Dốc lực giành giật sự sống cho bệnh nhân
Ngày 25/7, Bộ Y tế công bố ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng sau 99 ngày Việt Nam không có ca mắc trong cộng đồng. Để hỗ trợ Đà Nẵng trong cuộc chiến chống Covid-19, Bộ Y tế đã tung một lượng lượng lớn chưa từng có trong tiền lệ vào Đà Nẵng.
Các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy là những người được điều động có mặt ở Đà Nẵng từ những ngày đầu chống dịch.
Bác sĩ Trần Thanh Linh cùng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Chợ Rẫy là những người được điều động có mặt ở Đà Nẵng từ những ngày đầu chống dịch
“Hành trang của chúng tôi lúc ra Đà Nẵng chỉ có một bộ đồ vì khi đó chúng tôi nghĩ chỉ có một ca bệnh nặng 416 phải thực hiện ECMO. Tuy nhiên, sau đó, có rất nhiều bệnh nhân nặng mà chúng tôi phải đi theo”, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) nhớ lại.
Một tuần sau, bác sĩ Linh được giao nhiệm vụ thiết lập Khoa Hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Phổi để chuyển các bệnh nhân mắc Covid-19 đến đây tiếp tục điều trị, nhanh chóng “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng.
Trong vòng 5 ngày, bác sĩ Linh cùng với ê kíp đã làm việc gần như suốt ngày đêm để thiết lập Khoa Hồi sức cấp cứu đúng chuẩn với đầy đủ hệ thống máy chạy ECMO, máy thở, khí nén, lọc máu, thuốc men, phân luồng một chiều và chịu trách nhiệm hoàn toàn về chuyên môn kỹ thuật ở khoa này.
“Các anh em đã nỗ lực hết sức, quyết tâm ngay từ đầu không chỉ cố gắng đẩy nhanh khống chế dịch bệnh mà còn cứu được nhiều bệnh nhân nặng càng tốt. Bệnh nhân 582 là bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền mà chúng tôi đã dốc hết sức để cứu chữa và chúng tôi đã thành công”, bác sĩ Linh nói.
Đối với các bệnh nhân nặng như bệnh nhân 582, ngoài chăm sóc toàn diện đòi hỏi còn phải vật lý trị liệu, ngay cả như hút đờm và túc trực thường xuyên bên cạnh bệnh nhân cũng là nguy cơ lây nhiễm cho đội ngũ nhân viên y tế. Tuy nhiên, các y bác sĩ ở đây vẫn không nề hà, cố gắng phòng hộ đúng quy trình tránh lây nhiễm, nỗ lực hết sức để “giành giật” sự sống cho bệnh nhân.
Lực lượng do Bộ Y tế "tung vào" Đà Nẵng còn có đoàn công tác đặc biệt của Bệnh viện Bạch Mai do GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc bệnh viện, làm trưởng đoàn.
Trong khi đó, đoàn Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch phân luồng, “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo
Đoàn Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ triển khai kế hoạch phân luồng, “làm sạch” Bệnh viện Đà Nẵng để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai còn được giao nhiệm vụ xây dựng Đơn vị chạy thận nhân tạo để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Họ đã làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khuya để đẩy nhanh tiến độ công việc.
Ngoài ra, các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai còn nhận nhiệm vụ thiết kế các khu điều trị đặc biệt cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang
"Nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng cũng giống như chúng ta ra chiến trường, mà chiến trường thì phải có hiểm nguy, không có gì phải sợ cả. Chúng tôi không thấy áp lực, không thấy quá tải. Ngoài chúng tôi, còn có đồng nghiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phổi và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Tất cả đều dốc lòng để Đà Nẵng nhanh thắng trong trận chiến lần này", BS. Phạm Thế Thạch, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) tâm sự.
Chạy đua với thời gian để truy tìm Covid-19
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, việc truy vết, khoanh vùng cũng như tiến hành cách ly đối với những trường hợp liên quan đến ca bệnh là F1, F2 là vô cùng quan trọng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng được xem là “nơi chạy đua với thời gian” để đưa ra những kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, chính xác nhất.
