Mục sở thị nơi Tam nguyên Yên Đổ từng sinh sống.
Trải qua một ngày thời tiết không chiều lòng người, dưới cơn mưa nặng hạt, men theo quốc lộ 21A, PV Người Đưa Tin Pháp Luật có mặt ở Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam để đến thăm ngôi nhà cổ, nơi Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến từng sinh sống.
Theo tìm hiểu, khu nhà mà cụ Nguyễn Khuyến từng sinh sống được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.
Ngôi nhà cổ của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến nằm sâu trong con ngõ nhỏ.
Sau một hồi hỏi thăm rồi đi qua những ngõ nhỏ quanh co, cuối cùng chúng tôi đã đến nơi. Đứng trước cổng nhà Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhìn cánh cửa gỗ cũ kỹ đã bạc màu thời gian đang khép chặt, không hiểu sao, chúng tôi cảm thấy hồi hộp vô cùng.
Sau khi chúng tôi cất tiếng gọi vọng vào, một lúc lâu sau, cánh cửa gỗ chậm rãi mở ra. Một người đàn ông với dáng vẻ cao gầy, bước chân nhanh nhẹn cùng mái tóc bạc trắng hiện ra trước mắt chúng tôi, đó là ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1941), hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến.
“Dạo này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cùng mưa to nên tôi thường đóng cửa không tiếp khách. Không phải vì gia đình ngại mà tôi muốn đảm bảo an toàn cho mọi người trong mùa dịch này”, ông Tùng vừa nói vừa mời chúng tôi vào nhà.
Cổng vào nhà Tam Nguyên Yên Đổ có ba chữ nho “Môn Tử Môn” ở trên.
Thấy chúng tôi đang ngắm nhìn dòng chữ Nho trên cổng, ông Tùng cho biết, ba chữ này có nghĩa là “Môn Tử Môn”. Theo ông Tùng, “Môn Tử Môn” có nghĩa là lối ra vào của học trò: “ Đây là lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò của cụ. Trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy”, ông cho biết.
Bước qua cánh cổng cổ kính, rêu phong, điều đầu tiên chúng tôi có thể cảm nhận được chính là một màu xanh mướt của những tán cây cổ thụ cùng mùi hương dìu dịu của những khóm hoa.
Hít một hơi căng tràn lồng ngực, trong bầu không gian thanh tịnh, mọi mệt mỏi của chúng tôi sau chặng đường dài dường như tan biến.
Ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1941), hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến giới thiệu về kiến trúc của ngôi nhà cổ.
Mặc vội chiếc áo dài tay, ông Tùng giới thiệu cho chúng tôi biết về ngôi nhà cổ mà cụ Nguyễn Khuyến từng sinh sống.
Theo ông Tùng, ngôi nhà mà cụ Nguyễn Khuyến để lại được xây dựng theo lối kiến trúc cổ ngoài là nhà đại tế, phía sau là hậu cung. Đặc biệt, kiểu nhà này, chỉ những người có chức sắc mới được xây dựng.
Ngôi nhà cổ kính của cụ Nguyễn Khuyến đã úa màu theo thời gian.
“Nhà đại tế có 7 gian, xây bằng gạch, lợp ngói, có bốn hàng cột. Hậu cung được làm bằng gỗ. Nhà của cụ đặc biệt ở chỗ, nhà cụ có lưỡng long chầu nguyệt, 9 bậc đặt ở dưới đất. Bình thường, hình lưỡng long chầu nguyệt hay được đặt ở trên nóc nhà”, ông Tùng giới thiệu.
Lý giải về điều này, ông Tùng hồ hởi cho biết, ngày xưa, cụ giải thích với các chức sắc rằng làm vậy để tránh nắng hướng đông và hướng tây. Thế nhưng, lý do ban đầu của cụ lại hoàn toàn khác.
“Cụ Nguyễn Khuyến để lưỡng long chầu nguyệt ở dưới đất nhằm ám chỉ vua nhà Nguyễn bán nước nên không cho cưỡi lên đầu rồng, chỉ chầu đằng trước nhà thôi”, ông Tùng thâm thúy nói.
Những “bảo vật” vô giá và chuyện ly kỳ về đôi rồng nạm ngọc !
Dẫn chúng tôi vào hậu cung, với giọng nói trầm ấm cùng ánh mắt đầy tự hào ông Tùng cho biết, nơi đây mới là nơi trang trọng và linh thiêng nhất: “Đối với tôi và con cháu, ngôi nhà cổ này là nơi linh thiêng nhất. Bởi lẽ, đây là nơi thờ của cụ và cũng là nơi để lưu giữ những kỷ vật mà cụ Nguyễn Khuyến để lại”.
Ông Tùng lý giải cho chúng tôi ý nghĩa của những dòng chữ được Tam Nguyên Yên Đổ viết.
Bước vào khoảng sân nhỏ, ông Tùng nhanh nhẹn đi về phía gian nhà cổ. Chỉ tay về những dòng chữ được khắc trên cột, ông cho biết, đây đều là bút tích của cụ Nguyễn Khuyến và nói: “Những dòng chữ này đều do cụ Nguyễn Khuyến viết ra, con cháu thuê thợ khắc đè lên để lưu giữ”.
