khởi kiện: Cán cân công lý bảo vệ nạn nhân bị làm nhục, vu khống

Ngay từ khi luật An ninh mạng có hiệu lực, nhiều vụ “họa từ miệng mà ra” đã bị xử lý nghiêm mình theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện tượng “lên mạng làm quan tòa”, nói cho “sướng miệng” vẫn còn phổ biến khiến cho khổ chủ đau đầu, thậm chí trầm cảm vì tác hại của tin đồn thất thiệt.

Có người khi đứng trước bất kỳ một sự việc nào, họ cũng muốn “bẻ lái” dư luận”theo ý muốn chủ quan của mình mà không biết rằng, họ đã phạm luật và chuyện nói “cho vui” ấy phải trả giá bằng số tiền nộp phạt kha khá, thậm chí có nguy cơ hầu tòa…

Khi nạn nhân lập vi bằng khởi kiện

Mới đây, Hoa hậu chuyển giới Hương Giang đã phải đau đầu khi đối mặt với tin đồn “làm hàng”, vin vào chuyện tình yêu để PR cho mình, đến nỗi ê kíp cô phải thốt lên rằng: “Mới chỉ hạnh phúc vỏn vẹn 5 ngày, trên trang cá nhân đến giờ chỉ dám post 2 tấm hình chung, mà chưa 1 giây phút nào tha cho người ta, để người ta được yên là sao? Một ngày mà nào là tin đồn nào là miệt thị người ta, nào là hợp đồng PR chuyện tình cảm? Tôi nói nhé, nếu mà bây giờ không kiếm ra được cái hợp đồng đó, ai sẽ trả lại danh dự cho người ta? Hương Giang có làm gì sai trong chuyện này để mà phải chịu điều tiếng, miệt thị như vậy?”.

HH chuyển giới Hương Giang thảng thốt kêu lên, nếu những thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến cô, thì ai bù cho hợp đồng đã ký?

Trên thực tế, nhiều “quan toà trên mạng” hiện nay, họ không cần quan tâm đến câu chuyện đúng sai, chỉ cần đưa ra một câu chuyện “lệch tông”, hoài nghi là có thể khiến mọi người chú ý nhưng lại khiến nhiều người lao đao. Nhưng việc thêu dệt, bóp méo sự thật đã để lại hậu quả nặng nề. Họ đưa ra “phán quyết” như thể họ là “ bố thiên hạ” còn nạn nhân chỉ còn một nước là chịu trận.

Ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav từng khởi kiện người đưa tin thất thiệt về sản phẩm của công ty.

Có lẽ, một phận nguyên nhân khiến cho lực lược “quan tòa trên mạng” ngày càng đông đảo là bởi vì các khổ chủ phản ứng yếu ớt, hoặc “khoanh tay” chịu chết nên họ càng lộng hành. Tuy nhiên, mới đây có một sự kiện có lẽ sẽ khiến nhiều người phải giật mình chùn tay chém gió. Theo đó, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố “Bkav đã chính thức nộp đơn khởi kiện”. Ông Quảng cho biết, công ty luật đại diện của Bkav đã tiến hành lập vi bằng (ghi nhận hành vi được làm chứng cứ trong xét xử) với một số trường hợp, trong đó có anh B.A (người sáng lập diễn đàn HDVietnam). “Từ 2015 đến nay, B.A đã liên tục vu khống Bkav, xúc phạm cá nhân tôi qua những bài viết của mình được đăng lên diễn đàn HDVietnam và Facebook cá nhân. Điển hình là việc vu khống Bphone là sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc; hay sản xuất Bphone là dùng “tiền nhà nước”, xây dựng phim trường nhà máy, giải ngân vài chục tỷ đồng mỗi năm”, ông Quảng cho hay.

Cũng theo ông Quảng, Bkav đã tiến hành thực hiện các thủ tục pháp lý theo trình tự, cung cấp cho cơ quan chức năng các bằng chứng về các bản quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế kiểu dáng, cơ khí các phiên bản... Kèm theo đó là các hợp đồng xây dựng nhà máy Bphone, hợp đồng gia công khuôn mẫu, hợp đồng gia công điện tử, hợp đồng gia công cơ khí; hợp đồng mua bán linh kiện (bao gồm hợp đồng, tờ khai hải quan); hợp đồng license với Qualcomm; quá trình hợp quy dây chuyền sản xuất.

Ông Quảng đã lập vi bằng với những phát ngôn sai về Bkav.

