Rẻo cao lan tỏa yêu thương!
Ngày 21/8, chuyến xe nghĩa tình “Hướng về đồng bằng – San sẻ yêu thương” phăng phăng vượt qua triền núi Nam Trà My về với “tâm dịch” Đà Nẵng.
Tay cầm vô lăng, miệng không ngừng hát theo điệu nhạc “xe ta bon bon trên dặm đường…” - tài xế Nguyễn Vinh lộ rõ sự hứng khởi. Theo anh, đây là số hàng được vận chuyển từ rẻo cao huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đến 11 địa điểm là những khu cách ly, địa điểm phong tỏa, các bếp nấu cho người cách ly ở TP.Đà Nẵng.
Rau rừng, rắn, khoai... được sắp xếp kỹ lưỡng.
Đó là: UBMTTQVN phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ; khu cách ly đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu; khu cách ly 156 đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê; khu cách ly 113 đường Trần Xuân Lê, quận Thanh Khê; ký túc xá đại học Bách khoa, quận Liên Chiểu; khu dân cư Hoà Thuận Tây, quận Hải Châu; chung cư Phước Lý, quận Cẩm Lệ; trường Lý Công Uẩn, quận Hải Châu; ký túc xá DMC, quận Liên Chiểu; bếp Danang Kitchen, quận Sơn Trà; bếp nấu 51 Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu.
10 tấn hàng nặng trĩu được bóc dỡ xuống xe bằng cả sự nâng niu. Những sản vật người đồng bào Nam Trà My gửi miền xuôi gồm rau lủi, rau má, rau lang, rau ngót, bắp chuối, ngọn bí, măng rừng, bầu, bí, chuối, sắn, khoai, môn, cam, chè xanh, chè vối, sả, rau lốt, cà, đậu đũa, bắp, dược liệu...
Tất cả được họ trân quý gói gọn gàng trong từng bìa vở, bọc lá chuối. Thứ nào ra thứ đó, gọn gàng, sạch sẽ. Thế mới thấy hết nghĩa tình của đồng bào. Như lời bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà My, đó đều là những sản vật mà bà con tự trồng, tự làm hoặc tự hái ở rẫy rừng về. Số hàng này vượt xa kỳ vọng của bà.
Theo bà Huệ, bao đời nay vốn người ta chỉ nghe chuyện ủng hộ miền cao, người ta cũng chỉ thấy những chuyến xe băng rừng tìm về nơi khốn khó, sẻ chia giúp đỡ. Âu cũng lẽ thường tình, bởi miền cao cuộc sống bà con gặp vô vàn khó khăn.
Người phụ nữ chất đầy gánh rau đi ủng hộ. Hình ảnh vô cùng chân chất, xúc động về tấm lòng của người miền núi.
Tuy vậy, trong tâm thức đồng bào miền ngược nắng, họ luôn biết trân quý những sẻ chia ấy. “Sau vài ngày phát động, thành quả gặt hái vượt ngoài sự mong đợi của tôi. Người dân Nam Trà My mang ơn các tổ chức, đoàn thể ở đồng bằng suốt nhiều năm qua. Đặc biệt, sau mỗi đợt thiên tai mưa lũ, hàng chục đoàn người, đoàn xe chở đầy ắp nhu yếu phẩm từ dưới xuôi lên hỗ trợ khiến đồng bào vùng cao rất đỗi cảm kích. Chắc chắn đó là một phần lý do mà khi nghe kêu gọi bà con tham gia rất nhiệt tình”, bà Huệ chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp Luật, chương trình kêu gọi thiện tâm này là “Hướng về đồng bằng – san sẻ yêu thương” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Nam Trà thực hiện ở 4/10 xã của huyện gồm Trà Mai, Trà Tập, Trà Don và Trà Dơn.