Bất kể ngày đêm, hàng chục nhân viên y tế được trang bị bảo hộ từ đầu tới chân, tập trung cao độ để không xảy ra sai sót, miệt mài xử lý các công đoạn xét nghiệm bên những máy móc hiện đại.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, việc truy vết, khoanh vùng cũng như tiến hành cách ly đối với những trường hợp liên quan đến ca bệnh là F1, F2 là vô cùng quan trọng
Là Phó đội trưởng Đội xét nghiệm, PGS. TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - được điều động vào Đà Nẵng cho biết, mẫu xét nghiệm tăng đột biến từng ngày: "Chưa bao giờ thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm như thế, cường độ làm việc của các thành viên luôn quá tải bởi lượng mẫu quá nhiều".
Bất kể ngày đêm, hàng chục nhân viên y tế tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng được trang bị bảo hộ từ đầu tới chân, tập trung cao độ để không xảy ra sai sót, miệt mài xử lý các công đoạn xét nghiệm bên những máy móc hiện đại
Đặc biệt, PGS.TS Hằng cũng cho biết, nhân sự trong Đội xét nghiệm đôi lúc cũng áp lực nhưng với tinh thần chung tay cùng người dân Đà Nẵng, người dân cả nước chống dịch nên làm việc xuyên ngày đêm không quản ngại gian khó.
“Có nhiều bạn làm việc đến 12h đêm mới tạm thời kết thúc công việc trong ngày, nhưng sáng sớm hôm sau vẫn có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, giờ nghỉ trưa hiếm hoi thì các bạn tranh thủ ngồi mỗi người một góc, cầm trên tay hộp cơm tranh thủ ăn lấy sức”, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nghẹn ngào.
Thành công của cả tập thể
Chia sẻ về thành công trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, bác sĩ Trần Thanh Linh khẳng định, đây là thành công của tập thể chứ không riêng cá nhân nào.
Những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã đưa đến thành công khi ca bệnh nặng là bệnh nhân 582 đã được chữa khỏi bệnh Covid-19
“Đó là sự gắn kết của tất cả các anh em làm y tế. Từ những chỉ đạo đúng đắn trong phác đồ điều trị mà các cuộc hội chuẩn trực tuyến của quốc gia thường xuyên, cho đến kinh nghiệm từ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hay bệnh viện Đà Nẵng, chúng ta đã kinh qua những ca bệnh nặng thời gian qua. Chúng ta đã thấy được sự quyết tâm, chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo, các giáo sư, đội ngũ nhân viên y tế trong công tác phòng chống dịch”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.
Bệnh nhân 582 viết lên bìa các-tông những lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ đã giúp mình thoát "cửa tử"
Bác sĩ Linh tâm sự, có lẽ sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời của mình khi tham gia vào “chiến trường” chống dịch Covid-19 này.
“Chúng tôi giống như đang ở chiến trường, có cái gì trong tay thì dùng cái đó chiến đấu làm sao để mang lại gì đó có lợi. Mỗi ngày vào khu hồi sức, quyết tâm làm thế nào dập được dịch càng sớm càng tốt”, bác sĩ Linh nhớ lại những ngày các y bác sĩ cùng nhau khiêng bệnh nhân từ tầng này qua tầng khác do bệnh viện không có thay máy.
Các y bác sĩ cùng nhau khiêng bệnh nhân từ tầng này qua tầng khác khi ở bệnh viện không có thang máy
Hành trang mà các y bác sĩ ở tâm dịch Đà Nẵng luôn mang trong lòng là một tâm thế quyết tâm dập được dịch càng sớm càng tốt và khi nào hết dịch họ mới trở về.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của tất cả y bác sĩ cũng như sự chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ kịp thời của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
Thành công của cuộc chiến chống Covid-19 này là thành công của cả tập thể, của sự đồng lòng, chứ không riêng cá nhân nào
“Chúng ta đã cẩn trọng từng li từng tí một để tìm cơ hội cho người bệnh. Chúng ta tập trung tất cả lực lượng về nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị phối hợp để chúng ta có thành công như hôm nay. Đây là một niềm vui, là sự động viên và ghi nhận tất cả đội ngũ y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng cũng như trên toàn quốc trong suốt thời gian vừa qua”, bà Yến chia sẻ niềm vui trong ngày công bố bệnh nhân 582 khỏi bệnh.
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/mot-thang-cang-minh-cua-nhung-chien-binh-blouse-o-diem-nong-covid-19-a71738.html