“Cá nhân B.A sau đó đã được cơ quan chức năng mời lên làm việc và đã nhận thấy còn nhiều thiếu sót, nhận định không chính xác về Bphone và đưa những cảm nhận cá nhân chủ quan về đường lối phát triển của Bphone, cũng như cách vận hành phát triển sản phẩm của tôi, gây hiểu nhầm, tổn thất cho Bkav, cũng như danh dự của cá nhân tôi", CEO Bkav chia sẻ. Ông Quảng cho biết thêm, cá nhân B.A cũng mong muốn Bkav rút đơn kiện và sẽ đăng bài xin lỗi, đính chính, xóa các bài viết vu khống của mình. Do đó, ông Quảng đã chấp nhận lời xin lỗi của B.A và sẽ rút đơn kiện.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều tin đồn thất thiệt nổi cộm thời gian qua. Một sự việc thì khổ chủ chịu chết, một sự việc bên liên quan đã hành xử cực văn minh, có hiểu biết pháp luật là lập vi bằng làm căn cứ khởi kiện “quan tòa trên mạng” lộng ngôn nói càn, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể khác. Hoặc trong thời gian qua, người dân cùngng Chính phủ Việt Nam đang căng mình chống lại dịch bệnh Covid- 19, tuy nhiên giữa hai đợt bệnh vừa qua cũng đã có nhiều tin đồn thất thiệt gây hoang mang cho nhiều người về tình hình dịch bệnh, những cá nhân này đã bị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Và tất cả những phát ngôn này trên trang cá nhân đều được cơ quan chức năng lập vi bằng để xử lý.

Lá chắn bảo vệ các khổ chủ

Trao đổi với PV, luật sư Trần Mạnh Hùng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khuyến cáo,người bị xúc phạm, vu khống cần thu thập bằng chứng thông qua việc yêu cầu văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng những status, hình ảnh hoặc bình luận có nội dung được cho rằng sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình. “Việc lập vi bằng cần phải thực hiện ngay sau khi phát hiện có hành vi xâm phạm, vì nếu để lâu, những thông tin đó có thể bị gỡ bỏ, xóa dấu vết. Theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, vi bằng là văn bản do các văn phòng Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi và được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Thực tế, trong hầu hết các vụ kiện được tòa án thụ lý, chứng cứ để chứng minh cá nhân, tổ chức vi phạm chính là vi bằng ghi nhận lại hành vi vi phạm” – Luật sư Hùng cho hay.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, không ít trường hợp những kẻ vu khống không dùng trang cá nhân, hay danh tính thật, mà lập một Facebook “ảo” để nói xấu, bôi nhọ người khác. Vì vậy người bị bôi nhọ, vu khống phải làm đơn tố giác tội phạm lên công an địa phương hoặc công an cấp trên quản lý trực tiếp để xác minh hành vi vi phạm, tìm ra cá nhân, tổ chức thật đã vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Sau khi xác minh cá nhân, tổ chức vi phạm và bằng chứng cứ (vi bằng được lập), nếu xác định hành vi vu khống, làm nhục người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác,ì cơ quan CSĐT sẽ xem xét khởi tố vụ án nếu đủ căn cứ.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh.

Chia sẻ về những thông tin thất thiệt, sai sự thật được lập vi bằng, diễn viên Thanh Tú cho PV Người Đưa Tin Pháp Luật hay: “Cách đây 2 năm, NSƯT Kim Oanh cũng từng bị nhiều trang mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt khi có chuyện cãi nhau với vợ một nghệ sĩ, nhiều diễn đàn đã đưa tin sau hoàn toàn rồi bình luận khiếm nhã với nhau. Chị ấy cũng đã lập vi bằng để ghi nhận sự việc và chuyển cho luật sư. Tôi cho rằng, nên làm mạnh tay với những thông tin sai sự thật, có tính chất vu khống. Thực tếđa số những người bị phạt do “vạ miệng” đều là những người trẻ, vốn sống không có, họ cứ nói theo ý của mình và đưa lên mạng, nhiều người không hiểu biết lan truyền, và thông tin đã ảnh hưởng đến nhân vật chính khá nhiều. Hoá ra, nhiều “quan toàn trên mạng” cũng có tâm hồn “giấy” lắm. Bởi có người vừa đến cổng của cơ quan công an đã oà khóc vì sợ và ân hận vì mình đã “đưa miệng đi quá xa” và chấp nhận chịu phạt, hứa không tái diễn”.