Cơ quan chức năng kêu gọi người dân quyên góp các mặt hàng là nông sản, rau màu tự sản xuất cho TP.Đà Nẵng. Thế là từng bó rau, đọt măng, từng quả cà, quả bắp... gói gọn cả tấm lòng yêu thương của người Nam Trà My cứ thế chất đầy xe tải, xuôi dòng về với bà con ở đồng bằng đang gồng mình giữa vòng xoáy dịch bệnh. Tiếp nối thành công vượt xa mong đợi này, dự kiến thời gian tới, rẻo cao Nam Trà My sẽ tiếp tục thực hiện kêu gọi ở các xã còn lại để gửi ân tình về Đà Nẵng thân yêu.
Một nách 8 con vẫn hăng hái lan tỏa sự sẻ chia
Tay lướt nhanh chiếc điện thoại, anh Lê Bá Tùng, trú huyện Nam Trà cho chúng xem những hình ảnh mà các đội thiện nguyện chụp lại về quá trình quyên góp, ủng của bà con quê mình.
Đó là cảnh cậu bé lên 8 vác trên vai búp măng rừng cố vượt con dốc đất đỏ. Búp măng nặng và lớn hơn thân hình của em. Tay trái em cầm mớ lá dong xanh ngắt. Số hàng nàng em đã tự hái để đem đến hội trường thôn ủng hộ cho “người miền xuôi”.
Ông Hồ Thanh Bá, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My xúc động nói, khi nghe lời kêu gọi bà con trong xã đều tham gia. Từ người lớn đến từng em nhỏ ... cho thấy ý thức, tình thương, sẻ chia, trách nhiệm và biết ơn của bà con rất cao.
Em bé Nam Trà My cõng búp măng rừng to lớn đi ủng hộ "người miền xuôi".
“Như trường hợp của chị Hồ Thị Hồng, 38 tuổi, là một ví dụ. Chị ấy mất chồng từ lâu, một nách nuôi 8 đứa con khôn lớn. Cuộc sống vất vả, khốn khó đủ đường... Ấy vậy mà chị tham gia ủng hộ rất nhiệt tình”, ông Bá nghẹn lòng chia sẻ.
Căn nhà người phụ nữ góa bụa này nằm sau triền dốc đường lên UBND xã Trà Mai. Tối hôm đó, khi đang dở bữa cơm, chị lắng tai nghe tiếng loa phát thanh phóng đi thông tin vận động đóng góp rau củ quả cho người dân đồng bằng phòng, chống dịch Covid-19. Thế là chẳng nói chẳng rằng, tay ôm thúng, tay xách cuốc chị băng băng ra đám rẫy phía sau nhà.
Đám rẫy nhỏ với sắn, rau lang tươi tốt. Cẩn thận chọn lựa, chị cắt 5 bó rau với chất đầy 1 thúng sắn. Tờ mờ sáng hôm sau, người mẹ 8 con này đi bộ mạch tới thẳng nhà văn hóa thôn để tập kết hàng nông sản để chuyển xuống đồng bằng, tiếp thêm thực phẩm cho người dân vùng tâm dịch.
Những hoàn cảnh khó khăn như chị Hồng nơi miền sơn cước rừng thiêng nước độc không phải là hiếm. Nhất là khi mất đi người chồng, 8 đứa trẻ mất đi người cha càng thêm vạn lần khăn khó.
“Mình ở trên này được giúp đỡ nhiều, các bạn ở dưới hay lên tặng quà, tặng áo... Mình rất cảm ơn. Mình không có quà hay áo, nhà mình có khoai mỳ, rau lang nên mình hái ủng hộ”, chị Hồng thật thà nói.
Bao đời nay vẫn vậy, người rẻo cao chất phác, thật thà. Họ biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của người miền xuôi. Họ nỗ lực vượt qua khó khăn, hủ tục. Nay, dù chẳng phải dư dả nhưng họ không ngần ngại dè sẻn bữa ăn để san sẻ với cộng đồng. Nghĩa tình xuôi ngược keo sơn.