Được sự cho phép của ông Tùng, PV Người Đưa Tin Pháp Luật thành kính thắp cho cụ Nguyễn Khuyến nén hương.
Đi sâu vào hậu cung, chúng tôi có thể dễ dàng nhìn thấy những nghiên bút, sắc phong, câu đối cổ. Đó là cuốn thư của cụ Dương Khuê tặng cụ Nguyễn Khuyến khi cụ đỗ Tam Nguyên đầu khoa bảng, tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ” do vua Tự Đức ban cho Tam Nguyên Yên Đổ...
Đứng trước ban thờ, chúng tôi thành kính thắp cho cụ Nguyễn Khuyến nén hương. Một cách trang trọng nhất, ông Tùng nhẹ nhàng lấy cho chúng tôi xem chén rượu, chén uống nước mà cụ Nguyễn Khuyến từng sử dụng năm xưa: “Đây là chén uống rượu và chén nước mà cụ sử dụng ngày xưa còn giữ lại được. Con cháu đời sau luôn luôn coi đây là những “báu vật” vô giá và gìn giữ cẩn thận”.
Trong ngôi nhà cổ này vẫn lưu giữ rất nhiều những kỷ vật của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.
Nói về lư hương trên ban thờ, ông Tùng cho biết đây là cổ vật mà vua Mạc đã ban cho tổ đời thứ 10 của cụ Nguyễn Khuyến. Trên thân bát hương khắc 4 chữ Nôm và có biểu tượng hình rồng, phượng. Theo ông Tùng, đây tượng trưng cho sự cao quý.
Chỉ tay về phía đôi rồng nạm ngọc được đặt trang trọng trên ban thờ, ông Tùng tâm sự: “Đôi rồng nạm ngọc này ngày xưa đã bị ăn trộm và thất lạc. Sau nhiều năm, cuối cùng đôi rồng nạm bạc cũng trở về theo một cách không ai ngờ”.
Đôi rồng nạm ngọc từng bị đánh cắp trong quá khứ.
Năm 1950, nhân lúc con cháu trong nhà cụ Nguyễn Khuyến đi vắng, vì nghèo đói, một người đã đột nhập và lấy đi đôi rồng nạm ngọc để bán: “Năm 1950,có một người đã đột nhập vào nhà và lấy đi đôi rồng. Tuy nhiên, vì thời điểm đó quá đói, họ buộc phải làm vậy để bán lấy tiền nuôi con”.
“Hai cổ vật này đã qua tay nhiều người. Chắc sau này, họ tìm hiểu và biết được đây là cổ vật của từ đường cụ Nguyễn Khuyến nên trước khi lâm chung, họ dặn con cháu mang về giao lại. Vậy nhưng, đây là chuyện cũ, trong quá khứ rồi, cổ vật cũng đã trở về nên tôi không muốn nói nhiều hơn”, ông Tùng khẳng định.
Báu vật vua ban và ý nghĩa sâu xa.
Rời hậu cung, ông Tùng đưa chúng tôi ra nơi trồng những cây nhãn cổ thụ quanh năm tốt tươi. Chỉ tay về một cây nhãn cổ ông cho biết: “Hiện nơi này có 3 cây nhãn cổ thụ. Con trai cụ Nguyễn Khuyến đã xin ba hạt nhãn về trồng sau khi mừng thọ vua Tự Đức (1829-1883)”.
Ông Tùng cho biết, các cụ xưa kể lại, trong một lần cụ Nguyễn Khuyến cùng con trai vào kinh mừng thọ vua Tự Đức, Nhà vua đã ban cho cụ Nguyễn Khuyến chùm nhãn. Con trai cụ xin vua Tự Đức ba hạt giống về ươm trồng và được chấp thuận.
Những cây nhãn cổ thụ được con trai cụ Nguyễn Khuyến trồng có ngụ ý muốn con cháu noi theo và tiếp bước truyền thống của dòng họ .
Nở nụ cười tươi, ông Tùng tâm sự, việc con trai cụ Nguyễn Khuyến xin ba hạt nhãn về trồng không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là vật quý vua Tự Đức ban mà các cụ còn có ý nghĩa sâu xa khác. Trong hệ thống giáo dục Việt Nam thời phong kiến, danh hiệu học vị tiến sĩ được gọi là Bảng Nhãn.
Vì vậy con trai cụ Nguyễn Khuyến trồng ba cây nhãn là có ngụ ý muốn con cháu noi theo và tiếp bước truyền thống của dòng họ: “Con trai cụ Nguyễn Khuyến trồng cây nhãn là muốn nhắn nhủ thế hệ sau tiếp bước việc học hành của dòng họ, cố gắng đỗ đạt cao”.
Rời ngôi nhà mang bao trầm tích của lịch sử và văn hóa, chúng tôi cũng không khỏi có một niềm vui lạ. Kiếp nhân sinh như gió thoảng, để đời sau lưu nhớ công ơn, có khi chính là khí chất và tài hoa của một con người có tài đức vẹn toàn, chứ không phải là công danh, quyền lực hay giàu sang phú quý…
Link nội dung: https://suckhoephapluat.nguoiduatin.vn/bau-vat-vua-ban-va-hanh-trinh-tro-ve-cua-doi-rong-nam-ngoc-bi-danh-cap-bi-an-a71752.html