Đủ căn cứ, cần xem xét xử lý hình sự

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: “Thời đại 4.0 nên công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, giúp người dân trên khắp mọi miền đất nước cũng như trên thế giới có thể kết nối, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh cũng đi kèm với những hệ lụy cần phải chấn chỉnh, xử lý Việc bóp méo thông tin, xuyên tạc sự thật thể hiện rõ trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, minh chứng cho sự thiếu ý thức của nhiều người dùng mạng xã hội. Tôi cho rằng hành vi cố tình tung tin thất thiệt nhằm phá hoại chủ trương, chính sách, hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến đời tư cần phải xử lý hình sự ngay”.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, ai cũng phải sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật. Không thể vì lợi ích, mục đích cá nhân mà gây hại cho cá nhân, tập thể khác. “Người dân cần phải tự tìm hiểu những luật liên quan đến hoạt động, đời sống hằng ngày của mình. Đừng để bản thân vi phạm pháp luật cũng đừng để ai xâm phạm đến mình. Ngoài ra, cơ quan chức năng khi nhận được đơn cầu cứu của người dân cần nhanh chóng vào cuộc, xác minh, xử lý. Đơn vị cung cấp ứng dụng mạng xã hội cũng phải nhanh chóng vào cuộc đối với những tài khoản vi phạm. Những đơn vị này phải liên kết chặt chẽ với nhau để nhanh chóng có những biện pháp xử lýnhững tài khoản cố tình bịa đặt, xúc phạm danh dự cá nhân” - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nêu ý kiến.

Các nghệ sĩ: Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân cũng từng bị nộp phạt vì "lỡ miệng".

Chia sẻ với PV, đạo diễn Tiến Dũng cho hay: “Nhiều người thường quan niệm, thế giới mạng là thế giới ảo, lời đã buông ra, chỉ vài cái nhấp chuột là xóa sạch cả bài viết, thậm chí bỏ tài khoản, không lưu lại gì, nên vô tư “thích gì thì nói”, thậm chí bịa đặt sự việc. Nhưng họ đã sai, vì có rất nhiều người đã bị xử phạt vì thói thích “phán” theo ý chủ quan của mình. Thời gian qua, nhiều người nổi tiếng trong showbiz như: Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Hoà minzy, mới đây nhất là Duy Mạnh cũng bị xử phạt vì phát ngôn lệch lạch,chưa đúng của mình. Đừng nói là thế giới ảo, ảo mà mất tiền thật đó. Nhiều người lúc chưa nói xấu, lúc tung tin thì “mặt đỏ như vang” nhưng khi bị pháp luật xử lý thì “mặt vàng như nghệ” vì sợ hãi...”.

Đạo diễn Bình Trọng cho hay: “Trên thực tế, câu chuyện xúc phạm danh dự, chửi bới, bôi nhọ nhau trên mạng xã hội không còn hy hữu mà khá phổ biến. Tuy nhiên, phải mất thời gian dài để xử lý. Có trường hợp nạn nhân quá bức xúc, đã quyết định nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, nhưng đi nửa đường lại từ bỏ. Theo tôi, có nhiều lý do. Thứ nhất, hầu như những kẻ có hành vi vu khống, xúc phạm, gièm pha hầu hết đều là “kẻ trọc đầu” so với những nạn nhân “có tóc”, là các doanh nghiệp, người nổi tiếng… Thứ hai, nhiều người lo lắng việc đeo đuổi tố cáo, kiện tụng sẽ gây ra phiền hà, tốn thời gian, công sức, ảnh hưởng thêm danh tiếng mà có khi kết quả chẳng được như ý. Nói chung, khi vướng vào những ồn ào này, cần phải xác định phải mất thời gian để… đi tìm công lý”.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, nếu bỗng nhiên bị bêu xấu, vu khống trên mạng xã hội, việc đầu tiên người dân cần làm là gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Song song đó, đến Thừa phát lại ở các quận, huyện nhờ lập vi bằng ghi nhận hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, đời tư. Đối với hành vi này, pháp luật Việt Nam hiện đã có những quy định chặt chẽ để kiểm soát, xử lý, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, những chuyện nói xấu bịa đặt sẽ bị xử lý đến cùng. Càng ngày, mạng xã hội càng lộ rõ tính hai mặt của nó, khi mà điều tốt đẹp nhanh chóng lan tỏa, còn cái xấu tung ra thì tác hại cũng khủng khiếp, vì thế, mọi người cần thận trọng khi chia sẻ, tiếp nhận các thông tin để không ngậm “trái đắng”, không vướng vòng lao lý như một số người trong thời gian qua.

 

Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/quan-toa-tren-mang-va-nguy-co-hau-toa-vi-bi-khoi-kien-can-can-cong-ly-bao-ve-nan-nhan-bi-lam-nhuc-vu-khong-a71700.html